Quyết định 2608/2008/QĐ-UBND về trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu 2608/2008/QĐ-UBND
Ngày ban hành 08/12/2008
Ngày có hiệu lực 01/01/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Quận 1
Người ký Trần Vĩnh Tuyến
Lĩnh vực Vi phạm hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 1
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 2608/2008/QĐ-UBND

Quận 1, ngày 08 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN 1

ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 1

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002;
Theo đề nghị của Trưởng Phòng Tư pháp quận 1,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn quận 1.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2009. Bãi bỏ các quy định trước đây trái với Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân quận 1, Trưởng Phòng Tư pháp quận 1, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc quận 1, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 10 phường và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Vĩnh Tuyến

 

QUY ĐỊNH

VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN 1

(Ban hành kèm theo Quyết định số 2608/2008/QĐ-UBND ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Ủy ban nhân dân quận 1)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh

Quy định này hướng dẫn về nguyên tắc, phương thức, trình tự, thủ tục và trách nhiệm phối hợp giữa các phòng, ban, đơn vị và Ủy ban nhân dân 10 phường trên địa bàn quận 1 trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính từ giai đoạn phát hiện lập biên bản vi phạm hành chính đến thời điểm ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Quy trình này không áp dụng đối với các trường hợp xử lý vi phạm về xây dựng theo Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ.

Điều 2. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ được thực hiện theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008 (sau đây gọi là Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đã sửa đổi, bổ sung), Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và các Nghị định có liên quan đến xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Riêng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chánh Thanh tra Xây dựng quận được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Hồ sơ vi phạm hành chính gồm:

1. Biên bản vi phạm hành chính: biên bản vi phạm hành chính phải được thực hiện theo Điều 20 Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Điều 55 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (đã sửa đổi, bổ sung). Nội dung và hình thức phải được lập theo mẫu (được quy định kèm theo Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ).

2. Biên bản tiếp xúc, ghi nhận ý kiến của cá nhân, tổ chức vi phạm hoặc đại diện của cá nhân, tổ chức vi phạm; biên bản tiếp xúc, ghi nhận ý kiến của cá nhân, tổ chức hoặc đại diện của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra (nếu có);

3. Tờ trình tóm tắt nội dung vi phạm và đề nghị hình thức, mức xử phạt, hình thức phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả (nêu rõ điều, khoản; tên văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ);

4. Biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện đã dùng để vi phạm hành chính; quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện; biên bản thống kê phân loại tang vật; biên bản giám định giá trị tang vật tạm giữ; biên bản giám định tang vật; các giấy tờ khác liên quan đến việc xử lý vi phạm hành chính (nếu có): bảng thống kê tình hình xử phạt vi phạm hành chính của cơ sở vi phạm; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề… của cá nhân, tổ chức vi phạm;

5. Phiếu trao đổi thống nhất ý kiến của các phòng, ban, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân 10 phường về quá trình và nội dung đề xuất hướng xử phạt vi phạm hành chính (nếu có);

6. Dự thảo quyết định xử phạt vi phạm hành chính: nội dung và hình thức dự thảo quyết định phải thực hiện theo khoản 3 Điều 56 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (đã sửa đổi, bổ sung) và theo mẫu quy định ở Điều 4 của Quy trình này.

Điều 4. Mẫu văn bản

[...]