Chỉ thị 07/2012/CT-UBND đẩy mạnh công tác gia đình do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 07/2012/CT-UBND
Ngày ban hành 04/06/2012
Ngày có hiệu lực 14/06/2012
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Hồ Việt Hiệp
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 07/2012/CT-UBND

An Giang, ngày 04 tháng 6 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC GIA ĐÌNH

Trong những năm qua, việc thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21 tháng 02 năm 2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Chỉ thị số 16/2008/CT-TTg ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã đem lại nhiều thành quả tích cực như: Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được nâng lên về chất, ngày có nhiều gia đình đạt chuẩn văn hóa; công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm đã giúp cho hàng ngàn gia đình thoát nghèo; các chính sách hỗ trợ cho các gia đình đặc biệt khó khăn góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, ổn định xã hội.

Tuy nhiên, công tác gia đình hiện nay còn nhiều bất cập, đối mặt với nhiều thách thức. Luật Hôn nhân và gia đình chưa được thực hiện một cách đầy đủ, hiện tượng tảo hôn vẫn còn; tình trạng ly hôn, ly thân, chung sống không kết hôn, quan hệ tình dục và nạo phá thai trước hôn nhân gia tăng đã để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với gia đình và xã hội. Những biểu hiện kết hôn không lành mạnh với người nước ngoài đang là nỗi lo âu của xã hội. Giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới đang có biểu hiện xuống cấp. Tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè bê tha, mại dâm và nạn dịch HIV/AIDS đang xâm nhập vào các gia đình; bạo hành trong gia đình, tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em, trẻ em bị xâm hại và phải lang thang kiếm sống, trẻ em vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng. Mô hình Câu lạc bộ về gia đình được triển khai nhưng hoạt động còn mang tính hình thức, hiệu quả còn hạn chế.

Nguyên nhân là do nhận thức của xã hội về vai trò vị trí của gia đình, công tác quản lý nhà nước về gia đình chưa theo kịp sự phát triển của xã hội; những mặt tích cực của gia đình trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa chưa được phát huy. Các cấp, các ngành, đoàn thể ở địa phương chưa quan tâm đúng mức lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình, nhiều vấn đề bức xúc chưa được xử lý kịp thời; Cán bộ công tác gia đình còn thiếu, thường xuyên thay đổi; vấn đề giáo dục trước và sau hôn nhân, cung cấp các kiến thức làm cha mẹ, các kỹ năng ứng xử của các thành viên trong gia đình chưa được coi trọng. Nhiều gia đình do tập trung làm kinh tế đã xem nhẹ việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ các thành viên, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi.

Để chấn chỉnh và đẩy mạnh công tác gia đình trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thực hiện những nội dung sau:

a) Tiếp tục quán triệt, nhận thức rõ gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đầu tư cho gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững. Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ sự ổn định và phát triển của gia đình. Xây dựng gia đình phải luôn gắn với sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Cán bộ, đảng viên có trách nhiệm gương mẫu chăm lo, xây dựng chính gia đình mình và vận động nhân dân cùng thực hiện.

b) Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, đoàn thể về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên; chủ động rà soát, đánh giá tình hình công tác gia đình tại địa phương, xây dựng và triển khai các kế hoạch, đề án cụ thể giải quyết những khó khăn, thách thức về gia đình và công tác gia đình. Cần đặc biệt quan tâm xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; kiên quyết đấu tranh chống lối sống thực dụng, vị kỷ, đồi trụy, tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; có kế hoạch và biện pháp cụ thể phòng, chống bạo hành trong gia đình và các tệ nạn xã hội.

c) Tăng cường công tác giáo dục đời sống gia đình. Cung cấp đến từng gia đình các kiến thức, kỹ năng sống như: kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với nhau và với cộng đồng. Giáo dục và vận động mọi gia đình tự nguyện, tự giác, tích cực thực hiện nếp sống văn minh. Quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng trẻ bỏ học. Vận động các gia đình tích cực tham gia xây dựng và thực hiện quy ước, quy chế dân chủ cơ sở; phát triển các hình thức tổ hoà giải, các câu lạc bộ gia đình tại cộng đồng; giữ gìn và phát huy văn hoá gia đình và truyền thống tốt đẹp của dòng họ; xây dựng tình làng nghĩa xóm, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, nhắc nhở, động viên nhau thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Trong giáo dục, phải kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn với xây dựng những giá trị tiến bộ của gia đình trong xã hội phát triển.

d) Tiếp tục đẩy mạnh kinh tế hộ gia đình; nhân rộng các mô hình gia đình làm kinh tế giỏi; bảo đảm kết quả bền vững của chương trình xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm, nhất là ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm đặc biệt đến các gia đình có công với cách mạng, gia đình là nạn nhân của chiến tranh.

đ) Xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình, xây dựng các đề án, nâng cao chất lượng việc thử nghiệm, nhân rộng các mô hình can thiệp giải quyết những thách thức hiện nay đối với gia đình. Tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp về công tác gia đình theo Chỉ thị 49-CT/TW ngày 21 tháng 02 năm 2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị 16/2008/CT-TTg ngày 30 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Chủ trì phối hợp với các Sở: Tư pháp, Lao động, Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện công tác gia đình.

3. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Định hướng các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh và thực hiện tuyên truyền, phổ biến trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông các quy định của pháp luật về gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; vai trò của gia đình trong tình hình mới; tuyên tuyền vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; nêu gương gia đình điển hình, tiêu biểu, phê phán những gia đình có biểu hiện vi phạm pháp luật, đi ngược lại truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

b) Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

a) Ổn định và kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ làm công tác gia đình ở địa phương; đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của các cấp ủy Đảng và chính quyền đối với công tác gia đình, đồng thời đảm bảo sự hướng dẫn thống nhất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về chuyên môn, nghiệp vụ.

b) Đưa các mục tiêu về gia đình vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngắn hạn, dài hạn của địa phương. Tổng hợp, báo cáo định kỳ hàng năm về công tác gia đình cho Ủy ban nhân dân tỉnh; chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Hôn nhân và gia đình.

c) Bố trí kinh phí trong ngân sách hàng năm về công tác gia đình và công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo Thông tư liên tịch số 143/2011/TTLT/BTC-BVHTTDL ngày 21 tháng 10 năm 2011 của liên Bộ Tài chính; Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chế độ quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước chi cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

d) Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công tác gia đình tại địa phương.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, kiểm tra và đôn đốc các ngành, các cấp, các tổ chức và cá nhân tổ chức thực hiện Chỉ thị này; định kỳ 06 tháng báo cáo kết quả, đề xuất giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, trình Ủy ban nhân dân tỉnh khen thưởng các tổ chức, cá nhân đạt thành tích trong công tác gia đình.

5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh:

Đẩy mạnh và nâng chất cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; xây dựng và nhân rộng các gia đình điển hình, tiêu biểu, tạo ra phong trào xây dựng gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; biểu dương kịp thời và nhân rộng các gia đình vượt khó vươn lên, gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu học, gia đình trẻ hạnh phúc, gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị này.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ