Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 2933/QĐ-UB năm 2002 phê duyệt Dự án Quy hoạch phát triển Công nghiệp - Tiểu Thủ Công Nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2001 - 2010

Số hiệu 2933/QĐ-UB
Ngày ban hành 07/11/2002
Ngày có hiệu lực 07/11/2002
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Văn Mễ
Lĩnh vực Thương mại

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : 2933/QĐ-UB

Huế, ngày 07 tháng 11 năm 2002

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/06/1994;

- Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/07/1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng;

- Căn cứ Thông báo số 2730/TB-UB ngày 31/12/2001 của Ủy Ban Nhân Dân tỉnh về việc thông báo Kết luận của UBND tỉnh thông qua quy hoạch phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2001 - 2010;

- Căn cứ Thông báo số 50/TB-VP ngày 22/5/2002 của Bộ Công nghiệp về việc thông báo Kết quả cuộc họp về “Quy hoạch phát triển Công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2001 - 2010";

- Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 1996 - 2010;

- Theo đề nghị của Sở Công nghiệp Tiểu thủ công nghiệp tại tờ trình số 198/SCN-KH ngày 27/5/2002 và đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số: 558/TH-SKH ngày 19/6/ 2002.

QUYẾT ĐỊNH

Điều I : Phê duyệt Dự án quy hoạch phát triển Công nghiệp - TTCN thời kỳ 2001 - 2010 với nội dung chủ yếu sau:

1. Tên dự án: Quy hoạch phát triển Công nghiệp - TTCN trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2001 - 2010.

2. Định hướng và mục tiêu phát triển:

2.1. Phương hướng, nhiệm vụ, và các quan điểm cơ bản:

Lấy nhiệm vụ phát triển công nghiệp - TTCN làm khâu bứt phá để đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế nhằm nhanh chóng rút gắn khoảng cách chênh lệch về tốc độ tăng trưởng và phát triển so với các trung tâm kinh tế của cả nước.

Phát triển công nghiệp - TTCN trên địa bàn gắn với tổng thể phát triển công nghiệp - TTCN của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và của cả nước. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - TTCN ở các vùng đô thị, lấy các khu công nghiệp tập trung và cụm công nghiệp, những vùng có điều kiện hạ tầng cơ sở thuận lợi làm động lực chính để phát triển. Đồng thời phát triển công nghiệp - TTCN ở các huyện có điều kiện về nguồn nguyên liệu tại chỗ và tay nghề truyền thống; hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp - TTCN mũi nhọn: sản xuất VLXD, dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến nông lâm thuỷ sản; công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin và công nghệ phần mềm; từng bước xây dựng các ngành công nghiệp vật liệu mới, sinh học…

Gắn phát triển công nghiệp - TTCN với giải quyết các vấn đề xã hội, tạo thêm công ăn việc làm, thúc đẩy phân bố lại lao động và dân cư; kết hợp một cách hữu cơ giữa CNH-HĐH với quá trình đô thị hoá và phát triển nông nghiệp nông thôn từng bước giảm dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Phải chuẩn bị tốt về mọi mặt để đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững trong sản xuất công nghiệp - TTCN. Coi trong đầu tư xây dựng vung nguyên liệu, áp dụng đồng bộ các biện pháp bảo vệ môi trường, sinh thái, sử dụng hợp lý lâu dài tài nguyên thiên nhiên trong tỉnh. Ngoài việc xây dựng cơ cấu - TTCN hợp lý phải coi trọng đổi mới thiết bị và công nghệ; thường xuyên nghiên cứu ứng dụng có hiệu quả các thành tựu mới về khoa học công nghệ và khoa học quản lý; chăm lo bồi dưỡng nguồn nhân lực của ngành công nghiệp - TTCN bao gồm cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân lành nghề… Trên cơ sở đó tăng khả năng cạnh tranh, chủ động trong quá trình hội nhập, không ngừng nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội.

Trong quá trình phát triển công nghiệp - TTCN phải huy động mọi nguồn lực từ bên trong lấy nội lực của các thành phần kinh tế là chính, kết hợp với thu hút tối đa mọi nguồn lực đầu tư trong nước và quốc tế, xem đây là nguồn lực đặc biệt quan trọng. Đa dạng hoá về quy mô và các loại hình sản xuất công nghiệp - TTCN, phát triển các cơ sở công nghiệp - TTCN chủ đạo đi đôi với xây dựng các cơ sở sản xuất, chế biến quy mô vừa và nhỏ, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống làm vệ tinh cho các ngành, doanh nghiệp công nghiệp - TTCN chủ đạo, phục vụ tốt sản xuất nông lâm ngư nghiệp và tăng nhanh tỷ trọng xuất khẩu.

2.2. Mục tiêu:

Phấn đấu đến năm 2010 đạt các mục tiêu chủ yếu sau:

- Giá trị tổng sản lượng công nghiệp tăng bình quân hàng năm là 17,4 - 18,5% trong đó giai đoạn 2001 - 2005 tăng bình quân là 16 - 17%, nâng tỷ trọng GDP ngành công nghiệp trong GDP toàn tỉnh lên 28 - 28,6% vào năm 2005 và 31- 32,2% vào năm 2010.

- Đến cuối kỳ kế hoạch, Thừa Thiên Huế phải trở thành một trung tâm mạnh của khu vực và cả nước về dệt may, sản xuất VLXD, chế biến nông lâm thuỷ sản; hàng thủ công mỹ nghệ; công nghệ thông tin và công nghiệp phần mềm,…

3. Nhiệm vụ chủ yếu về phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2001 - 2010:

3.1. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ sản, thực phẩm:

Chú trọng đầu tư phát triển sản xuất chế biến với trình độ công nghệ ngày càng cao các nhóm sản phẩm: thủy - hải sản, súc sản, đồ uống, cà phê, cao su, hướng mạnh vào xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đầu tư chiều sâu, cải tạo mở rộng, đổi mới thiết bị, hiện đại hóa công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm của các cơ sở chế biến thủy sản; bia Huế, các cơ sở chế biến đồ gỗ, bánh kẹo; tôm chua truyền thống …hiện có.

Đầu tư xây dựng mới nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu Thuận An (Phú Vang), Cầu Hai (Phú Lộc). Tập trung đầu tư sản xuất nước khoáng, chế biến nước dứa cô đặc và nước hoa quả các loại, các loại đồ uống từ sửa,... Xây dựng mới các cơ sở sản xuất thức ăn gia súc, thực phẩm sấy khô; mở rộng, đa dạng hoá sản phẩm của nhà máy Bia Huế. Xây dựng các nhà máy: chế biến cà phê; chế biến tinh bột sắn; chế biến cao su, nhựa thông; chế biến súc sản và gia cầm; sản xuất ván nhân tạo; gỗ Laminate,…

Phấn đấu giá trị hàng hoá ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản thực phẩm giai đoạn 2001 - 2005 tăng bình quân hàng năm là 12,7 - 14,5% và giai đoạn 2006 - 2010 tăng bình quân hàng năm là 18,3 - 19,6%.

3.2. Tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống:

Tập trung đầu tư những ngành nghề có nhiều thuận lợi phát triển dựa trên những tiềm năng nguyên liệu tại chỗ, cùng với lợi thế là trung tâm du lịch. Vận dụng đồng bộ các giải pháp, chính sách để khôi phục, phát triển các làng nghề điêu khắc, đúc đồng, sơn mài, thêu ren,…Đầu tư nghiên cứu một số sản phẩm thủ công mỹ nghệ chất lượng cao, mẫu mã đẹp, làm hàng lưu niệm quà tặng phục vụ du khách trong nước và xuất khẩu. Thành lập Trung tâm giao dịch mau bán hàng thủ công mỹ nghệ. Có chính sách về mọi mặt và hỗ trợ đầu tư nhằm khuyến khích, đồng thời tạo chuyển biến về nhận thức trong nhân dân khắc phục tính bảo thủ, trì trệ trong sản xuất kinh doanh.

3.3 Công nghiệp vật liệu xây dựng, gốm sứ, thuỷ tinh

Phát triển sản xuất vật liệu xây dựng nhằm thoả mãn nhu cầu tiêu dùng cả trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu. Chất lượng, giá sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường cả nước và nước ngoài. Tập trung đầu tư các sản phẩm có nhu cầu lớn, sức cạnh tranh cao, có điều kiện phát triển, có nguyên liệu tại chổ dồi dào như xi măng, gạch không nung, vật liệu lợp, đá ốp lát, gạch Cêramic, bê tông và cấu kiện bê tông, vật liệu xây dựng công nghệ cao. Phát triển các loại sản phẩm như thuỷ tinh pha lê, gạch Granit nhân tạo, bông sợi thuỷ tinh, vật liệu composite, bột màu xây dựng,… Đến năm 2005 xây dựng xong nhà máy sản xuất xi măng Đồng Lâm công suất 1,4-2 triệu tấn/năm, giai đoạn 2005-2010 nâng công suất gấp đôi; Xi măng Lucksvaxi lên 1-1,5 triệu tấn/năm, đưa công suất nhà máy Xi măng Long Thọ công suất 0,12 - 0,16 triệu tấn/năm; chuẩn bị để khởi công nhà máy xi măng Nam Đồng 1,4-2 triệu tấn/năm; sứ vệ sinh 1 triệu sản phẩm /năm, sứ cách điện và sứ gia dụng.

[...]