Quyết định 28/2013/QĐ-UBND phê duyệt Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Sơn La năm 2013

Số hiệu 28/QĐ-UBND
Ngày ban hành 05/01/2013
Ngày có hiệu lực 05/01/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Cầm Văn Chính
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường,Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 05 tháng 01 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG TỈNH SƠN LA NĂM 2013

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng;

Căn cứ Quyết định số 197/QĐ-BNN-KL ngày 27 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hướng dẫn xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cấp tỉnh;

Xét đề nghị của Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 01/TTr-SNN ngày 02 tháng 01 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Sơn La năm 2013 (Có Phương án kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng trong Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Sơn La giai đoạn 2011 - 2020, UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn và các chủ rừng tổ chức triển khai thực hiện tốt Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô hanh năm 2013 trên địa bàn tỉnh.

- Kiểm tra, theo dõi, đôn đốc quá trình tổ chức thực hiện Phương án và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Thường trực UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành, tỉnh; Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Sơn La giai đoạn 2011 - 2020, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố; Giám đốc các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; Thủ trưởng các đơn vị và các chủ rừng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- TT. Tỉnh ủy (b/c);
- TT. HĐND tỉnh (b/c);
- TT.UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- Lưu VT, (M01), 126 bản.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Cầm Văn Chính

 

PHƯƠNG ÁN

PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY RỪNG TỈNH SƠN LA NĂM 2013
(Ban hành kèm theo Quyết định số 28/QĐ-UBND ngày 05 tháng 01 năm 2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La)

Phần I

CƠ SỞ XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN

Tỉnh Sơn La là tỉnh miền núi phía bắc, có tổng diện tích tự nhiên 14.174,4 km2, dân số 1,08 triệu người, có thành phố Sơn La và 10 huyện: Thuận Châu, Mường La, Mai Sơn, Quỳnh Nhai, Sông Mã, Sốp Cộp, Yên Châu, Mộc Châu, Bắc Yên, Phù Yên.

Diện tích rừng năm 2012 của tỉnh Sơn La: 633.687 ha (rừng tự nhiên và rừng trồng) độ che phủ 44,6%.

Rừng trồng chủ yếu là thông, keo các loại được trồng tập trung ở vùng núi thấp và bãi bằng, dưới tán rừng là các loài cây bụi sim, mua, tràm, chổi, lau sậy về mùa khô nỏ rất dễ bắt lửa. Rừng keo trồng chủ yếu ở sườn dưới và chân đồi, sinh trưởng và phát triển tốt. Tất cả các loại rừng thông, keo và một số rừng tự nhiên, rừng núi đá phân bố trên cao ở tỉnh Sơn La là rừng trọng điểm dễ cháy.

Rừng trọng điểm dễ cháy hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La có 252.805 ha. Tập trung chủ yếu ở 4 khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ các công trình thủy điện vừa và nhỏ, thủy điện Sơn La, rừng phòng hộ dọc lưu vực sông đà. Vào mùa khô thời tiết thường thay đổi nắng nóng và gió tây thổi mạnh, độ ẩm xuống mức thấp, lá cây rụng xuống cộng với tầng thảm mục lâu ngày bị phơi nắng tạo thành lớp vật liệu rất dễ cháy, nhất là các khu rừng nguyên sinh có thảm thực vật dày bị khô, dễ cháy và khó chữa.

Theo thng kê, từ năm 2001 đến 2011, toàn tỉnh Sơn La đã xảy ra 341 vụ cháy, diện tích cháy 1070,64 ha (mức độ thiệt hại khoảng 20%). Cháy rừng không những gây tổn thất về tài nguyên thiên nhiên mà còn tổn hại môi trường sống, gây xói mòn, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, làm đất bạc mầu, mất nguồn nước ngọt, nguồn chim muông và thú rừng, làm suy thoái tính đa dạng sinh học rừng.

[...]