Quyết định 3093/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Phương án bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, giai đoạn 2021-2030 do tỉnh Thanh Hóa ban hành

Số hiệu 3093/QĐ-UBND
Ngày ban hành 13/08/2021
Ngày có hiệu lực 13/08/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Lê Đức Giang
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3093/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 13 tháng 8 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN XUÂN LIÊN, GIAI ĐOẠN 2021-2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13/11/2013; Luật Đất đai ngày 29/11/2013; Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20/11/2018;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: Số 65/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học; số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 về việc hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 về việc sửa đổi bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai; số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020 về việc sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;

Căn cứ Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ các Thông tư của Bộ Nông nghiệp và PTNT: Số 28/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 quy định về quản lý rừng bền vững; số 29/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 quy định về các biện pháp lâm sinh; số 30/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 quy định danh mục loài cây lâm nghiệp chính; số 31/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 quy định về phân định ranh giới rừng; số 32/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 quy định phương pháp định giá rừng; số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng; Thông tư số 15/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/10/2019 về hướng dẫn một số nội dung quản lý đầu tư công trình lâm sinh;

Căn cứ các văn bản của Bộ Nông nghiệp và PTNT: Số 8264/TB-BNN-VP ngày 30/11/2020 về công tác quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ năm 2020 và đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; số 3819/BNN-TCLN ngày 21/6/2021 về xây dựng phương án quản lý rừng bền vững tỉnh Thanh Hóa;

Căn cứ Quyết định số 3230/QĐ-UBND ngày 29/8/2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2025;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Báo cáo thẩm định số 467/BC-SNN&PTNT ngày 10/8/2021; của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên tại Tờ trình số 29/TTr-BTXL ngày 29/7/2021 (kèm theo hồ sơ có liên quan).

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, giai đoạn 2021-2030, với các nội dung chính như sau:

1. Tên chủ rừng: Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên.

2. Địa chỉ: Khu phố Tiến Sơn 2, thị trấn Thường Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

3. Mục tiêu

3.1. Mục tiêu chung

Bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên nhằm gìn giữ, phát huy các giá trị đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an ninh nguồn nước khu vực đầu nguồn sông Chu, sông Khao. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai; tăng giá trị các hoạt động sản xuất lâm nghiệp và dịch vụ môi trường rừng; góp phần hài hòa giữa lợi ích bảo tồn, bảo vệ môi trường với lợi ích kinh tế, quốc phòng, an ninh địa phương.

3.2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu về môi trường

- Bảo vệ hiệu quả 24.728,6 ha đất rừng hiện có; duy trì và tăng độ che phủ rừng trên 97%; nâng cao khả năng giá trị phòng hộ đầu nguồn và cung cấp nguồn sinh thủy cho hồ thủy điện Cửa Đạt, Xuân Minh, Bái Thượng và Dốc Cáy; đảm bảo nguồn nước tưới cho 86.000 ha đất nông nghiệp, cung cấp nước sạch sinh hoạt cho vùng hạ lưu tỉnh Thanh Hóa.

- Bảo tồn được giá trị đa dạng sinh học và các giá trị dịch vụ môi trường rừng; bảo tồn và phát triển 56 loài thực vật, 94 loài động vật đặc hữu, quý hiếm có tên trong Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ, Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới, điển hình như các loài: Pơmu, Sa mu dầu, Bách xanh, Vượn đen má trắng, Voọc xám, các loài Mang...

- Bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái rừng, thông qua các biện pháp lâm sinh như: Trồng rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng, làm giàu rừng, nhằm phát huy tối đa các chức năng của rừng (hạn chế xói mòn đất, chống suy thoái tài nguyên nước; bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn nguồn gen các loài động, thực vật quý hiếm...)

b) Mục tiêu về xã hội

- Tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương thông qua giao khoán bảo vệ, phát triển rừng và các hoạt động lâm nghiệp khác.

- Từng bước nâng cao nhận thức chủ rừng, người dân chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; bảo tồn các giá trị văn hóa, kiến thức bản địa của địa phương.

- Tạo môi trường thuận lợi thu hút các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp bền vững, theo chuỗi giá trị.

c) Mục tiêu về kinh tế

[...]