Quyết định 2952/QĐ-UBND năm 2007 Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng tài nguyên khoáng sản tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng do Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng ban hành

Số hiệu 2952/QĐ-UBND
Ngày ban hành 25/10/2007
Ngày có hiệu lực 25/10/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Huỳnh Đức Hòa
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2952/QĐ-UBND

Đà Lạt, ngày 25 tháng 10 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN VÀ SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2010, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020 THUỘC THẨM QUYỀN CẤP PHÉP CỦA UBND TỈNH LÂM ĐỒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20/3/1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;
 Căn cứ Nghị quyết số 74/2007/NQ-HĐND ngày 20/7/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng “V/v thông qua quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng tài nguyên khoáng sản tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh Lâm Đồng”;
Xét Tờ trình số 314/TTr-TN&MT ngày 21/6/2007 của Sở Tài nguyên và Môi trường;
Theo đề nghị tại Tờ trình số 1253/TTr-KHĐT ngày 15/8/2007 của Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng tài nguyên khoáng sản tỉnh Lâm Đồng đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh Lâm Đồng” với những nội dung chủ yếu như sau:

I. Quan điểm và mục tiêu quy hoạch

1. Quan điểm

a) Tài nguyên khoáng sản là nguồn lợi vật chất đặc thù không thể tái sinh, thuộc sở hữu nhà nước, được thống nhất quản lý; quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản của địa phương phải phù hợp với quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản quốc gia và quy hoạch tổng thể phát triển các ngành Công nghiệp của cả nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

b) Tài nguyên khoáng sản của tỉnh Lâm Đồng là nguồn lực quan trọng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản là ngành công nghiệp quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa -hiện đại hóa của tỉnh vì vậy các hoạt động khoáng sản phải chú trọng đầu tư theo hướng bền vững, khai thác sử dụng hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm để phục vụ cho nhu cầu trước mắt, đồng thời phải được quản lý, bảo vệ, dự trữ cho nhu cầu tài nguyên trong tương lai.

c) Thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng tài nguyên khoáng sản phải kết hợp chặt chẽ với bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác.Tăng cường quản lý chặt chẽ công tác khai thác khoáng sản để đảm bảo các yêu cầu bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường

d) Phát triển công nghiệp khoáng sản của tỉnh phải được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ và phục vụ có hiệu quả cho sự phát triển các ngành công nghiệp của Trung ương và địa phương cũng như các ngành nông lâm nghiệp, thuỷ lợi, giao thông, xây dựng cơ bản, đô thị hoá và du lịch dịch vụ… trên địa bàn tỉnh.

đ) Từng bước hiện đại hoá công tác thăm dò địa chất, khai thác và chế biến khoáng sản, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ trong sản xuất, đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm khoáng sản chế biến để có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới. Hạn chế và tiến đến chấm dứt tình trạng xuất khẩu, buôn bán khoáng sản dưới dạng nguyên liệu thô.

e) Tạo điều kiện thuận lợi và huy động các doanh nghiệp có đủ kinh nghiệm và năng lực trong và ngoài nước để đầu tư khai thác chế biến sâu theo đúng quy hoạch được duyệt và theo quy định của pháp luật. Tăng cường phối hợp giữa các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản của Tỉnh với các Tổng công ty, Tập đoàn nhà nước để hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, đảm bảo tốt việc thực hiện quy hoạch.

g) Nhằm đảm bảo thống nhất giữa quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng tài nguyên khoáng sản chung toàn quốc và quy hoạch của địa phương, quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng tài nguyên khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng sẽ được điều chỉnh, cập nhật đối với các loại khoáng sản mà quy hoạch chung trên cả nước chưa được phê duyệt tại thời điểm ban hành quy hoạch này.

2. Mục tiêu

a) Tỷ trọng ngành khai thác chế biến khoáng sản đến năm 2010 tăng gấp 2-3 lần so với năm 2005, chiếm 9% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh.

b) Tốc độ tăng trưởng của ngành khai thác chế biến khoáng sản và vật liệu xây dựng đạt bình quân 30-33%/năm.

c) Tập trung vào thăm dò, chế biến một số khoáng sản quan trọng: bô xít, cao lanh, bentonit, diatomit; hình thành các khu công nghiệp bô xít và cao lanh. Đẩy mạnh sản xuất phân vi sinh, phân hữu cơ từ các nguồn nguyên liệu sẵn có. Phát triển công nghiệp sản xuất gốm sứ, vật liệu xây dựng, mở rộng các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng có chất lượng cao, sản xuất gạch tuy nen. Phát triển khai thác đá, cát, sỏi để phục vụ các công trình xây dựng, dân dụng.

II. Nội dung quy họach

1. Kết quả điều tra đánh giá tiềm năng khóang sản trên địa bàn tỉnh

Trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và đăng ký được 289 khoáng sàng, biểu hiện khoáng sản và điểm khoáng hóa (sau đây gọi chung là điểm khoáng sản) với khoảng 30 loại khoáng sản, gồm 4 nhóm chính:

a) Nhóm nhiên liệu khoáng: Chủ yếu là than nâu, tập trung ở Đại Lào, thị xã Bảo Lộc; Đinh Trang Thượng, Di Linh và Đan Phượng, Lâm Hà. Trữ lượng ở cấp độ chắc chắn, tin cậy (cấp 121 và 122) khoảng 1 triệu tấn.

b) Nhóm kim loại: Đã phát hiện: sắt, đồng, chì - kẽm, vonfram, thiếc, nhôm, antimoon, vàng. Trong đó vàng, thiếc, nhôm có biểu hiện khá phong phú, có tiền đề địa chất thuận lợi và có quy mô lớn.

- Nhôm (bô xit): Có 9 khoáng sàng và biểu hiện khóang sản tập trung phía tây đèo Bảo Lộc (thị xã Bảo Lộc), huyện Bảo Lâm, vùng Sơn Điền, Gia Bắc, Tân Thượng (huyện Di Linh) và khu vực Lán Tranh (Lâm Hà). Tổng trữ lượng bô xit khoảng 1,1 tỷ tấn nguyên khai trong đó riêng các khoáng sàng lớn là 974,45 triệu tấn nguyên khai tương đương 463 triệu tấn quặng tinh.       

+ Trữ lượng và tài nguyên chắc chắn, tin cậy (cấp 122, 222) là 538,44 triệu tấn nguyên khai;

+ Tài nguyên dự báo cấp suy đoán (334a) là 573,44 triệu tấn nguyên khai.

- Thiếc: Ghi nhận được 29 điểm, tập trung tại phía Bắc Đà Lạt, Đa Chais -huyện Lạc Dương, Phú Sơn - huyện Lâm Hà, Sơn Điền, Hoà Bắc- huyện Di Linh. Trữ lượng đã được phê duyệt là 120 ngàn tấn (chủ yếu ở mức chưa rõ hiệu quả kinh tế, cấp 331).

[...]