Quyết định 29/2022/QĐ-UBND về Quy chế tổ chức đối thoại của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Số hiệu 29/2022/QĐ-UBND
Ngày ban hành 04/08/2022
Ngày có hiệu lực 22/08/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Đặng Văn Minh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/2022/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 04 tháng 8 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC ĐỐI THOẠI CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC CÁC CẤP VỚI NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh tại Tờ trình số 467/TTr-TTT ngày 03 tháng 6 năm 2022, Báo cáo số 95/BC-TTT ngày 19 tháng 7 năm 2022 và ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Báo cáo số 37/BC-STP ngày 21 tháng 3 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức đối thoại của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22 tháng 8 năm 2022.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban ngành, cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ;
- Cục kiểm
tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh,
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh;
- Các cơ quan TM, giúp việc Tỉnh ủy;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Các tổ chức chính trị - xã hội t
nh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Đài PT-TH Quảng Ngãi, Báo Quảng Ngãi;
- VPUB: PVP, các Phong N/c; CBTH;
- Lưu: VT, NCbdv588.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đặng Văn Minh

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC ĐỐI THOẠI CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC VỚI NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
(Kèm theo Quyết định số 29/2022/QĐ-UBND ngày 04 tháng 8 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy chế này quy định mục đích, nguyên tắc, nội dung, hình thức; tổ chức đối thoại; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; quyền và nghĩa vụ của Nhân dân khi tham gia đối thoại với người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

2. Quy chế này không áp dụng đối với đối thoại trong các lĩnh vực giải quyết khiếu nại hành chính; tranh chấp đất đai; giải quyết các vụ việc kiến nghị, phản ánh đông người; phòng, chống tội phạm; đối thoại với thanh niên trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp phải đối thoại trực tiếp với Nhân dân, gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây viết tắt là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện); Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây viết tắt là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã).

2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tổ chức đối thoại.

Điều 3. Mục đích đối thoại

1. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ đối thoại với Nhân dân. Thông qua đối thoại trực tiếp nắm bắt tâm tư nguyện vọng của Nhân dân, kịp thời chỉ đạo giải quyết những kiến nghị, những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà Nhân dân quan tâm.

2. Nhằm thực hiện và cụ thể hóa cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Góp phần đổi mới phương thức điều hành, quản lý của chính quyền các cấp; thực hiện có hiệu quả mục tiêu dân chủ hóa, công khai hóa mọi hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước để Nhân dân theo dõi, giám sát việc thực hiện; tăng cường, củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân và phát huy, mở rộng quyền dân chủ, chủ động tham gia góp ý kiến của Nhân dân.

3. Tuyên truyền, phổ biến trực tiếp chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương; giải thích cho Nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về đường lối, chủ trương của Đảng và cấp ủy, chính quyền, địa phương, những thuận lợi, khó khăn trong lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, điều hành để Nhân dân hiểu, đồng thuận, góp phần củng cố, tăng cường sự thống nhất tư tưởng chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân.

4. Thông qua việc tiếp xúc phát hiện những ưu điểm, hạn chế của các chủ trương, chính sách trong quá trình thực hiện cũng như những khuyết điểm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ được Nhân dân phản ánh.

[...]