Quyết định 2838/QĐ-BTC năm 2023 Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 của Bộ Tài chính

Số hiệu 2838/QĐ-BTC
Ngày ban hành 25/12/2023
Ngày có hiệu lực 25/12/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Nguyễn Đức Chi
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2838/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NĂM 2024 CỦA BỘ TÀI CHÍNH

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 14/2023/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030;

Căn cứ Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030;

Căn cứ Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Tài chính đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1924/QĐ-BTC ngày 30 tháng 9 năm 2021 của Bộ Tài chính về việc ban hành Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025 của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ Tài chính.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 của Bộ Tài chính.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ căn cứ vào nội dung, nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 của Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch chi tiết và tổ chức triển khai thực hiện tại đơn vị.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và các cá nhân, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để thực hiện);
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc (để b/c);
- Các đồng chí Thứ trưởng;
- Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ (để b/c);
- Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Lưu: VT, VP (25b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Đức Chi

 

KẾ HOẠCH

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NĂM 2024 CỦA BỘ TÀI CHÍNH
(Kèm theo Quyết định số 2838/QĐ-BTC ngày 25 tháng 12 năm 2023 của Bộ Tài chính)

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

1.1. Tiếp tục xây dựng nền hành chính của ngành Tài chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, đổi mới xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong giai đoạn 2021 - 2030.

1.2. Thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Tài chính. Triển khai đồng bộ và toàn diện từ công tác thể chế, cải cách thủ tục hành chính đến xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bộ Tài chính số trên tất cả các lĩnh vực góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan hành chính nhà nước ngành Tài chính, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.

1.3. Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Bộ Tài chính trong việc chủ trì, tham mưu giúp Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ triển khai thực hiện công tác cải cách tài chính công, hướng đến việc xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô, tài chính - tiền tệ; huy động, quản lý, phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính; đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, đổi mới cơ chế quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

1.4. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính; nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; tổ chức thi hành pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức và toàn xã hội, góp phần tích cực trong phòng ngừa và ngăn chặn tham nhũng.

1.5. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là những thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Phấn đấu có tối thiểu 70% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến, trong đó tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 30% trở lên; tối thiểu 85% kết quả giải quyết thủ tục hành chính đang còn hiệu lực và có giá trị sử dụng thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài chính và các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ được số hóa đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tối thiểu 70% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công thủ tục hành chính trước đó mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đang quản lý, hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được các cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ với nhau.

1.6. Tiếp tục rà soát, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và kiện toàn chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định.

1.7. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Bộ Tài chính số, Bộ Tài chính phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, nâng cao hiệu quả hoạt động toàn ngành Tài chính thông qua các công cụ số hóa; xác định ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính.

1.8. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đối với việc tổ chức thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính; xác định rõ kết quả đạt được, nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cá nhân chủ trì thực hiện, gắn việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính với công tác chuyên môn và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, đánh giá nghiêm túc, trung thực, khách quan việc triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính của các đơn vị trong ngành Tài chính.

[...]