Quyết định 26/2016/QĐ-UBND quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

Số hiệu 26/2016/QĐ-UBND
Ngày ban hành 18/08/2016
Ngày có hiệu lực 28/08/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hậu Giang
Người ký Lữ Văn Hùng
Lĩnh vực Đầu tư,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2016/QĐ-UBND

Vị Thanh, ngày 18 tháng 8 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ VÀ ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NGUỒN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2017 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 5 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND ngày 05 tháng 7 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang V/v quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

a) Quyết định này quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2017 - 2020.

b) Các tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước theo Quyết định này là căn cứ để lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 của cả tỉnh, của các cấp, các ngành và đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Đồng thời, là căn cứ để quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm.

2. Đối tượng áp dụng

a) Sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị sử dụng vốn ngân sách nhà nước (gọi tắt là các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương);

b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2017 - 2020.

Điều 2. Nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2017 - 2020

1. Nguyên tắc chung phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 của tỉnh

a) Việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 phải tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan.

b) Bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các sở, ban ngành và các huyện, thị xã, thành phố.

c) Việc phân bổ vốn đầu tư phát triển phải phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của tỉnh, của các địa phương; Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

d) Phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác, của từng ngành lĩnh vực và địa phương.

đ) Bố trí vốn đầu tư tập trung, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Chỉ bố trí vốn cho các dự án đã đủ thủ tục đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật có liên quan.

e) Ưu tiên bố trí vốn cho các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các địa phương trong tỉnh.

g) Tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của các cấp, các ngành, các địa phương.

h) Bảo đảm công khai, minh bạch trong việc phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

[...]