Quyết định 3069/QĐ-BTP năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Tổ chức cán bộ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 3069/QĐ-BTP
Ngày ban hành 17/11/2014
Ngày có hiệu lực 17/11/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Hà Hùng Cường
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3069 /QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA VỤ TỔ CHỨC CÁN BỘ

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Chức năng

Vụ Tổ chức cán bộ là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là cán bộ), đào tạo và bồi dưỡng cán bộ của Bộ, ngành Tư pháp theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Vụ Tổ chức cán bộ (sau đây gọi là Vụ) có các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1. Xây dựng, trình Bộ trưởng kế hoạch công tác dài hạn, 5 năm và hàng năm của Vụ; tham gia xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, 5 năm và hàng năm của ngành Tư pháp.

2. Xây dựng, trình Bộ trưởng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, đào tạo và bồi dưỡng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ.

3. Chủ trì hoặc tham gia xây dựng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đề án về tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, đào tạo và bồi dưỡng của Bộ, Ngành để Bộ trưởng trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền; tham gia xây dựng, thẩm định, góp ý các dự án, dự thảo văn bản, đề án khác do Bộ trưởng giao.

4. Tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, chính sách, biện pháp, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và quy định của pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng của Vụ.

5. Về tổ chức bộ máy:

a) Tham mưu, đề xuất Bộ trưởng các biện pháp, giải pháp kiện toàn tổ chức cán bộ ngành Tư pháp;

b) Thẩm định, trình Bộ trưởng dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ và dự thảo Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các tổ chức thuộc các đơn vị thuộc Bộ theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ; thẩm định các đề án, văn bản kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ;

c) Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng và thực hiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ.

6. Về vị trí việc làm và biên chế:

a) Hướng dẫn xây dựng, thẩm định vị trí việc làm và trình Bộ trưởng xem xét, quyết định gửi Bộ Nội vụ xem xét, phê duyệt; quản lý vị trí việc làm đối với các đơn vị thuộc Bộ theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;

b) Hướng dẫn việc lập kế hoạch biên chế công chức và số lượng viên chức của các đơn vị thuộc Bộ; tổng hợp, xây dựng kế hoạch biên chế công chức và số lượng viên chức để Bộ trưởng quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

c) Trình Bộ trưởng quyết định giao biên chế công chức hàng năm đối với các đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước, biên chế công chức và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ và đơn vị sự nghiệp thuộc Cục thuộc Bộ theo quy định.

7. Về công tác cán bộ:

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ xây dựng, trình Bộ trưởng tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ các ngạch công chức ngành Tư pháp để Bộ trưởng đề nghị Bộ Nội vụ ban hành; trình Bộ trưởng ban hành tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, tiêu chuẩn chức danh Giám đốc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kiểm tra việc bố trí cán bộ và thực hiện tiêu chuẩn này;

b) Tổ chức thực hiện việc tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, nâng ngạch, chuyển ngạch công chức; xét thăng hạng, chuyển chức danh nghề nghiệp viên chức; nâng lương; quy hoạch cán bộ; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, miễn nhiệm, từ chức; nghỉ hưu, thôi việc, nghỉ không hưởng lương; tiếp nhận, điều động, biệt phái, chuyển công tác, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác; đánh giá cán bộ; kê khai tài sản, thu nhập; quản lý hồ sơ cán bộ, hồ sơ bảo hiểm xã hội; kỷ luật; thực hiện các chế độ, chính sách khác đối với cán bộ và người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các đơn vị thuộc Bộ theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;

c) Trình Bộ trưởng quyết định việc chọn, cử công chức, viên chức đi công tác, học tập ở trong nước và nước ngoài; giải quyết việc cho phép công chức, viên chức của các đơn vị thuộc Bộ đi nước ngoài về việc riêng theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ;

d) Phối hợp với Tổng cục Thi hành án dân sự trong việc quản lý, kiểm tra công tác tổ chức cán bộ thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.

8. Về đào tạo và bồi dưỡng:

[...]