Kế hoạch 5731/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 5731/KH-UBND
Ngày ban hành 03/08/2022
Ngày có hiệu lực 03/08/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Trần Văn Hiệp
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5731/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 03 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHUYỂN ĐỔI SỐ TỈNH LÂM ĐỒNG ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Triển khai các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030; số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030; số 411/QĐ-TTg ngày 31/03/2022 phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 25/5/2022 của Tỉnh ủy về Chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện, với những nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Bám sát quan điểm, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025; các quyết định, đề án của Thủ tướng Chính phủ về Chuyển đổi số; Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 25/5/2022 của Tỉnh ủy và các Nghị quyết chuyên đề, định hướng của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh có liên quan.

2. Nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp và nhân dân, đặc biệt là người đứng đầu các cấp, các ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị đóng vai trò quyết định trong thúc đẩy chuyển đổi số. Người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số và tham gia trực tiếp vào quá trình chuyển đổi số ; đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, vận động, ... góp phần thay đổi tư duy, nhận thức, hành động, tạo sự đồng thuận, thống nhất, tập trung cao trong thực hiện.

3. Mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, người dân cần tận dụng tối đa cơ hội phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; cần xác định rõ lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, từng doanh nghiệp tạo đột phá trong phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao chất lượng cuộc sống và năng lực cạnh tranh của tỉnh.

4. Chuyển đổi số của tỉnh được triển khai toàn diện, kiên quyết, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của việc xây dựng Chính quyền điện tử, thành phố thông minh và dữ liệu số đã có, vận dụng phù hợp với đặc thù của tỉnh, thực tiễn của từng ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp, đi đôi với đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với cải cách hành chính nhằm chuyển đổi căn bản lề lối, phương thức làm việc trong hoạt động lãnh đạo của các cấp ủy và tổ chức đảng; hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của người dân.

5. Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân, tổ chức, không để lộ lọt thông tin thuộc phạm vi bí mật Nhà nước là yếu tố then chốt để chuyển đổi số thành công. Mọi thiết bị, sản phẩm, phần mềm, hệ thống thông tin, dự án đầu tư về công nghệ thông tin đều có cấu phần bắt buộc về an toàn, an ninh thông tin ngay từ khi thiết kế.

6. Khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số, trong đó nguồn lực doanh nghiệp tạo bứt phá; nguồn lực ngân sách đóng vai trò định hướng, dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực ngoài Nhà nước; tăng cường, huy động, thúc đẩy hợp tác công - tư; nguồn lực từ các chương trình hợp tác trong nước và quốc tế là hỗ trợ; nguồn lực trong Nhân dân là yếu tố quyết định sự thành công.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

a) Triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số để đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức Chính trị - Xã hội; xây dựng Chính quyền số nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cơ quan Nhà nước phục vụ người dân và doanh nghiệp, đảm bảo người dân có thể tiếp cận, sử dụng dịch vụ thuận tiện mọi lúc, mọi nơi; phát triển mạnh kinh tế số, thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phát triển công nghệ số, tạo động lực phát triển xã hội số; tập trung chuyển đổi số trong các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh về y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp.

b) Từng bước đưa kinh tế số giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng GRDP của tỉnh. Xây dựng xã hội số an toàn, nhân văn dựa trên ba trụ cột thiên nhiên - văn hóa - con người để hình thành công dân số, xã hội số, đảm bảo an toàn, an ninh mạng gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền số quốc gia.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025

- Chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội:

+ 100% các văn bản, tài liệu chính thức không mật (theo quy định) trao đổi, xử lý, cập nhật, khai thác văn bản điện tử có chữ ký số trên mạng máy tính giữa các cơ quan đảng và giữa cơ quan đảng với cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội, được lưu trữ trong Hệ thông tin điều hành tác nghiệp của cơ quan.

+ 100% cơ quan đảng các cấp của tỉnh sử dụng cổng thông tin điện tử có tích hợp với các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng trên nền Web.

+ 100% tài liệu được số hóa kịp thời và đưa vào khai thác trên mạng máy tính theo quy định số hóa tài liệu.

- Phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động:

+ Tối thiểu 80% và phấn đấu 90% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

+ Tối thiểu 80% và phấn đấu 100% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến, người dân chỉ phải nhập dữ liệu một lần.

+ Tối thiểu 90% và phấn đấu 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước).

+ 50% hoạt động kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

- Phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế:

+ Phấn đấu tỷ trọng kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP của tỉnh.

+ Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt ít nhất 10%.

[...]