Quyết định 2841/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

Số hiệu 2841/QĐ-UBND
Ngày ban hành 28/12/2016
Ngày có hiệu lực 28/12/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Đoàn Văn Việt
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2841/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 28 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI VẬN TẢI HÀNH KHÁCH CÔNG CỘNG BẰNG XE TAXI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;

Căn cứ Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

Căn cứ Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quy định về tổ chức và quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ;

Căn cứ Quyết định số 1462/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1202/QĐ-UBND ngày 24/6/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu sau:

I. Sự cần thiết phải lập quy hoạch

Trong những năm qua, hoạt động kinh doanh của xe taxi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng một phần nhu cầu đi lại của người dân địa phương và khách du lịch trong, ngoài tỉnh; nhất là vào những dịp lễ, tết. Tuy nhiên, số lượng phương tiện và doanh nghiệp tham gia hoạt động taxi trong thời gian vừa qua mang tính tự phát, phân bố không hợp lý, xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tranh giành khách; công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho lái xe chưa thật sự được quan tâm đúng mức, chất lượng phục vụ chưa tốt; chưa xác định quỹ đất cho việc đậu đỗ xe qua đêm và vị trí đón chờ khách, làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách trong thời gian tới cần phải quy hoạch để phát triển hệ thống taxi với chất lượng dịch vụ vận tải ngày càng cao, góp phần bảo đảm an toàn giao thông và văn minh đô thị.

II. Quan điểm và mục tiêu quy hoạch

1. Quan điểm quy hoạch:

a) Quy hoạch phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

b) Phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi theo hướng nâng cao tối đa chất lượng phục vụ, đa dạng về hình thức, có số lượng phù hợp, giá cả hợp lý đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách; tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

c) Phát triển hệ thống các điểm dừng đỗ, đón khách đảm bảo sự gắn kết tốt với mạng lưới vận tải hành khách bằng đường bộ, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

2. Mục tiêu quy hoạch:

a) Làm cơ sở để hoạch định kế hoạch phát triển vận tải khách bằng xe taxi phù hợp với quy định, lộ trình của quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

b) Từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm kết nối liên hoàn với tất cả các loại hình dịch vụ vận tải khác; khai thác có hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển ngành du lịch, dịch vụ gắn với phát triển đô thị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

c) Phấn đấu đạt tỉ lệ về số lượng taxi trên 1.000 dân ở mức cao hơn so với bình quân chung của các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng; số xe có chất lượng tốt (sử dụng dưới 5 năm) đạt trên 80%, từng bước đầu tư phát triển xe taxi chất lượng cao, xe sử dụng năng lượng sạch.

d) Quy hoạch hệ thống các điểm đỗ, đón khách và hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động của xe taxi đáp ứng nhu cầu, đảm bảo an ninh trật tự, thuận lợi cho việc đi lại của người dân và du khách.

III. Nội dung quy hoạch

1. Quy hoạch số lượng phương tiện:

Đến đầu năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 1.279 xe taxi; căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trên cơ sở thực trạng tình hình hoạt động và sự gia tăng của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải về số lượng xe taxi trên địa bàn tỉnh; định hướng phát triển như sau:

[...]