UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
25/2012/QĐ-UBND
|
Lạng Sơn, ngày
19 tháng 11 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ LẬP DỰ TOÁN, SỬ DỤNG
VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ TỔ CHỨC THỰC HIỆN BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ KHI
NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm Pháp luật của HĐND và UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Đất đai ngày
26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số
91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều
của Luật Ban hành văn bản quy phạm Pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân
dân;
Căn cứ Nghị định số
197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định
cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của
Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi
thường, hỗ trợ và tái định cư; Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số
08/2005/TTLT-BTC-BNV ngày 05/01/2005 của Liên Bộ Nội Vụ - Tài chính hướng dẫn
thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ,
công chức, viên chức; Thông tư số 97/2001/TT-BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài
chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với
các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư số 57/2010/TT-BTC
ngày 16/4/2010 của Bộ Tài chính về Quy định việc lập dự toán, sử dụng, quyết
toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước
thu hồi đất;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Tài chính tại Tờ trình số 02/TTr-STC-QLG&TS ngày 06/01/2012 ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy định về lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí tổ chức
thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa
bàn tỉnh Lạng Sơn.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng
UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện,
thành phố; các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: TN&MT, TC, TP;
- Cục Kiểm tra VBQPPL-Bộ Tư pháp;
- TT. Tỉnh uỷ;
- TT. HĐND tỉnh,
- Đoàn Đại biểu QH tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh, các Đoàn thể tỉnh;
- Viện KSND tỉnh, TAND tỉnh;
- Công báo tỉnh; Báo Lạng Sơn;
- PVP, các Phòng CV, TH-CB;
- Lưu: VT.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Vy Văn Thành
|
QUY ĐỊNH
VỀ LẬP DỰ TOÁN, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH
PHÍ TỔ CHỨC THỰC HIỆN BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 25/2012/QĐ-UBND ngày 19/11/2012 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Lạng Sơn)
Chương I
QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh.
Quy định này áp dụng cho việc lập
dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và
tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an
ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế theo quy định của
Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, bao gồm cả trường hợp cơ quan nhà
nước có thẩm quyền quyết định tách nội dung bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của
dự án thuộc Bộ, ngành thành tiểu dự án riêng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng.
1. Hội đồng bồi thường, hỗ trợ
và tái định cư dự án trên địa bàn cấp huyện; Tổ chức phát triển quỹ đất được
giao thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi
đất (sau đây gọi chung là Tổ chức được giao thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái
định cư) và các tổ chức, cá nhân tham gia thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ
và tái định cư.
2. Các đối tượng khác có liên
quan tới việc lập, sử dụng và quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường,
hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Chương II
NỘI DUNG CHI,
MỨC CHI
Điều 3. Nguồn trích và mức
trích kinh phí đảm bảo cho việc tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ
và tái định cư.
1. Nguồn kinh phí đảm bảo cho
việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được trích không quá
2% tổng số kinh phí bồi thường, hỗ trợ của dự án, tiểu dự án; trừ trường hợp
quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Đối với các dự án, tiểu dự
án thực hiện trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt
khó khăn theo Quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền, dự án, tiểu dự án xây
dựng công trình hạ tầng theo tuyến thì Tổ chức được giao thực hiện bồi thường,
hỗ trợ và tái định cư được lập dự toán theo khối lượng công việc thực tế nhưng
mức trích tối đa không vượt quá tỷ lệ phần trăm (%) quy định sau:
a) Các dự án, tiểu dự án có giá
trị bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đến 500 triệu đồng, mức trích tối đa
không quá 10%.
b) Các dự án, tiểu dự án có giá
trị bồi thường, hỗ trợ và tái định cư từ trên 500 triệu đồng đến 1.000 triệu đồng,
mức trích tối đa không quá 5%.
c) Các dự án, tiểu dự án có giá
trị bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên 1.000 triệu đồng đến 2.000 triệu đồng,
mức trích tối đa không quá 3%.
d) Các dự án, tiểu dự án có giá
trị bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên 2.000 triệu đồng, mức trích tối đa
không quá 2%.
3. Chi phí tổ chức thực hiện
công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được Chủ đầu tư dự án chuyển cho Tổ
chức được giao nhiệm vụ thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và cơ quan
Tài nguyên và Môi trường theo Quyết định phê duyệt của cấp có thẩm quyền, mức
trích quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều này được coi như 100% và phân chia tỷ
lệ như sau:
a) Đối với dự án cấp tỉnh thẩm
định:
- Trích 10% chuyển vào Tài khoản
của Sở Tài nguyên và Môi trường mở tại Kho bạc nhà nước tỉnh để chi phục vụ cho
các ngành, các cấp của tỉnh phối hợp thực hiện công tác thẩm định phương án,
phê duyệt phương án và các công việc khác có liên quan.
- Để lại 90% cho Tổ chức thực
hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chi cho việc tổ chức thực hiện
công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định.
b) Đối với dự án cấp huyện thẩm
định:
- Trích 10% chuyển vào Tài khoản
của Phòng Tài nguyên và Môi trường mở tại Kho bạc nhà nước để chi phục vụ cho
các cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp thực hiện công tác thẩm định phương
án, phê duyệt phương án và các công việc khác có liên quan.
- Để lại 90% cho Tổ chức thực
hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án chi cho việc tổ chức thực
hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định.
Điều 4. Nội
dung chi và mức chi cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định
cư đối với các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ thực hiện.
Tùy theo nguồn kinh phí thu được
và kết quả thực hiện công việc, người đứng đầu Tổ chức được giao nhiệm vụ thực
hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ,
quyết định mức chi cụ thể, nhưng mức tối đa không được vượt quá các mức chi quy
định sau đây:
1. Chi tuyên truyền, thông báo
quyết định thu hồi đất và các chế độ, chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định
cư khi Nhà nước thu hồi đất; tổ chức vận động các đối tượng liên quan thực hiện
quyết định thu hồi đất; khảo sát, điều tra về tình hình kinh tế, xã hội, về thực
trạng đất đai, tài sản thuộc phạm vi dự án, tiểu dự án. Mức chi tối đa: 80.000
đồng/người/ngày.
2. Chi kiểm kê, đánh giá đất
đai, tài sản thực tế bị thiệt hại bao gồm:
a) Phát tờ khai, hướng dẫn người
bị thiệt hại kê khai. Mức chi tối đa: Mức chi tối đa: 80.000 đồng/người/ngày.
b) Xác định diện tích đất, kiểm
kê số lượng và giá trị nhà, công trình, cây trồng, vật nuôi và tài sản khác gắn
liền với đất bị thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất của từng tổ chức, hộ gia
đình, cá nhân. Mức chi tối đa: 100.000 đồng/người/ ngày.
c) Kiểm tra, đối chiếu giữa tờ
khai với kết quả kiểm kê, xác định mức độ thiệt hại với từng đối tượng bị thu hồi
đất cụ thể. Mức chi tối đa: 80.000 đồng/người/ngày.
d) Tính toán giá trị thiệt hại
về đất đai, nhà, công trình, cây trồng, vật nuôi và tài sản khác. Mức chi tối
đa: 100.000 đồng/người/ngày.
3. Chi lập, phê duyệt, công
khai phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư từ khâu ban đầu tính toán các
chỉ tiêu bồi thường đến khâu phê duyệt phương án bồi thường, thông báo công
khai phương án bồi thường. Mức chi tối đa: 100.000 đồng/người/ngày.
4. Chi phục vụ việc kiểm tra,
hướng dẫn thực hiện chính sách bồi thường, giải quyết những vướng mắc trong
công tác bồi thường và tổ chức thực hiện chi trả bồi thường. Mức chi tối đa:
80.000 đồng/người/ ngày.
5. Chi họp triển khai công tác
bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; thông qua phương án bồi thường, các cuộc
họp khác có liên quan mà nguồn kinh phí được chi từ tổ chức được giao nhiệm vụ
giải phóng mặt bằng. Mức chi tối đa: 80.000 đồng/người/cuộc.
6. Chi nước uống cho các ngày
kiểm đếm tại hiện trường, các cuộc họp: Mức chi tối đa: 20.000 đồng/người/ngày.
7. Chi thuê nhân công thực hiện
công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (nếu có). Mức chi tối đa:
120.000đ/người/ngày.
8. Thanh toán khoán tiền tự túc
phương tiện đi công tác: Đối với các đối tượng cán bộ, công chức không có tiêu
chuẩn được bố trí xe ô tô khi đi công tác, nhưng nếu cán bộ đi công tác cách trụ
sở cơ quan từ 10km trở lên (đối với khu vực vùng cao, miền núi khó khăn, vùng
sâu) và từ 15 km trở lên (đối với vùng còn lại) mà tự túc phương tiện cá nhân
(đi bằng xe mô tô) thì được thanh toán khoán tiền tự túc phương tiện theo chiều
dài đoạn đường thực đi từ nơi đi đến nơi đến (tính bằng km) nhân (x) với đơn
giá 1.400 đồng/km (bao gồm tiền nhiên liệu và khấu hao xe).
Căn cứ để thanh toán khoản tiền
tự túc phương tiện đi công tác gồm: Giấy đi đường của người đi công tác có xác
nhận của cơ quan nơi đến công tác; bảng kê độ dài quãng đường đi công tác.
9. Phụ cấp lưu trú; thanh toán
tiền thuê phòng nghỉ; thanh toán khoán tiền công tác phí theo tháng để chi trả
cho các cá nhân tham gia thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
thực hiện theo các quy định hiện hành.
10. Chi phí dịch vụ trả cho
doanh nghiệp trong trường hợp thuê doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ về bồi
thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án, tiểu dự án:
a) Dự toán chi phí dịch vụ giải
phóng mặt bằng dưới 500 triệu đồng/01 dự án, tiểu dự án: Mức chi tối đa không
quá 85% mức trích theo qui định tại Khoản 1, Khoản 2, Điều 3 của Qui định này.
b) Đối với các dự án, tiểu dự
án có Dự toán chi phí dịch vụ giải phóng mặt bằng trên 500 triệu đồng/01 dự án,
tiểu dự án thì phải tổ chức đấu thầu để lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ
bồi thường, giải phóng mặt bằng. Việc đấu thầu để lựa chọn đơn vị cung cấp thực
hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Điều 5. Nội
dung chi, mức chi cho cá nhân tham gia thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ
và tái định cư.
1. Chi họp thẩm định phương án
bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; các cuộc họp khác liên quan đến công tác giải
phóng mặt bằng mà nguồn kinh phí được chi từ Cơ quan chủ trì thẩm định phương
án bồi thường. Mức chi: 100.000 đồng/người/cuộc.
2. Chi trả thù lao cho cá nhân
tham gia thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư làm công tác
kiêm nhiệm: Tùy theo nguồn kinh phí thu được và kết quả công việc hàng tháng,
Thủ trưởng cơ quan chủ trì thẩm định quyết định mức chi cụ thể cho từng tháng
theo tính chất và nội dung công việc của từng người của cơ quan chủ trì và cơ
quan phối hợp thực hiện, nhưng mức chi tối đa không quá 50% tiền lương và phụ cấp
lương thực tế một tháng của từng cá nhân tham gia.
Điều 6. Áp
dụng mức chi cho tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
vào các ngày nghỉ và chi làm thêm giờ.
Các thành phần tham gia tổ chức
thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nếu thực hiện vào các ngày
nghỉ theo chế độ thì được hưởng mức chi tương ứng với các công việc quy định tại
Khoản 1, 2, 3, 4, 5, Điều 4; Khoản 1, Điều 5 của Quy định này nhân (x) với các
mức sau:
1. Mức 200% áp dụng đối với
ngày thứ Bảy và Chủ nhật.
2. Mức 300% đối với các ngày Lễ
theo quy định của Bộ Luật Lao động.
3. Chi làm thêm giờ và các khoản
chi khác thực hiện theo quy định hiện hành.
Chương
III
TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
Điều 7. Lập
dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và
tái định cư.
Việc lập dự toán, sử dụng và
quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được thực
hiện theo quy định tại Điều 6, Thông tư số 57/2010/TT-BTC ngày 16/4/2010 của Bộ
Tài chính quy định việc lập dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí tổ chức thực
hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Điều 8. Xử
lý trường hợp các dự án, tiểu dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đang thực
hiện dở dang tại thời điểm Quy định này có hiệu lực thi hành.
Đối với những dự án, tiểu dự
án, hạng mục đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc đang
thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo phương án đã được
phê duyệt trước khi Quy định này có hiệu lực thi hành thì việc lập dự toán, sử
dụng và quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
khi Nhà nước thu hồi đất được thực hiện theo các quy định trước đây, không áp dụng
hoặc điều chỉnh theo Quy định này.
Điều 9. Tổ
chức thực hiện
1. Đối với các khoản chi đã có
định mức, tiêu chuẩn, đơn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định thì thực
hiện theo các quy định đó.
2. Các khoản chi khác liên quan
đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chưa có trong Quy định này được
thực hiện theo Thông tư số 57/2010/TT-BTC ngày 16/4/2010 của Bộ Tài chính và
các quy định về chế độ về tài chính hiện hành.
3. Thực hiện thanh toán các nội
dung chi phải có bảng chấm công hoặc các chứng từ theo đúng quy định và phù hợp
với từng loại công việc. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thực
hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chịu trách nhiệm về tính chính
xác trong việc kê khai số ngày làm việc và các chứng từ của các thành phần tham
gia.
4. Nguồn kinh phí chi trả cho
các thành phần tham gia thực hiện các công việc liên quan đến công tác bồi thường,
hỗ trợ và tái định cư theo mức chi tại Điều 4, Điều 5 được sử dụng trong mức
trích quy định tại Điều 3 của Quy định này.
Trong quá trình thực hiện, nếu
có vướng mắc, các cơ quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố gửi văn bản về
Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, kịp thời điều
chỉnh bổ sung./.