Quyết định 270/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước” thuộc Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ từ năm 2008 đến năm 2012 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 270/QĐ-TTg
Ngày ban hành 27/02/2009
Ngày có hiệu lực 27/02/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 270/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “CỦNG CỐ, KIỆN TOÀN VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC TRONG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN CỦA ĐẤT NƯỚC” THUỘC CHƯƠNG TRÌNH PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CỦA CHÍNH PHỦ TỪ NĂM 2008 ĐẾN NĂM 2012

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 2008 đến năm 2012;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước” thuộc Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ từ năm 2008 đến năm 2012 (kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Quốc hội;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp TW;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: KGVX, TH, Công báo;
- Lưu: Văn thư, PL (3b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

ĐỀ ÁN

CỦNG CỐ, KIỆN TOÀN VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC TRONG CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT ĐÁP ỨNG YÊU CẦU ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN CỦA ĐẤT NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 270/QĐ-TTg ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ)

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Thực trạng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được Đảng ta xác định là một bộ phận công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Theo các quy định của Hiến pháp và pháp luật, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc quản lý và tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Trong những năm qua, Nhà nước đã tập trung chỉ đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, từ việc ban hành thể chế, triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật đến việc xây dựng nguồn nhân lực thực hiện công tác này. Ở Trung ương, Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức, đoàn thể là đầu mối chủ yếu tham mưu về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho Bộ, ngành, đoàn thể. Ở địa phương, cơ quan tư pháp các cấp là cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cùng cấp, có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân tổ chức công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn.

Từ thực tế tổ chức công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay cho thấy nguồn nhân lực cho công tác này dồi dào, đông về số lượng, đa dạng về ngành, nghề. Nguồn nhân lực này có thể chia thành ba nhóm như sau:

- Nhóm 1, những người làm công tác xây dựng và hoạch định chính sách về phổ biến, giáo dục pháp luật, những người làm công tác quản lý tổ chức và hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật gồm: cán bộ quản lý (công chức lãnh đạo) ở Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, người đứng đầu tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thề, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Nhóm 2, những người trực tiếp thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên trách hoặc kiêm nhiệm gồm: chuyên viên phổ biến, giáo dục pháp luật của các cơ quan tư pháp, các tổ chức pháp chế; báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật các cấp; phóng viên, biên tập viên pháp luật ở các cơ quan thông tin đại chúng; công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã; giáo viên giảng dạy pháp luật và giáo dục công dân trong các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, giáo viên giảng dạy pháp luật trong các trường nghiệp vụ của các Bộ, ngành, đoàn thể; giáo viên giảng dạy pháp luật trong hệ thống Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, các trường chính trị tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện.

- Nhóm 3, Người người thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của mình, hoặc lồng ghép công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với các hoạt động xã hội khác gồm: luật sư, trợ giúp viên pháp lý, tư vấn viên pháp luật, cán bộ, công chức các cơ quan thực thi pháp luật như Tòa án, Viện kiểm sát, Hải quan, Thanh tra, Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển …, hòa giải viên ở cơ sở, thành viên Ban Công tác Mặt trận và những người tình nguyện khác tham gia hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.

Nhìn một cách tổng thể, những năm gần đây, lực lượng làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã có sự phát triển về số lượng và chất lượng. Sau khi có Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các cấp, các ngành đã có sự quan tâm, chỉ đạo tăng cường năng lực của đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, bằng nhiều hình thức đã chủ động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ này. Ở trung ương, Bộ Tư pháp đã tập trung củng cố Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật để làm tốt chức năng tham mưu trong việc hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch, chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật dài hạn, quản lý có hiệu quả công tác này trên phạm vi cả nước. Ở địa phương, đã có 63/63 Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Phòng phổ biến, giáo dục pháp luật với 263 cán bộ chuyên trách. Tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan Trung ương của các đoàn thể là đầu mối chủ yếu tham mưu về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Đối với các cơ quan thông tin đại chúng, lực lượng biên tập viên, phóng viên chuyên viết về pháp luật được củng cố và tăng cường; báo cáo viên pháp luật ở các Bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương tăng hơn về số lượng, số người có trình độ chuyên môn chiếm tỷ lệ cao. Đã tổ chức được mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật theo ngành dọc xuống tận huyện, có nơi đến tận xã. Hiện nay, cả nước có 232 báo cáo viên pháp luật Trung ương, 4.761 báo cáo viên cấp tỉnh, 15.116 báo cáo viên cấp huyện và hơn 73.000 tuyên truyền viên cấp xã, gần 70.000 người từ các lực lượng khác tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Nhiều Sở, Ban, ngành cấp tỉnh thành lập Phòng pháp chế hoặc bố trí cán bộ pháp chế thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật. Phòng Tư pháp cấp huyện được thành lập lại với hơn 2.400 cán bộ đã góp phần tăng thêm năng lực cho đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương. Công chức tư pháp – hộ tịch và các công chức khác của xã, phường, thị trấn cũng là lực lượng đông đảo. Một số Bộ, Ban, ngành và địa phương đã huy động đội ngũ báo cáo viên tuyên huấn của Đảng, giáo viên các trường chính trị cấp tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm tuyên truyền kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng gắn với tuyên truyền pháp luật. Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã sử dụng lực lượng khác tham gia vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật như: luật gia, luật sư, trợ giúp viên pháp lý, tư vấn viên pháp luật, cán bộ, công chức của các cơ quan thi hành pháp luật (Tòa án, Viện kiểm sát, Hải quan, Thanh tra …), các lực lượng khác như hòa giải viên ở cơ sở, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo…

Các lực lượng nói trên đã phát huy được sức mạnh tổng hợp trong phổ biến, giáo dục pháp luật những năm gần đây, theo đúng tinh thần Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, đã có đóng góp đáng kể cho công tác đưa pháp luật vào cuộc sống, tạo chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các thành viên trong xã hội.

Tuy nhiên, trước yêu cầu mà quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đặt ra cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hệ thống tổ chức và nguồn nhân lực hiện có của công tác này còn nhiều điểm bất cập, chưa ngang tầm nhiệm vụ và chưa đáp ứng được đòi hỏi mới của xã hội và của đất nước, cụ thể là:

- Đa số những người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thường được đào tạo chuyên về pháp luật hoặc một chuyên ngành khác, không được đào tạo về nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền và tổ chức công tác tuyên truyền do chưa có cơ sở đào tạo chuyên ngành phổ biến, giáo dục pháp luật. Vì vậy, hoạt động của đội ngũ này còn lúng túng, chưa theo đúng các quy trình của việc tổ chức công tác tuyên truyền, thường là vừa học vừa làm, vừa tự rút kinh nghiệm. Không ít báo cáo viên bị lẫn chức năng, nhiệm vụ với giảng viên, giáo viên nên khi đi tuyên truyền nặng về lý thuyết, nhẹ về kỹ năng, do đó hiệu quả không cao;

- Lực lượng làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tuy đông về số lượng như lại phân tán, có nơi sử dụng còn lãng phí; chưa có quy hoạch đào tạo bồi dưỡng cụ thể, sự tập trung đầu tư của các cấp, các ngành cho lực lượng này lại rất khác nhau nên kết quả mang lại cũng khác nhau. Trong đó, số người chuyên trách không nhiều, chủ yếu là những người làm kiêm nhiệm. Ngoài sự nhiệt tình, tâm huyết, thì họ chưa được đào tạo cơ bản, chế độ đãi ngộ đối với họ không cao, ít khuyến khích được họ tham gia một cách ổn định, lâu dài vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;

[...]