Quyết định 274/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025”

Số hiệu 274/QĐ-UBND
Ngày ban hành 04/05/2022
Ngày có hiệu lực 04/05/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Thế Giang
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 274/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 4 tháng 5 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT VÀ CHỐNG RÁC THẢI NHỰA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG ĐẾN NĂM 2025"

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Luật tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi tr­ường năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn;

Căn cứ Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam;

Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 2395/QĐ-BTNMT ngày 28/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa;

Căn cứ Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 22/10/2020 của Ủy ban nhân dân dân tỉnh về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025; Chương trình hành động số 06/CTr-UBND ngày 28/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ và Chương trình hành động số 08-Ctr/TU ngày 26/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;

Xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 532/TTr-STNMT ngày 17 tháng 12 năm 2021; Văn bản số 340/STNMT-BVMT ngày 11 tháng 3 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025” (sau đây viết tắt là Đề án) với những nội dung sau đây:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Quan điểm

- Phù hợp với chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn; Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025 và phù hợp với tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh;

- Đảm bảo sự quản lý thống nhất từ tỉnh, huyện, xã trong quản lý nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt (sau đây cụm từ "chất thải rắn sinh hoạt" được viết tắt là "CTRSH") trên địa bàn tỉnh;

- Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh phải được quản lý theo hướng coi là tài nguyên, được phân loại, thu gom phù hợp với công nghệ xử lý được lựa chọn;

- Việc tăng cường nguồn lực trong công tác quản lý CTRSH phải đi kèm với việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu chung

Tăng cường năng lực của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (các cơ quan quản lý nhà nước; các tổ chức, cá nhân tham gia phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý và tái chế rác thải) trong việc xây dựng và thực thi cơ chế chính sách về quản lý chất thải rắn sinh hoạt và chống rác thải nhựa; tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu quản lý; cơ sở vật chất, trang thiết bị; huy động nguồn vốn, xây dựng và triển khai hạ tầng thu gom, xử lý như: các điểm tập kết, trung chuyển, các cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt (quan tâm tới phân loại, tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, rác thải nhựa).

2.2. Mục tiêu cụ thể

a) Đối với chất thải rắn sinh hoạt

- 96% tổng lượng CTRSH tại các đô thị (trung tâm các huyện, thành phố) được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường; phấn đấu giảm tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý trực tiếp bằng phương pháp chôn lấp xuống dưới 30%; tỷ lệ chôn lấp sau xử lý xuống dưới 20%;

[...]