Quyết định 2571/QĐ-UBND năm 2022 về Kế hoạch Cải cách hành chính năm 2023 do tỉnh Lâm Đồng ban hành

Số hiệu 2571/QĐ-UBND
Ngày ban hành 30/12/2022
Ngày có hiệu lực 30/12/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Trần Văn Hiệp
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2571/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 30 tháng 12 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NĂM 2023

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Quyết định số 2260/QĐ-UBND ngày 08 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Kế hoạch thực hiện công tác Cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025 trên địa tỉnh Lâm Đồng;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Kế hoạch Cải cách hành chính năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Giám đốc/Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các cơ quan Trung ương đóng tại địa phương;
- Đài PTTH, Báo Lâm Đồng;
- Như điều 3;
- Lưu: VT, NC.

CHỦ TỊCH




Trần Văn Hiệp

 

KẾ HOẠCH

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NĂM 2023
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2571/QĐ-UBND ngày 30/12/2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng)

I. MỤC TIÊU

Nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính (sau đây viết tắt là CCHC) theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 25/5/2022 của Tỉnh ủy về việc đẩy mạnh CCHC trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 2260/QĐ-UBND ngày 08/9/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch thực hiện công tác CCHC giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Các mục tiêu cụ thể như sau:

1. Thể chế hành chính đảm bảo tính thống nhất với quy định của Trung ương và phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh. 100% văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền và đảm bảo chất lượng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn việc thực hiện.

2. Tổ chức thực hiện đạt các mục tiêu trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, cụ thể:

a) 100% thủ tục hành chính (sau đây viết tắt là TTHC), danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được chuẩn hóa, công bố kịp thời và công khai đầy đủ, đúng quy định tại bảng niêm yết công khai, trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị và các hình thức phù hợp khác cho cá nhân, tổ chức tìm hiểu thực hiện và giám sát.

b) Tiếp tục thực hiện việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, không theo địa giới hành chính, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, cụ thể:

- Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết và cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử đối với TTHC thuộc thẩm quyền đạt tối thiểu tương ứng cấp tỉnh 60%, cấp huyện 50% và cấp xã 45%, để đảm bảo việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử;

- Tối thiểu 50% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận khi thực hiện thành công TTHC (trước đó) mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết TTHC đang quản lý hoặc thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ;

- Tối thiểu 50% hồ sơ giải quyết TTHC được luân chuyển trong nội bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết hoặc các cơ quan có liên quan được thực hiện bằng phương thức điện tử.

c) Tối thiểu 80% TTHC của địa phương có đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần và dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Trong số đó, ít nhất 80% TTHC được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến một phần và toàn trình trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 40%.

d) Tối thiểu 60% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính, được triển khai thanh toán trực tuyến; trong đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 25% trở lên.

đ) 100% TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý của tỉnh được thống kê, công bố, công khai.

[...]