Quyết định 2497/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Quy hoạch chi tiết vùng muối Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 2497/QĐ-UBND
Ngày ban hành 02/12/2016
Ngày có hiệu lực 02/12/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Trần Ngọc Căng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2497/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 02 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT VÙNG MUỐI SA HUỲNH, TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2016-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2965/TTr-SNNPTNT ngày 21/11/2016 về việc đề nghị phê duyệt Dự án Quy hoạch chi tiết vùng muối Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Dự án: Quy hoạch chi tiết vùng muối Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu:

I. Quan điểm phát triển

1. Phát triển sản xuất muối Sa Huỳnh phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Quy hoạch phát triển sản xuất ngành muối của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh; phân công lại lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho diêm dân.

2. Tổ chức lại sản xuất, tập trung đầu tư ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và cơ giới vào sản xuất, từng bước chuyển đổi từ sản xuất muối truyền thống sang sản xuất muối sạch theo hướng công nghiệp, để nâng cao chất lượng sản phẩm.

3. Phát triển sản xuất phải gắn kết chặt chẽ với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển bền vững.

4. Phát huy tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, nhằm nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho diêm dân.

II. Mục tiêu phát triển

1. Mục tiêu tổng quát

- Phát huy những lợi thế hiện có, khai thác hiệu quả các cơ sở vật chất kỹ thuật, tận dụng mọi nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất muối; xây dựng ngành muối phát triển ổn định, hiệu quả, đầu tư thay đổi công nghệ sản xuất muối tiên tiến, chất lượng cao.

- Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng cường chế biến muối đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động nghề muối, đảm bảo ngang bằng với các ngành nghề khác.

- Sản xuất muối đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển nghề muối ổn định, bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2020: Tổng diện tích sản xuất muối là 114,7 ha; sản lượng đạt 11.000 tấn. Trong đó, diện tích sản xuất muối sạch theo hướng công nghiệp 51,55 ha, chiếm 44,94% tổng diện tích sản xuất muối; sản lượng đạt 6.000 tấn, chiếm gần 55% tổng sản lượng muối; tổ chức lại Hợp tác xã nghề muối và xây dựng mạng lưới chế biến, thị trường tiêu thụ muối ổn định.

- Đến năm 2025: Tổng diện tích sản xuất muối ổn định 120,0 ha; sản lượng đạt trên 14.000 tấn, trong đó 100% diện tích sản xuất muối sạch theo hướng công nghiệp.

- Định hướng đến năm 2030: Tập trung đầu tư ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng muối, đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng muối sạch; tăng tỷ lệ cơ giới hóa đạt từ 60 - 70% trong các công đoạn bơm nước biển vào ô phơi, bơm nước chạt vào ô kết tinh, vận chuyển muối từ ruộng đến kho bảo quản; từng bước chuyển đổi thành đồng muối công nghiệp, tiến đến cơ giới hóa toàn bộ trong các công đoạn sản xuất, thu hoạch và chế biến muối; phủ bạt che mưa trên toàn bộ ô kết tinh ruộng muối; tận thu sản phẩm thạch cao, nước ót trong quá trình sản xuất muối để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã, làm cho Hợp tác xã ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò là cầu nối giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; gắn sản xuất với chế biến và đa dạng hóa sản phẩm muối, xây dựng mạng lưới tiêu thụ rộng khắp và nâng cao giá trị hạt muối Sa Huỳnh trên thị trường.

III. Nội dung quy hoạch phát triển sản xuất, chế biến muối

1. Quy hoạch phát triển sản xuất muối

a) Về diện tích đất sản xuất muối

- Tổng diện tích sản xuất muối đến năm 2020: Giữ ổn định ở mức 114,7 ha (khai hoang mở rộng thêm 3,2 ha so với hiện nay tại khu vực đồng Cù Lao của Hợp tác xã muối 1). Trong đó, diện tích sản xuất muối sạch theo hướng công nghiệp là 51,55 ha (chiếm 44,94%) ở tiểu khu 1 và tiểu khu 4, diện tích ô kết tinh trên nền bạt HDPE (High Density Polyethylene) chiếm 7,27 ha, khuyến khích sử dụng mái che mưa; diện tích sản xuất muối truyền thống (kết tinh trên nền đất) là 63,15 ha (chiếm 55,06%). Diện tích muối sạch được bố trí tập trung theo từng phân khu, diện tích khu kết tinh được tập trung tại một vị trí và được bố trí gần với các trục giao thông, để thuận li trong quá trình thu hoạch muối.

- Đến năm 2025: Tổng diện tích sản xuất muối là 120,0 ha (mở rộng 5,3 ha ở khu vực đồng Cù Lao, so với năm 2020). Trong đó, 100% diện tích sản xuất muối sạch, sử dụng vật liệu mới trên nền ô kết tinh, theo hướng công nghiệp.

[...]