Quyết định 2534/QĐ-BGTVT năm 2008 về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong ngành giao thông vận tải do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 2534/QĐ-BGTVT
Ngày ban hành 18/08/2008
Ngày có hiệu lực 02/09/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Hồ Nghĩa Dũng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
------------

Số: 2534/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 18 tháng 08 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TẮC ỨNG XỬ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC LÀM VIỆC TRONG NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 26 tháng 02 năm 1998, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 28 tháng 4 năm 2000 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Cán bộ, công chức ngày 29 tháng 4 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22/4/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong ngành Giao thông vận tải”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, các Vụ trưởng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các Thứ trưởng;
- Công đoàn ngành GTVT Việt Nam;
- Đảng ủy cơ quan Bộ;
- Công đoàn cơ quan Bộ;
- Đoàn TNCS HCM Cơ quan Bộ;
- Website Bộ GTVT;
- Lưu VT, TCCB (5b)

BỘ TRƯỞNG




Hồ Nghĩa Dũng

 

QUY TẮC

ỨNG XỬ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC LÀM VIỆC TRONG NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2534/QĐ-BGTVT ngày 18 tháng 8 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong ngành Giao thông vận tải.

Điều 2. Đối tượng áp dụng:

Cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại cơ quan Bộ Giao thông vận tải, các tổng cục, cục quản lý nhà nước chuyên ngành, các viện nghiên cứu, các trường học, cơ quan y tế, các ban quản lý dự án, các đơn vị hành chính sự nghiệp khác thuộc Bộ Giao thông vận tải và cán bộ, công chức, viên chức thuộc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của nhà nước, cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông vận tải và các Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong ngành Giao thông vận tải).

Điều 3. Mục đích

Quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong ngành Giao thông vận tải nhằm:

1. Nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo sự nghiêm túc, trách nhiệm, sự chuẩn mực trong giao tiếp và giải quyết công việc, ngăn ngừa và phòng chống tham nhũng, thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

2. Phát huy quyền làm chủ, sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức, gắn liền với việc thực hiện nguyên tắc tập trung, dân chủ, thực hiện chế độ thủ trưởng trong giải quyết công việc, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn cùng cấp.

3. Là căn cứ để các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xét khen thưởng hoặc xử lý trách nhiệm khi cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt hoặc vi phạm quy tắc ứng xử trong khi thi hành công vụ, công việc được giao.

Chương 2.

QUY TẮC ỨNG XỬ CỦA CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC LÀM VIỆC TRONG NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI

MỤC 1. TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

Điều 4. Gương mẫu và nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của cấp trên. Chỉ đạo, điều hành và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cấp trên trực tiếp về mọi hoạt động theo nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Xây dựng nội quy, quy chế ở cơ quan, đơn vị mình để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

[...]