Quyết định 2644/QĐ-UBND năm 2022 về Đề án “Xây dựng chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy văn hóa đồng bào dân tộc Cơ Tu thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2030”

Số hiệu 2644/QĐ-UBND
Ngày ban hành 08/10/2022
Ngày có hiệu lực 08/10/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Lê Trung Chinh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2644/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 08 tháng 10 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY VĂN HÓA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC CƠ TU THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG GIAI ĐOẠN 2022-2030”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Chương trình hành động số 08/CTr/TU ngày 23 tháng 4 năm 2021 của Thành ủy Đà Nẵng về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố;

Căn cứ Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 10 tháng 02 năm 2021 của UBND thành phố về triển khai Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;

Căn cứ Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 23 tháng 06 năm 2021 của UBND thành phố về triển khai Chương trình hành động số 08/CTr/TU của Thành ủy Đà Nẵng về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố;

Căn cứ Thông báo số 328-TB/TU ngày 05 tháng 8 năm 2022 của Thành ủy về thông báo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy tại cuộc họp ngày 29/7/2022;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tại Công văn số 2503/SVHTT-NSVHGĐ ngày 30 tháng 8 năm 2022 về Vv báo cáo tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo “Đề án xây dựng chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy văn hóa đồng bào dân tộc Cơ Tu thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2030” và ý kiến thành viên UBND thành phố.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Xây dựng chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy văn hóa đồng bào dân tộc Cơ Tu thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022-2030” (đính kèm nội dung Đề án).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Giao Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hòa Vang; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc Ủy ban nhân dân thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ VHTTDL (để b/c);
- TTTU, TTHĐND (để b/c);
- Như Điều 3;
- CT, các PCT UBND thành phố;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các quận, huyện;
- Lưu: VT, KGVX, SVHTT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ
TỊCH




Trung Chinh

 

ĐỀ ÁN

XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY VĂN HÓA DÂN TỘC CƠ TU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG, GIAI ĐOẠN 2022 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 2644/QĐ-UBND ngày 08 tháng 10 năm 2022 của UBND thành phố Đà Nẵng)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT, THỰC TRẠNG VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Dân số thành phố hiện nay là 1.161.430 người, trong đó có khoảng 4.942 người thuộc 28 thành phần dân tộc thiểu số (chiếm tỷ lệ 0,44%). Trong số 28 thành phần dân tộc thiểu số, dân tộc Hoa chiếm tỷ lệ cao nhất với hơn 60% (2.974 người); tiếp đến là dân tộc Cơ Tu chiếm 24,3% (1.198 người); 26 dân tộc thiểu số khác chiếm tỷ lệ hơn 15% với tổng số 770 người. Đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố với bản sắc văn hóa riêng đã góp phần tạo nên tính đa dạng, phong phú cho văn hóa của thành phố.

Đồng bào các dân tộc thiểu số được phân bố rải rác trên toàn địa bàn thành phố (quận Hải Châu với 737 hộ/1.997 nhân khẩu, quận Thanh Khê 265 hộ/640 nhân khẩu, quận Sơn Trà 91 hộ/229 nhân khẩu, quận Ngũ Hành Sơn 59 hộ/119 nhân khẩu, quận Cẩm Lệ 147 hộ/303 nhân khẩu, quận Liên Chiểu 70 hộ/239 nhân khẩu, huyện Hòa Vang 466 hộ/1.418 nhân khẩu). Trong đó, đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống tập trung tại các thôn Tà Lang, Giàn Bí của xã Hòa Bắc, thôn Phú Túc của xã Hòa Phú và một số ít ở xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang (Phụ lục 1).

Đại đa số đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố đã định cư nhiều năm, trải qua nhiều thế hệ, sống cộng cư với đồng bào người Kinh, có mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, hòa đồng với cộng đồng các khu dân cư; phong tục, tập quán, tâm lý, lối sống, tín ngưỡng, tôn giáo của đa số các dân tộc mang tính đặc thù đã bị mai một đi nhiều, chỉ có đồng bào dân tộc Cơ Tu còn lưu giữ, bảo tồn và phục dựng được một số hoạt động văn hóa truyền thống mang nét đặc trưng riêng.

Những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách về an sinh xã hội nhằm đẩy mạnh, huy động mọi nguồn lực cho bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn. Trong đó, do ở địa bàn vùng sâu, đời sống kinh tế khó khăn, nhận thức chưa cao, đồng thời, sở hữu những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, giá trị nên thành phố đã có nhiều chủ trương, chính sách tập trung chú trọng chăm lo đời sống vật chất và phát triển văn hóa cho dân tộc Cơ Tu của huyện Hòa Vang.

Tuy nhiên, với quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa, phát triển kinh tế du lịch cùng với những yếu tố khách quan trong quá trình bảo tồn và phát huy văn hóa Cơ Tu, đã nảy sinh những hạn chế nhất định, cần có những giải pháp trọng tâm. Đồng thời, bước sang giai đoạn mới, với sự thay đổi của các yếu tố kinh tế - văn hóa - xã hội cùng những chuyển biến của nội tại cộng đồng Cơ Tu trên địa bàn thành phố, tất yếu cần có những chính sách bảo tồn và phát huy văn hóa Cơ Tu phù hợp, đồng bộ, tổng thể và mạnh mẽ, đáp ứng được nhu cầu văn hóa của đồng bào cũng như hài hòa với con đường phát triển chung của thành phố trong giai đoạn mới. Những chính sách phù hợp, kịp thời, toàn diện trong giai đoạn 2022- 2030 sẽ là mạch nối quan trọng để phát huy kết quả trong công tác bảo tồn và phát huy trong giai đoạn trước, vừa là cơ hội để đồng bào tổ chức thực hiện, phát huy vai trò chủ thể của mạch nguồn văn hóa quý báu đã được trao truyền, làm tài nguyên quan trọng cho sự phát triển chính trị - kinh tế - xã hội cho cộng đồng và vùng Tây Bắc thành phố.

Trong xu thế phát triển bền vững xã hội hiện nay, văn hóa được coi là một trong ba nhân tố cơ bản để xây dựng và phát triển bền vững xã hội. Các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Cơ Tu nói riêng là tài sản quý giá được trao truyền qua nhiều thế hệ. Đó là giá trị tốt đẹp cần được bảo tồn và phát huy một cách có hiệu quả. Sự mai một, phai nhạt những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, lâu dài, ổn định cho vùng đất con người ở địa bàn thành phố. Nếu không sớm có nhận thức và hành động kịp thời để bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống thì không những mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo không đạt được như mong đợi, mà các vấn đề về văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, bảo vệ môi trường cũng theo đó khó có thể thực hiện được như kỳ vọng của các cấp ủy Đảng và chính quyền.

Với những lý do trên, việc ban hành Đề án “Xây dựng chính sách bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Cơ Tu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2030” là sự cần thiết nhằm hỗ trợ đồng bào Cơ Tu trên địa bàn thành phố từ trong nhận thức và thực tiễn cuộc sống, từng bước giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc.

[...]