Quyết định 314/QĐ-UBND năm 2010 về Kế hoạch Hành động bảo vệ Đa dạng sinh học tỉnh Bình Định đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020

Số hiệu 314/QĐ-UBND
Ngày ban hành 12/07/2010
Ngày có hiệu lực 12/07/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Hồ Quốc Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 314/QĐ-UBND

Quy Nhơn, ngày 12 tháng 07 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG VỀ BẢO VỆ ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13/11/2008;

Căn cứ Quyết định số 79/2007/QĐ-TTg ngày 31/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 thực hiện Công ước Đa dạng sinh học và Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học;

Xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại văn bản số 1128/TTr-STNMT ngày 29/6/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch Hành động về bảo vệ Đa dạng sinh học tỉnh Bình Định đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Quốc Dũng

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG VỀ BẢO VỆ ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH BÌNH ĐỊNH ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 314/QĐ-UBND ngày 12/7/2010 của UBND tỉnh)

Bình Định là một trong những khu vực thuộc vùng sinh thái Trung Trường Sơn và được xem là nơi còn sót lại của rừng núi thấp có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) phong phú, với những giá trị ĐDSH quý giá nhưng chưa được điều tra một cách đầy đủ. Đồng thời, tại Bình Định sở hữu nhiều vùng đất ngập nước như Đầm Thị Nại, Đầm Trà Ổ, Đầm Đề Gi,…có giá trị cao về kinh tế và tính ĐDSH. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều loài động thực vật quý, hiếm đang bị đe dọa về nơi sinh sống, thậm chí có một số loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Thực hiện Quyết định số 79/2007/QĐ-TTg ngày 31/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về Đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 thực hiện Công ước Đa dạng sinh học và Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học”, UBND tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch hành động Đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Bình Định nhằm bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên, các loài động thực vật quý, hiếm; đồng thời tạo cơ chế, nguồn lực bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH.

I. ĐỊNH HƯỚNG VÀ MỤC TIÊU

1. Định hướng đến năm 2020

1.1. Xây dựng và hoàn thiện các kế hoạch bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững ĐDSH về nguồn gen, giống, loài sinh vật và các hệ sinh thái một cách đầy đủ và có hệ thống nhằm đóng góp thiết thực vào công tác bảo tồn, phát triển ĐDSH của tỉnh và quốc gia;

1.2. Hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách và các quy định về quản lý ĐDSH và an toàn sinh học; hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về ĐDSH tỉnh Bình Định;

1.3. Hoàn chỉnh hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên (trên cạn, đất ngập nước và biển), cơ bản phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên đặc thù, nhạy cảm đã bị phá hủy;

1.4. Quảng bá các giá trị ĐDSH của tỉnh để thu hút sự quan tâm, đầu tư của các tổ chức trong nước và quốc tế trong việc bảo tồn các giá trị ĐDSH của tỉnh.

2. Mục tiêu đến năm 2015

2.1. Bảo tồn và phát triển ĐDSH trên cạn:

- Trên cơ sở ổn định quy mô diện tích rừng đến cuối năm 2009 đã có 265.496,8 ha thuộc 3 loại rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất, ưu tiên bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, phấn đấu đến cuối năm 2010 đạt tỷ lệ che phủ 44,0% (so với tổng diện tích tự nhiên cả tỉnh 603.956,2 ha) và trong những năm 2011 - 2015 bình quân mỗi năm phát triển thêm khoảng 3.020 ha rừng, tương ứng độ che phủ bình quân mỗi năm tăng 0,5% (cả giai đoạn 2011 - 2015 phát triển thêm khoảng 15.100 ha) để đến cuối năm 2015 toàn tỉnh đạt độ che phủ 46,5%;

- Đối với rừng phòng hộ và rừng đặc dụng là rừng tự nhiên cần quan tâm cao độ đến việc bảo tồn, phát triển các loài cây gỗ và ngoài gỗ có giá trị cao, đã hiện diện lâu năm trên địa bàn tỉnh, thích ứng với từng điều kiện sinh thái cụ thể có nhiều khả năng chống chịu đối với những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, sâu bệnh hại,…

[...]