Quyết định 28/2006/QĐ-UBND ban hành chương trình hành động về công tác gia đình tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2006-2010

Số hiệu 28/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 17/11/2006
Ngày có hiệu lực 27/11/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bạc Liêu
Người ký Bùi Hồng Phương
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/2006/QĐ-UBND

Bạc Liêu, ngày 17 tháng 11 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG VỀ CÔNG TÁC GIA ĐÌNH TỈNH BẠC LIÊU GIAI ĐOẠN 2006-2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

Căn cứ vào Luật tổ chức HĐND và UBND đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26/11/2003;

Căn cứ vào Quyết định 106/2005/QĐ-TTg ngày 16/05/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược xây dựng Gia đình Việt Nam;

Thực hiện Hướng dẫn số 725/DSGĐTE-GĐ, ngày 30/06/2005 của Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em về việc thực hiện chiến lược Gia đình Việt Nam;

Xét tờ trình số 57/TTr-DSTE ngày 10/10/2006 của Chủ nhiệm Ủy Ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động về công tác gia đình tỉnh Bạc liêu giai đọan 2006-2010.

Điều 2. Chánh văn phòng UBND tỉnh, giám đốc, thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã căn cứ quyết định thực hiện.

Quyết định này hiệu lực thực hiện sau 10 ngày kể từ ngày ký.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Hồng Phương

 

Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hộ gia đình Việt Nam là một trong những nhân tố quan trọng, quyết đinh sự phát triển bền vững của xã hội và sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng hộ gia đình chỉ 1 đến 2 con là yếu tố đảm bảo cho sự ấm no, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc và là động lực để phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn cách mạng mới.

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, hộ gia đình Việt Nam được hình thành phát triển với những giá trị truyền thống tốt đẹp như lòng yêu nước, yêu quê hương, với những giá trị đạo đức, thủy chung, nhân nghĩa đã vun đắp thêm cho những tinh hoa và sự sáng tạo trong đấu tranh, xây dựng của quá trình dựng nước và giữ nước. Qua nhiều thời kỳ phát triển cấu trúc và quan hệ gia đình Việt Nam có sự thay đổi những chức năng cơ bản vẫn tồn tại và là một nhân tố quan trọng không thể thiếu được, trong sự phát triển kinh tế - Xã hội của đất nước.

II. THỰC TRẠNG VỀ HỘ GIA ĐÌNH TRONG TỈNH.

Tính đến cuối năm 2004 toàn tỉnh có 158.636 hộ gia đình, trong đó gia đình một thế hệ 17.598 hộ, gia đình hạt nhân (hai thế hệ) là 124.871 hộ, gia đình ba thế hệ 13.952 hộ, gia đình trên 3 thế hệ 2.215 hộ; gồm 3 dân tộc Kinh, Hoa, Khơ-me. Cùng với sự phát triển của đất nước, cấu trúc, đời sống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã có một số thay đổi tích cực, góp phần cũng cố khối đại đoàn kết tòan dân tộc vững mạnh.

Thời gian qua, đặc biệt là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, cả nước nói chung, tỉnh Bạc Liêu nói riêng đã đạt được những thành tựu quan trên bước đường phát triển kinh tế - Xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho mỗi gia đình, đồng thời mỗi hộ gia đình cũng thực sự là một tế bào sống của xã hội, đã có những đóng góp quan trọng vào những cấu trúc về giá trị văn hóa, tinh thần của toàn xã hội. Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa VIII đã nhấn mạnh về gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trong đó có sự phát triển ngày càng nhiều khu dân cư tiên tiến, gia đình văn hóa và ấp khóm văn hóa. Để góp phần tôn tạo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, phát triển văn hóa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với sự phát triển kinh tế - xã hội. Chủ trương của Chính phủ chính thức lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày gia đình Việt Nam, đã khẳng định vai trò của gia đình với xã hội và xã hội đối với từng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa.

Tuy nhiên công tác phát huy truyền thống đạo đức trong mỗi gia đình hiện nay còn nhiều việc chưa làm được. Tình trạng ly hôn, ly thân, chung sống không kết hôn, quan hệ tình dục và nạo phá thai trước hôn nhân ngày một tăng, những biểu hiện tiêu cực trong hôn nhân với người nước ngoài đang làm cho xã hội lo lắng, nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình như nghĩa thủy chung, đạo vợ chồng, nét đẹp của những giá trị “kính trên nhường dưới” đang có biểu hiện xuống cấp. Các tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm đã và đang thâm nhập dần vào mỗi gia đình. Mặt khác, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và hội nhập Quốc tế tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện để mỗi gia đình phát triển, nhưng cũng đặt gia đình và công tác gia đình trước nhiều khó khăn thử thách.

Nguyên nhân của tình hình nói trên là do nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của gia đình. Công tác quản lý nhà nước về gia đình chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều vấn đề bức xúc về gia đình chưa được xử lý kịp thời. Các cấp chính quyền chưa quan tâm đúng mức việc chỉ đạo công tác gia đình; chưa gắn việc ổn định và phát triển gia đình với phát triển cụm dân cư, ấp, khóm... Công tác nghiên cứu gia đình chưa được quan tâm. Công tác giáo dục đời sống gia đình, cụ thể là giáo dục trước và sau kết hôn, việc cung cấp các kiến thức làm cha mẹ, các kỷ năng ứng xử của các thành viên trong gia đình chưa được coi trọng. Nhiều gia đình do tập trung làm kinh tế đã xem nhẹ việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ gia đình, đặc biệt là trẻ em.

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại quá, đô thị hóa và hội nhập quốc tế tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện, đồng thời cũng đặt gia đình và công tác gia đình trước nhiều khó khăn, thách thức. Mặt trái của cơ chế thị trường và lối sống thực dụng sẽ tác động mạnh mẽ tới các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp và lối sống lành mạnh. Sự phân hóa giàu nghèo cũng làm ảnh hưởng đến công tác gia đình, nếu không được hổ trợ, chuẩn bị đầy đủ, nhiều gia đình sẽ không đủ năng lực để đối phó với những thay đổi nhanh chóng về KT-XH và không làm tròn chức năng vốn có của mình. Trong giai đoạn tới, nếu chúng ta không quan tâm củng cố ổn định và xây dựng gia đình tiên tiến và bền vững, những khó khăn và thách thức nêu trên sẽ tiếp tục làm suy yếu gia đình, tác động đến qúa trình phát triển kinh tế - xã hội.

Chương trình hành động về công tác gia đình tỉnh Bạc Liêu giai đọan 2006-2010 nhằm cũng cố, ổn định và phát triển gia đình, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XI và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW của Ban Bí thư TW Đảng về việc xây dựng Gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

III. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG VỀ CÔNG TÁC GIA ĐÌNH TỈNH BẠC LIÊU GIAI ĐỌAN 2006-2010.

a) Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ gia đình là một trong những nhân tố quyết định đến việc hình thành nhân cách, niềm vui, hạnh phúc của con người; quyết định sự thành công về phát triển kinh tế-xã hội của cả nước nói chung, tỉnh Bạc Liêu nói riêng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

b) Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp uỷ đảng, chính quyền nhằm phục vụ cho việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình trong thời kỳ mới.

c) Tăng cường công tác giáo dục đời sống gia đình. Cung cấp đến từng gia đình các kiến thức, kỷ năng sống như: Kỷ năng làm cha mẹ, kỷ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng. Hằng năm lấy Ngày gia đình Việt Nam (28/06) tổ chức biểu dương tôn vinh những gia đình tiêu biểu, gương mẩu để động viên phong trào xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ hạnh phúc trong từng cộng đồng dân cư.

[...]