Quyết định 2778/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt Đề án phát triển cây bơ trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018-2025

Số hiệu 2778/QĐ-UBND
Ngày ban hành 04/07/2018
Ngày có hiệu lực 04/07/2018
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Đinh Viết Hồng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2778/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 04 tháng 7 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN CÂY BƠ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2018-2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 1616/TTr.SNN-KHTC ny 02/7/2018, Báo cáo thẩm định số 243/BCTĐ.SNN-KHTC ngày 02/7/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển cây bơ trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018-2025 với những nội dung chính như sau:

1. Sự cần thiết xây dựng đề án

Quả bơ có giá trị dinh dưỡng cao, rất tốt cho sức khỏe con người; các thành phần trong quả bơ được sử dụng trong phòng ngừa và điều trị một số bệnh lý về tim mạch, tiểu đường, viêm gan C, ức chế khối u; dầu quả bơ còn được dùng để chế biến làm xà phòng, các loại mỹ phẩm cao cấp; quả bơ là nguồn nguyên liệu cho một số ngành công nghiệp chế biến, nhất là chế biến mỹ phẩm, dược phẩm. Quả bơ khá an toàn, do có vỏ dày nên hạn chế được tác động của côn trùng, thuốc bảo vệ thực vật,... Sản phẩm quả bơ được đánh giá là sản phẩm hàng hóa có chất lượng và giá trị kinh tế cao, nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu lớn.

Tại Nghệ An một số địa phương đã trồng bơ cho thu nhập cao, đặc biệt là ở huyện Nghĩa Đàn có những cây bơ cho thu nhập từ 10-12 triệu đồng/năm; huyện đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu tập thể “Bơ Nghĩa Đàn”. Điều kiện đất đai, sinh thái phù hợp, sản xuất bơ hiệu quả cao gấp 2-3 lần so với các loại cây trồng khác. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng Phủ Quỳ nói riêng, người dân đã quan tâm phát triển cây bơ. Tuy nhiên do chưa có đề án phát triển nên hình thức trồng còn tự phát, manh mún, chưa tạo được sản phẩm hàng hóa.

Để khai thác tiềm năng, phát triển sản xuất quy mô hàng hóa, áp dụng quy trình kỹ thuật để cây bơ cho năng suất cao, chất lượng tốt, nâng cao thu nhập cho người dân tại các địa phương có điều kiện phù hợp phát triển cây bơ, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người nông dân một cách bền vững, việc xây dựng Đề án phát triển cây bơ trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018-2025 là cần thiết.

2. Căn cứ lập đề án

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020;

Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 09/5/2018 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và KHSDĐ kỳ cuối (2016-2020) tỉnh Nghệ An;

Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Quyết định số 6593/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 của UBND tỉnh Nghệ An v/v phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và PTNT Nghệ An theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2013-2020;

Quyết định số 156/QĐ-UBND ngày 12/01/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành chương trình công tác năm 2018 của UBND tỉnh Nghệ An;

Quyết định số 1183/QĐ-UBND ngày 03/4/2018 của UBND tỉnh Phê duyệt đề cương đề án phát triển cây bơ trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018-2025.

3. Tên gọi và tổ chức quản lý đề án

a) Tên gọi: Đề án phát triển cây bơ trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018-2025.

b) Cơ quan lập đề án: Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An;

c) Đơn vị tư vấn thực hiện đề án: Đoàn quy hoạch Nông nghiệp và Thủy lợi Nghệ An.

4. Mục tiêu của Đề án

a) Mục tiêu chung:

Hình thành và phát triển các vùng trồng bơ có chất lượng theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh thái của địa phương; áp dụng KHKT- công nghệ; đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị, gắn tổ chức sản xuất với bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ; phát triển sản phẩm quả bơ hàng hóa có chất lượng cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu, nâng cao giá trị sản xuất, giá trị gia tăng; góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và Chương xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

b) Mục tiêu cụ thể:

[...]