Quyết định 269/2006/QĐ-TTg phê duyệt "Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 269/2006/QĐ-TTg
Ngày ban hành 24/11/2006
Ngày có hiệu lực 22/12/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Đầu tư,Bộ máy hành chính

 THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số: 269/2006/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT "ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020"

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 về lập, phê duyệt về quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tại các tờ trình số 1326/UB ngày 09 tháng 6 năm 2005 và số 3001/TT-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2005; ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 4497 BKH/TĐ&GSĐT ngày 19 tháng 6 năm 2006 về việc "Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020",

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phê duyệt "Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020" với những nội dung chủ yếu sau:

I. Quan điểm phát triển

1. Xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành một địa bàn động lực, một trong những cửa ngõ giao thông quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đối với khu vực và quốc tế, một khu vực phát triển năng động của kinh tế ven biển và biển, có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững; có thế và lực ngày càng lớn thúc đẩy sự phát triển và khả năng cạnh tranh.

2. Phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh tế hướng mạnh về xuất khẩu. Nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là các ngành kinh tế giữ vai trò chủ đạo của Tỉnh. Phát huy tối đa thế mạnh về du lịch, giải quyết hài hòa giữa phát triển du lịch với các lĩnh vực khác; trong đó, ưu tiên phát triển du lịch, nhưng phải chú trọng giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường. Coi trọng hàng đầu việc xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tích cực chuẩn bị tốt tiền đề để phát triển nhanh và bền vững hơn sau năm 2010.

3. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy tiến bộ và thực hiện công bằng xã hội; đặc biệt, chú ý đến vùng núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc ít người, trước hết là nâng cao dân trí và mức sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

4. Điều chỉnh và cải thiện việc tổ chức kinh tế theo lãnh thổ. Kết hợp giữa phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ dải ven biển Hạ Long ở tiểu vùng phía Tây của Tỉnh với phát triển nông, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, dịch vụ ở tiểu vùng phía Đông của Tỉnh và khu vực miền núi; giữa phát triển đô thị với phát triển nông thôn, tạo điều kiện cho các vùng phát triển, hạn chế chênh lệch quá xa về nhịp độ tăng trưởng giữa các vùng.

5. Kết hợp giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo đảm phát triển bền vững. Phát triển kinh tế phải bảo đảm tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh; đặc biệt, chú trọng giữ vững chủ quyền vùng biển, đảo và thềm lục địa về quyền lợi kinh tế, giữ vững chủ quyền quốc gia.

II. Mục tiêu phát triển

Từ nay đến năm 2020, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả để thực hiện công nghiệp hoá trước năm 2020.

- Tốc độ tăng trưởng GDP thời kỳ 2006 - 2010 đạt khoảng 13%; thời kỳ 2011- 2020 khoảng 14,2%. GDP bình quân đầu người vào năm 2010 (giá so sánh 1994) đạt khoảng 950 USD, năm 2020 đạt khoảng trên 3.120 USD.

- Tỷ lệ tích lũy đầu tư lên 40% so với GDP vào năm 2010, đáp ứng 75% nhu cầu vốn đầu tư phát triển.

- Thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển y tế, giáo dục - đào tạo, văn hóa, thể dục - thể thao v.v…

Một số chỉ tiêu cơ bản:

 

TT

Loại chỉ tiêu

Năm 2005

Năm 2010

Năm 2020

 1

Dân số (nghìn người)

1.069,9

1.124,1

1.237,3

 2

GDP (tỷ đồng)

 

 

 

 

- Theo giá so sánh 1994

6.229,2

11.375,2

43.065,1

 

- Theo giá hiện hành

15.346,0

36.341,3

167.405,0

 3

Cơ cấu GDP (% - giá hiện hành)

100,0

100,0

100,0

 

- Công nghiệp, xây dựng

49,7

46,3

48,5

 

- Dịch vụ

44,0

49,7

50,1

 

- Nông, lâm nghiệp, thủy sản

6,2

4,0

1,4

 4

GDP/người (USD)

 

 

 

 

- Theo giá so sánh 1994

352,9

950,0

3.127,8

 

- Theo giá hiện hành

869,3

1.757,1

6.292,7

Tốc độ tăng trưởng (%):

 

TT

Loại chỉ tiêu

Thời kỳ

Năm

2006 - 2010

Năm

2001 - 2010

Năm

2011 - 2020

 1

Dân số

           -                       

1,02

0,96

 2

GDP

13,3

13,0

14,2

 

- Công nghiệp, xây dựng

15,0

13,8

14,3

 

- Dịch vụ

12,0

13,3

14,7

 

- Nông, lâm nghiệp, thủy sản

4,0

4,2

4,6

III. Phương hướng phát triển các ngành và lĩnh vực

1. Công nghiệp

Phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh như: khai thác than, điện, vật liệu xây dựng, cơ khí mỏ, cơ khí đóng tàu, công nghiệp phục vụ du lịch… Xây dựng và phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung. Phát triển công nghiệp quy mô nhỏ ở nông thôn và miền núi. Đổi mới thiết bị, công nghệ hiện đại; tiếp nhận vốn và chuyển giao công nghệ tiên tiến từ bên ngoài. Giải quyết tốt các mâu thuẫn giữa phát triển công nghiệp, phát triển dịch vụ du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái.

a) Công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản:

- Khai thác và chế biến than: năm 2010, sản lượng than đạt 39 - 41 triệu tấn/năm; năm 2020 đạt 50 triệu tấn/năm;

[...]