QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC XÁC ĐỊNH CÁC ĐỀ TÀI KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VÀ DỰ ÁN SẢN
XUẤT THỬ NGHIỆM CỦA TỈNH
(Kèm theo Quyết định số 2719 /2006/ QĐ-UBND ngày 12 tháng 09 năm 2006
của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
Thực hiện các quy định về việc xác định nhiệm vụ
khoa học và công nghệ tại Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2002
của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học
và Công nghệ, Quyết định số 07/2003/QĐ-BKHCN ngày 03 tháng 4 năm 2003 của Bộ
Khoa học và Công nghệ về việc ban hành “ Quy định về việc xác định các đề tài
khoa học và công nghệ và các dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước” và Quyết định
số 12/2005/QĐ-BKHCN ngày 29 tháng 8 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công
nghệ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Quy định về việc xác định các đề tài
khoa học và công nghệ và dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước. Ủy ban nhân
dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quy định các yêu cầu, nguyên tắc, quy trình và thủ tục
xác định các nhiệm vụ khoa học và công nghệ dưới hình thức đề tài khoa học và
công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm của tỉnh như sau:
Điều 1. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với việc xác định các
nhiệm vụ khoa học và công nghệ của tỉnh bao gồm đề tài nghiên cứu khoa học, dự
án nghiên cứu phát triển công nghệ (sản xuất thử, sản xuất thử nghiệm) thuộc
các chương trình khoa học và công nghệ (KH-CN), chương trình khoa học xã hội và
nhân văn của tỉnh, các đề tài độc lập của tỉnh, các công trình khoa học và công
nghệ khác của tỉnh - dưới đây gọi tắt là Đề tài.
Điều 2. Yêu cầu đối với
việc xác định các Đề tài, Dự án sản xuất thử nghiệm (SXTN)
1. Yêu cầu chung.
a) Phải xuất phát từ yêu cầu giải quyết những vấn
đề cấp thiết của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố (dưới đây gọi là địa
phương).
b) Để Đề tài, Dự án sản xuất thử nghiệm có giá
trị khoa học và công nghệ, có tính sáng tạo, tính tiên tiến về công nghệ và có
tính khả thi, việc xác định mục tiêu, đối tượng, phạm vi nghiên cứu phải căn cứ
vào việc đánh giá khách quan thực trạng phát triển khoa học và công nghệ trong
tỉnh và thành tựu phát triển khoa học và công nghệ của cả nước và trên thế giới.
c) Kết quả của Đề tài, Dự án sản xuất thử nghiệm
phải có khả năng ứng dụng được vào thực tiễn sản xuất và đời sống (đối với Dự
án sản xuất thử nghiệm còn yêu cầu phải được thị trường chấp nhận), có tác động
to lớn và ảnh hưởng lâu dài đến phát triển khoa học và công nghệ và kinh tế -
xã hội của tỉnh.
2. Yêu cầu đối với việc xác định các Đề tài, Dự
án sản xuất thử nghiệm thuộc các chương trình khoa học và công nghệ: Ngoài những
yêu cầu chung của điều này việc xác định các Đề tài, Dự án sản xuất thử nghiệm
thuộc các chương trình khoa học và công nghệ phải căn cứ vào yêu cầu tạo ra những
sản phẩm khoa học và công nghệ, góp phần giải quyết những nội dung xác định để
đạt được những mục tiêu đặt ra của Chương trình khoa học và công nghệ đã được Ủy
ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
3. Yêu cầu đối với việc xác định Đề tài, Dự án sản
xuất thử nghiệm độc lập: Ngoài những yêu cầu chung của Điều này việc xác định Đề
tài, Dự án sản xuất thử nghiệm độc lập phải căn cứ vào yêu cầu giải quyết những
vấn đề quan trọng, bức xúc, cấp bách và có địa chỉ áp dụng rõ ràng, nhưng không
thuộc phạm vi nghiên cứu của các Chương trình khoa học và công nghệ.
Điều 3. Các nguồn hình
thành các Đề tài, Dự án sản xuất thử nghiệm
1. Yêu cầu của lãnh đạo Tỉnh ủy và Ủy ban nhân
dân tỉnh:
Lãnh đạo Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu
tổ chức nghiên cứu Đề tài, Dự án sản xuất thử nghiệm theo kế hoạch hoặc đột xuất
để giải quyết nhiệm vụ bức xúc của tỉnh.
2. Đề xuất của các sở, ban ngành
a) Đề tài, Dự án sản xuất thử nghiệm do các sở,
ban, ngành đề xuất để giải quyết những nhiệm vụ khoa học và công nghệ bức xúc
nhằm phục vụ phát triển của sở, ban, ngành có ảnh hưởng to lớn và lâu dài đến
phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
b) Đề tài, Dự án sản xuất thử nghiệm do các địa
phương đề xuất với tỉnh để giải quyết những nhiệm vụ khoa học và công nghệ bức
xúc nhằm phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hoặc của
một vùng, liên vùng vượt quá khả năng giải quyết của địa phương.
3. Đề xuất của tổ chức khoa học và công nghệ,
doanh nghiệp, tập thể và cá nhân các nhà khoa học.
Đề tài, Dự án sản xuất thử nghiệm do các tổ chức
khoa học và công nghệ, doanh nghiệp, tập thể và cá nhân các nhà khoa học đề xuất
nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống, góp phần phát triển khoa học và công
nghệ và kinh tế - xã hội cấp thiết cần giải quyết ở cấp tỉnh.
4. Đề xuất từ hoạt động hợp tác quốc tế
Đề tài và Dự án sản xuất thử nghiệm có thể do đề
xuất của các tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài, hoặc đối tác và các nhà
khoa học ở nước ngoài nhằm phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Điều 4. Căn cứ và điều
kiện đề xuất các Dự án sản xuất thử nghiệm của tỉnh
1. Căn cứ.
Dự án sản xuất thử nghiệm phải có xuất xứ từ một
trong ba nguồn sau:
a) Kết quả của các Đề tài nghiên cứu khoa học và
phát triển công nghệ đã được Hội đồng khoa học công nghệ (KH -CN) các cấp đánh
giá và kiến nghị áp dụng.
b) Sáng chế, giải pháp hữu ích, sản phẩm khoa học
được giải thưởng KH -CN.
c) Kết quả khoa học và công nghệ từ nước ngoài
đã được các tổ chức có thẩm quyền thẩm định công nhận.
2. Điều kiện.
Dự án sản xuất thử nghiệm phải đáp ứng đồng thời
2 điều kiện sau:
a. Được thị trường chấp nhận hoặc có thị trường
tiêu thụ sản phẩm của Dự án.
b. Kinh phí thực hiện Dự án sản xuất thử nghiệm
chủ yếu do các tổ chức chủ trì Dự án đảm nhiệm. Mức kinh phí hỗ trợ từ ngân
sách sự nghiệp khoa học không quá 30% tổng mức đầu tư cần thiết để thực hiện Dự
án sản xuất thử nghiệm (trong tổng mức đầu tư không bao gồm trang thiết bị, nhà
xưởng đã có).
Điều 5. Tiêu chí chung
xác định Đề tài, Dự án sản xuất thử nghiệm
1. Tiêu chí xác định Đề tài khoa học và công nghệ
của tỉnh.
a) Tầm quan trọng, quy mô, phạm vi của đề tài:
- Phù hợp với mục tiêu của Chương trình đối với
các Đề tài thuộc Chương trình.
- Có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển các ngành,
lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên của tỉnh.
- Có tính liên ngành cần có sự tham gia của nhiều
chuyên gia thuộc các ngành khác nhau hoặc có tính chuyên sâu.
b) Ý nghĩa khoa học và thực tiễn:
- Ý nghĩa khoa học: Có tính mới, sáng tạo về
khoa học và công nghệ; Có tác động nâng cao trình độ của ngành, lĩnh vực khoa học
và công nghệ.
- Ý nghĩa thực tiễn: Trực tiếp hoặc góp phần giải
quyết vấn đề cấp bách của sản xuất, xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển của
ngành, lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật; Tạo tiền đề cho việc hình thành những ngành
nghề mới và dịch chuyển cơ cấu kinh tế - xã hội theo hướng hiệu quả và phát triển
bền vững.
c) Yêu cầu đối với sản phẩm khoa học và công nghệ
của đề tài:
- Giai đoạn nghiên cứu ứng dụng: sản phẩm là các
nguyên lý ứng dụng mới, công nghệ mới, các sản phẩm mới được tạo ra trong điều
kiện nghiên cứu thí nghiệm.
- Giai đoạn triển khai thực nghiệm: sản phẩm là
các giải pháp mới, công nghệ mới, sản phẩm mẫu, sản phẩm mới được tạo ra ở quy
mô thử nghiệm.
d) Tính khả thi:
- Phù hợp với năng lực khoa học và công nghệ
trong nước về trình độ cán bộ khoa học và công nghệ, trang thiết bị, nhà xưởng
và thời gian thực hiện.
- Có khả năng huy động nguồn lực để đáp ứng nhu
cầu thực hiện đề tài.
- Có địa chỉ sử dụng kết quả nghiên cứu.
2. Tiêu chí xác định Dự án sản xuất thử nghiệm.
a) Yêu cầu về công nghệ.
- Thể hiện sự ổn định và tin cậy của công nghệ,
chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật thể hiện có hiệu quả kinh tế, có khả năng thay thế
công nghệ nhập khẩu từ nước ngoài, thể hiện đảm bảo chỉ tiêu về an toàn sức khỏe
và môi trường.
- Thể hiện được tính mới, tính tiên tiến so với
công nghệ đang có ở Việt Nam.
- Có ảnh hưởng nâng cao trình độ công nghệ của
ngành, lĩnh vực sản xuất khi được ứng dụng rộng rãi.
b) Khả năng về thị trường
- Các ngành kinh tế, xã hội có nhu cầu đối với sản
phẩm dự án.
- Sản phẩm của dự án có khả năng cạnh tranh về
chất lượng, giá cả với sản phẩm cùng loại trên thị trường, thay thế sản phẩm nhập
khẩu từ nước ngoài.
- Sản phẩm của dự án có khả năng xuất khẩu.
c) Hiệu quả kinh tế - xã hội
- Sản phẩm của dự án có tác động lớn đến sự phát
triển kinh tế, xã hội của tỉnh (tạo ngành nghề mới, thêm việc làm và thu nhập
cho cộng đồng).
- Sản phẩm của dự án hướng tới sản xuất sạch
hơn, không gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
d) Tính khả thi:
- Phù hợp với năng lực khoa học và công nghệ
trong nước về trình độ cán bộ khoa học và công nghệ, trang thiết bị, nhà xưởng
và thời gian thực hiện.
- Có khả năng huy động nguồn lực từ các nguồn
khác nhau để đáp ứng nhu cầu cầu thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm, có khả
năng liên kết với các cơ sở sản xuất, tổ chức khoa học và công nghệ để thực hiện
dự án.
- Có thị trường tiêu thụ sản phẩm (có phương án
liên kết tiêu thụ, chuyển giao, thương mại hoá các sản phẩm của dự án).
Chương II
TRÌNH TỰ XÁC ĐỊNH DANH MỤC
ĐỀ TÀI,DỰ ÁN SẢN XUẤT THỬ NGHIỆM
Điều 6. Xây dựng Danh mục
sơ bộ các Đề tài, Dự án sản xuất thử nghiệm.
1. Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Sở
Khoa học và Công nghệ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các sở, ban ngành, các địa
phương, các doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ và các nhà khoa học
để nắm được yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ và nhu cầu bức thiết của
kinh tế - xã hội đối với nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Việc lấy
ý kiến có thể được tổ chức bằng nhiều đợt thông qua các hội thảo, hội nghị, gửi
phiếu hoặc những hình thức khác.
2. Thông tin đề xuất Đề tài, Dự án sản xuất thử
nghiệm được ghi thành biểu thống nhất (Phiếu-ĐXĐT-A dùng để đề xuất Đề tài và
Phiếu-ĐXDA-A dùng để đề xuất Dự án).
3. Căn cứ vào các nguồn và các điều kiện hình
thành Đề tài, Dự án SXTN đã quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Quy định này, Sở
Khoa học và Công nghệ xây dựng Danh mục sơ bộ các Đề tài, Dự án SXTN theo Biểu
TH-ĐTDACT-A và Biểu TH-ĐTDAĐL-A tương ứng cho Đề tài, Dự án sản xuất thử nghiệm
thuộc Chương trình khoa học và công nghệ và Đề tài, Dự án sản xuất thử nghiệm độc
lập theo các Chuyên ngành khoa học.
Điều 7. Xác định các Đề
tài, Dự án sản xuất thử nghiệm
Mỗi Đề tài, Dự án sản xuất thử nghiệm đều phải
được tư vấn xác định theo hai bước:
Bước 1: Xác định Danh mục Đề tài, Dự án sản xuất
thử nghiệm.
Bước 2: Xác định đề cương tóm tắt của từng Đề
tài, Dự án sản xuất thử nghiệm.
1. Bước 1: Xác định Danh mục Đề tài, Dự án sản
xuất thử nghiệm.
a) Thành lập các Hội đồng khoa học và công nghệ
cấp tỉnh tư vấn xác định Đề tài, Dự án sản xuất thử nghiệm.
- Đối với Chương trình khoa học và công nghệ,
các đề tài, dự án độc lập của tỉnh giao cho Sở Khoa học và Công nghệ thành lập
một số Hội đồng khoa học và công nghệ (gọi tắt là Hội đồng) theo chuyên ngành khoa
học để tư vấn xác định các Đề tài, Dự án sản xuất thử nghiệm thuộc Chương
trình, các đề tài, dự án độc lập.
- Hội đồng tư vấn xác định Đề tài, Dự án sản xuất
thử nghiệm gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch, ít nhất có 2 thành viên phản biện và
các thành viên khác. Thành viên của Hội đồng phải là các chuyên gia có uy tín,
khách quan, có trình độ chuyên môn phù hợp và am hiểu sâu lĩnh vực khoa học và
công nghệ được giao tư vấn. Các thành viên gồm:
+ 1/2 là đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước,
cơ quan hoạch định chính sách, tổ chức sản xuất kinh doanh, các tổ chức khác có
liên quan;
+ 1/2 là các nhà khoa học và công nghệ hoạt động
trong lĩnh vực khoa học và công nghệ liên quan.
Sở Khoa học và Công nghệ cử các chuyên viên làm
thư ký hành chính giúp việc Hội đồng.
b) Nhiệm vụ của các Hội đồng:
- Hội đồng xem xét, phân tích Danh mục sơ bộ những
Đề tài, Dự án sản xuất thử nghiệm dự kiến đưa vào Chương trình khoa học và công
nghệ hoặc Danh mục sơ bộ các Đề tài, Dự án sản xuất thử nghiệm độc lập do Sở
Khoa học và Công nghệ cung cấp theo các tiêu chuẩn đã quy định tại Điều 5 của
Quy định này.
- Hội đồng thảo luận về những Đề tài, Dự án sản
xuất thử nghiệm đủ tiêu chuẩn cần nghiên cứu giải quyết ở cấp tỉnh để đề nghị
cho thực hiện và về những Đề tài, Dự án sản xuất thử nghiệm không đủ tiêu chuẩn,
đề nghị không thực hiện.
- Hội đồng bỏ phiếu để xếp các Đề tài, Dự án sản
xuất thử nghiệm vào 2 loại sau đây:
+ Đề nghị thực hiện.
+ Đề nghị không thực hiện.
- Hội đồng bỏ phiếu để phân loại những Đề tài, Dự
án sản xuất thử nghiệm đã được đề nghị thực hiện.
- Hội đồng thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung hoặc
chính xác hoá tên, đối tượng nghiên cứu, nêu sơ bộ mục tiêu và sản phẩm dự kiến
cho từng Đề tài, Dự án sản xuất thử nghiệm.
- Sau đó, Hội đồng phân loại các Đề tài, Dự án sản
xuất thử nghiệm vào 2 mức A hoặc B (A là mức cao hơn, cần ưu tiên thực hiện).
c) Tổng hợp và xử lý kết quả làm việc của Hội đồng.
Trước khi xem xét thông qua Danh mục dự kiến các
Đề tài, Dự án sản xuất thử nghiệm thuộc từng Chương trình khoa học và công nghệ
và Danh mục dự kiến các Đề tài, Dự án sản xuất thử nghiệm độc lập, Sở Khoa học
và Công nghệ tham khảo ý kiến của các sở, ban ngành, địa phương và Ban chủ nhiệm
Chương trình khoa học và công nghệ liên quan về kết quả làm việc của các Hội đồng.
d) Kết quả làm việc của các Hội đồng:
Kết quả làm việc của các Hội đồng là Danh mục
các Đề tài, Dự án sản xuất thử nghiệm dự kiến thuộc Chương trình khoa học và
công nghệ hoặc Danh mục dự kiến các Đề tài, Dự án sản xuất thử nghiệm độc lập
theo Chuyên ngành khoa học tương ứng giao Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp
thông qua Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê
duyệt.
2. Bước 2: Xác định đề cương tóm tắt của từng Đề
tài, Dự án sản xuất thử nghiệm.
Sau khi Sở Khoa học và Công nghệ xem xét thông
qua Danh mục dự kiến các Đề tài, Dự án sản xuất thử nghiệm thuộc từng Chương
trình khoa học và công nghệ và Danh mục dự kiến các Đề tài, Dự án sản xuất thử
nghiệm độc lập, các Hội đồng xây dựng Đề cương tóm tắt cho từng Đề tài, Dự án sản
xuất thử nghiệm.
a) Nhiệm vụ của Hội đồng:
Nhiệm vụ của Hội đồng tại bước 2 là xác định được
đề cương tóm tắt của từng Đề tài, Dự án sản xuất thử nghiệm trong Danh mục dự
kiến đã được Sở Khoa học và Công nghệ xem xét theo Chuyên ngành khoa học của Hội
đồng.
b) Kết quả làm việc của Hội đồng:
Mỗi đề cương tóm tắt do các Hội đồng xây dựng phải
thể hiện được tính cấp thiết của từng Đề tài, Dự án sản xuất thử nghiệm với mục
tiêu và đối tượng nghiên cứu rõ ràng, phù hợp thời gian nghiên cứu (thông thường
2 năm, tối đa 3 năm) và có tính khả thi cao.
Đề cương tóm tắt của Đề tài, Dự án sản xuất thử
nghiệm gồm các yếu tố cơ bản sau:
- Tên Đề tài, Dự án sản xuất thử nghiệm;
- Mục tiêu cần đạt;
- Kết quả và sản phẩm dự kiến, các chỉ tiêu kinh
tế - kỹ thuật chủ yếu của sản phẩm.
Điều 8. Phê duyệt Danh mục
Đề tài, Dự án sản xuất thử nghiệm.
a) Căn cứ kết quả làm việc của các Hội đồng,
giao Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp thông qua Hội đồng khoa học và công nghệ
tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Danh mục các Đề tài, Dự án sản xuất
thử nghiệm thuộc từng Chương trình khoa học và công nghệ và Danh mục các Đề
tài, Dự án sản xuất thử nghiệm độc lập để giao trực tiếp hoặc thông báo tuyển
chọn.
b) Phương thức làm việc của Hội đồng khoa học và
công nghệ tư vấn xác định Đề tài khoa học và công nghệ và Dự án sản xuất thử
nghiệm của tỉnh được quy định chi tiết tại Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh
Bà Rịa - Vũng Tàu.
Điều 9. Các cấp quản lý
đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm (cấp ban ngành, huyện, thị xã, thành phố) vận
dụng Quy định này để áp dụng trong việc xác định các đề tài, dự án sản xuất thử
nghiệm thuộc cấp quản lý của mình.