Quyết định 277/2005/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 277/2005/QĐ-TTg
Ngày ban hành 02/11/2005
Ngày có hiệu lực 22/11/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 277/2005/QĐ-TTG

Hà Nội, ngày 02 tháng 11 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG THÀNH PHỐ VIỆT TRÌ, TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003 và Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Xét đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tại tờ trình số 1758/TTr-UBND ngày 09 tháng 9 năm 2005; của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại tờ trình số 60/TTr-BXD ngày 23 tháng 9 năm 2005 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Phạm vi quy hoạch: khoảng 11.310 ha, bao gồm 7.125,78 ha diện tích đất tự nhiên hiện nay của thành phố và khoảng 4.184 ha thuộc các xã Hy Cương, Chu Hóa, Thanh Đình, Kim Đức, Hùng Lô (thành phố Việt Trì) và xã Tân Đức (mới được sáp nhập từ huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây). Ranh giới được xác định như sau:

- Phía Bắc giáp thị trấn Phong Châu và xã An Đạo, huyện Phù Ninh;

- Phía Đông giáp sông Lô và xã Vĩnh Phú, huyện Phù Ninh;

- Phía Nam giáp sông Hồng;

- Phía Tây giáp xã Thạch Sơn và thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao.

2. Tính chất: Thành phố Việt Trì là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật, công nghiệp, du lịch của tỉnh Phú Thọ; là thành phố lễ hội về với cội nguồn của dân tộc Việt Nam; là đầu mối giao thông quan trọng nối các tỉnh miền núi phía Bắc với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ; có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng liên tỉnh; có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.

3. Quy mô dân số

- Đến năm 2010: dân số toàn thành phố khoảng 280.000 người, trong đó nội thành 200.000 người.

- Đến năm 2020: dân số toàn thành phố khoảng 370.000 người, trong đó nội thành 280.000 người.

4. Quy mô đất xây dựng

- Đến năm 2010: diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 2.047 ha, bình quân 102,4 m2/người, trong đó đất dân dụng khoảng 1.282 ha, bình quân 61,1 m2/người.

- Đến năm 2020: diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 3.044 ha, bình quân 108,7 m2/người, trong đó đất dân dụng khoảng 1.850 ha, bình quân 66.1 m2/ng.

5. Định hướng phát triển không gian và kiến trúc cảnh quan đô thị

a) Hướng phát triển đô thị

- Phía Bắc và Tây Bắc: phát triển về phía Đền Hùng, bao gồm toàn bộ khu di tích Đền Hùng;

- Phía Đông: phát triển đến sông Lô;

- Phía Nam và Đông Nam: phát triển về phía phường Bạch Hạc.

b) Phân khu chức năng

- Các khu dân cư (khoảng 1.113 ha):

+ Khu ở Tây Nam thành phố (810 ha), quy mô dân số 99.900 người;

+ Khu ở Đông thành phố (318 ha), quy mô dân số 6.800 người;

+ Khu ở tại phường Bạch Hạc (180 ha), quy mô dân số 24.300 người;

[...]