Quyết định 2481-BYT/QĐ năm 1996 về Quy chế đăng ký chất lượng thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 2481-BYT/QĐ
Ngày ban hành 18/12/1996
Ngày có hiệu lực 01/01/1997
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Văn Thưởng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2481-BYT/QĐ

Hà Nội , ngày 18 tháng 12 năm 1996

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH “QUY CHẾ ĐĂNG KÝ CHẤT LƯỢNG THỰC PHẨM”

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Điều 7 Chương II Luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân và Điều lệ vệ sinh, ban hành theo Nghị định 23-HĐBT ngày 24-01-1991;
Căn cứ Nghị định số 68/CP ngày 11-10-1993 của Chính phủ, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức bộ máy của Bộ Y tế;
Căn cứ điểm 1, Điều 4 của Nghị định 86/CP ngày 08-12-1995 về việc phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với chất lượng hàng hoá, giao cho Bộ Y tế chức năng quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh thực phẩm;
Căn cứ thông tư Liên Bộ Y tế - Khoa học, Công nghệ và Môi trường số 07/TTLB ngày 01-7-1996 về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định 86/CP ngày 08-12-1995;
Được sự nhất trí của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường tại công văn số 1052/TĐC-THPC ngày 03-12-1996;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Vệ sinh phòng dịch - Bộ Y tế.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản “Quy chế đăng ký chất lượng thực phẩm”.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-1997. Các quy định trước đây trái với các quy định trong Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3: Vụ trưởng Vụ Vệ sinh phòng dịch chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Quyết định này.

Điều 4: Các ông Chánh văn phòng, chánh thanh tra Bộ, Vụ trưởng Vụ Vệ sinh phòng dịch, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính - Kế toán và các vụ liên quan, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thủ trưởng Y tế ngành chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nguyễn Văn Thưởng

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

ĐĂNG KÝ CHẤT LƯỢNG THỰC PHẨM
(Ban hành kèm theo quyết định số 2481/QĐ-BYT ngày 18 tháng 12 năm 1996 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Chương 1:

CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Đối tượng và phạm vi áp dụng:

1. Tất cả các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất, chế biến thực phẩm và doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm (gọi chung là cơ sở) thuộc danh mục hàng hoá phải đăng ký chất lượng do Bộ Y tế công bố vào tháng 9 hàng năm và thuộc danh mục bổ sung do Bộ Y tế ban hành, đều phải đăng ký chất lượng theo quy chế này.

2. Các thực phẩm nằm ngoài danh mục hàng hoá phải đăng ký chất lượng cũng có thể tự nguyện đăng ký chất lượng thực phẩm.

Điều 2: Trong văn bản này, một số thuật ngữ được hiểu như sau:

1. Thực phẩm: Tất cả các chất đã hoặc chưa chế biến nhằm sử dụng cho con người bao gồm đồ ăn, uống, nhai, ngậm, hút và các chất được sử dụng để sản xuất, chế biến hoặc xử lý thực phẩm nhưng không bao gồm mỹ phẩm hoặc những chất chỉ được dùng như dược phẩm.

2. Cơ sở thực phẩm: bao gồm các cơ sở của các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất, chế biến thực phẩm và doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm.

3. Tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP): lả các chỉ tiêu chất lượng, an toàn về dinh dưỡng, vi sinh vật, nấm mốc, độc tố vi nấm, kim loại nặng, dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật, phóng xạ, phụ gia thực phẩm và bao gói, ghi nhãn thực phẩm.

4. Cơ quan cấp đăng ký chất lượng thực phẩm (cơ quan cấp): là cơ quan quản lý nhà nước trong hệ thống ngành Y tế được phân cấp quản lý và cấp "Đăng ký chất lượng thực phẩm".

Điều 3: Quy định về đăng ký chất lượng thực phẩm:

1. Việc đăng ký chất lượng thực phẩm được thể hiện trên một văn bản thống nhất, gọi là "Bản đăng ký chất lượng thực phẩm". Đây là văn bản pháp quy kỹ thuật để cơ sở thực hiện, đồng thời là căn cứ pháp lý cho công việc thanh tra, kiểm tra chất lượng thực phẩm khi xảy ra các vụ ngộ độc hay trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về chát lượng sản phẩm và các tranh chấp khác về hợp đồng kinh tế giữa cơ sở thực phẩm với khách hàng.

2. Bản đang ký chất lượng thực phẩm không có giá trị thay cho "Phiếu kết quả kiểm nghiệm", cũng như không có giá trị xác nhận chất lượng thực phẩm của một lô hàng của cơ sở giao cho khách hàng.

3. Số đăng ký có giá trị thời hạn không quá 01 năm. Khi hết thời hạn này, cơ sở phải xin gia hạn nếu còn tiếp tục sản xuất, kinh doanh loại thực phẩm đó.

[...]