Quyết định 246/QĐ-UBND năm 2022 về Đề án hỗ trợ khai thác sử dụng lực lượng lao động tỉnh Vĩnh Long đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng lao động trở về giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 246/QĐ-UBND
Ngày ban hành 10/02/2022
Ngày có hiệu lực 10/02/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Long
Người ký Nguyễn Thị Quyên Thanh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 246/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 10 tháng 02 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN HỖ TRỢ KHAI THÁC SỬ DỤNG LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG TỈNH VĨNH LONG ĐI LAO ĐỘNG Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG TRỞ VỀ GIAI ĐOẠN 2021-2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Việc làm ngày 16/11/2013;

Căn cứ Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020;

Căn cứ Luật Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm; Nghị định số 74/2019/NĐ-CP, ngày 23/9/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2016/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định Đề án hỗ trợ khai thác sử dụng lực lượng lao động tỉnh Vĩnh Long đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng lao động trở về giai đoạn 2021-2025.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Long, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký/.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ LĐTBXH;
- TT. HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- CT, PCT. UBND tỉnh;
- CVP, PVP phụ trách VX;
- Phòng VHXH, Phòng KTTH;
- Báo Vĩnh Long, Đài PTTH Vĩnh Long, TTX VN tại Vĩnh Long;
- Lưu: VT, 3.25.02.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Quyên Thanh

 

ĐỀ ÁN

HỖ TRỢ KHAI THÁC SỬ DỤNG LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG TỈNH VĨNH LONG ĐI LAO ĐỘNG Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG TRỞ VỀ GIAI ĐOẠN 2021-2025

I. THỰC TRẠNG VÀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Thực trạng, tình hình lao động tỉnh Vĩnh Long đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đẩy mạnh hợp tác đa phương, song phương; triển khai ký kết, thỏa thuận hợp tác cung ứng lao động giữa Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới nhằm đáp ứng nhu cầu thiếu hụt lao động do tình trạng già hóa dân số tại các nước như hiện nay. Đồng thời, cũng nhằm tạo cơ hội cho người lao động Việt Nam tìm kiếm việc làm, tạo nguồn thu nhập và học tập kinh nghiệm làm việc tiên tiến tại các nước phát triển. Cùng với các tỉnh thành trong khu vực, công tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng của tỉnh Vĩnh Long được sự quan tâm lãnh chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; sự phối hợp, hỗ trợ của ban ngành, chính quyền, đoàn thể các cấp tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu nhiệm vụ cụ thể cho từng ban ngành, đơn vị để tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, tập trung huy động sự tham gia của hệ thống chính trị ở địa phương cho công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tỉnh Vĩnh Long có dân số trung bình năm 2020 là 1.022.791 người, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 603.596 người; lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 589.489 người, tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi là 2,67% - trong đó khu vực thành thị là 5,11%, khu vực nông thôn là 2,14% (Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Vĩnh Long năm 2020). Tỷ lệ lao động trong độ tuổi của tỉnh đã qua đào tạo đạt 53,58% trên tổng số lao động đang làm việc. Dù công tác giải quyết việc làm đã được các cấp, các ngành từ tỉnh đến địa phương triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp tạo việc làm hiệu quả như phát triển các làng nghề thủ công, xây dựng và mở rộng khu công nghiệp... góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo trật tự xã hội, quốc phòng an ninh và phát triển xã hội, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội và người lao động, nhất là thiếu việc làm đối với người lao động và chuyển dịch cơ cấu lao động vẫn còn chậm.

Nhiều năm qua, công tác tuyên truyền, cung cấp các thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được triển khai đến tận người dân, nhất là độ tuổi thanh niên ở các địa bàn trong tỉnh, bên cạnh các chính sách của Trung ương, tỉnh cũng đã ban hành chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Kết quả, giai đoạn 2015 - 2020, Vĩnh Long đã đưa được hơn 6.452 lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở hơn 4 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, với các ngành, nghề khác nhau từ lao động giản đơn đến lao động kỹ thuật cao. Thị trường chủ yếu tại: Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản. Các địa phương: Vũng Liêm, Trà Ôn, Tam Bình và Long Hồ là những địa phương có nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhiều lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, gia đình chính sách người có công với cách mạng tham gia. Phần lớn người lao động được các thị trường tiếp nhận đánh giá là có tố chất cần cù, thông minh, khéo tay, nắm bắt nhanh công việc đảm nhận, ham học hỏi, sáng tạo, năng động, làm việc năng suất, chất lượng.

Bảng. Tình hình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Vĩnh Long từ năm 2015 - 2020

Đơn vị tính: Người

 

Năm 2015

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Tổng số

Tổng số

626

714

1.008

1.574

1.715

815

6.452

- Nhật Bản

497

502

813

1.272

1.522

700

5.306

- Hàn Quốc

45

67

61

58

23

6

260

- Đài Loan

78

137

124

227

160

108

834

- Các nước khác

6

8

10

17

10

1

52

Về thực trạng việc làm của người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trở về trên địa bàn tỉnh: qua khảo sát hầu hết người lao động đi làm việc ở nước theo hợp đồng trở về tự đầu tư tạo việc làm hoặc làm nông nghiệp tại hộ gia đình, trong đó một số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng trở về có nguyện vọng tiếp tục đi làm việc, lao động ở nước ngoài. Thời gian qua một số doanh nghiệp, tổ chức hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng đã triển khai các hoạt động tư vấn, kết nối thông tin để hỗ trợ người lao động khi hết hạn hợp đồng làm việc ở nước ngoài trở về tìm việc làm phù hợp trong nước, nhất là giới thiệu kết nối thông tin của các lao động này với các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức của các quốc gia mà người lao động đã từng làm việc, hiện đang hoạt động tại Việt Nam.

Nhìn chung sau khi tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, hầu hết người lao động và gia đình đã có sự chuyển biến, cải thiện đáng kể về điều kiện tài chính, tạo điều kiện ổn định, nâng cao hơn về đời sống; bên cạnh tích lũy về tài chính, bản thân người lao động cũng tích lũy được "nguồn vốn" nhất định về nhận thức, ý thức, tác phong, kỷ luật lao động, kiến thức, kỹ năng tay nghề, ngoại ngữ…, nhất là đối với lao động đi làm việc tại các thị trường lao động ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan ….

Tuy nhiên, còn một bộ phận lớn lao động của tỉnh sau khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng trở về chưa phát huy được hoặc chưa sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đã được tích lũy, việc tiếp cận trở lại với thị trường lao động trong nước chậm, làm các công việc ít liên quan đến tay nghề, năng lực sở trường của mình, việc sử dụng nguồn vốn tích lũy được để đầu tư cho tạo việc làm và phát triển sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có một số nguyên nhân cơ bản như: điều kiện để người lao động tiếp cận thông tin về việc làm trong nước còn hạn chế, nhất là thông tin về các công việc làm phù hợp với nghiệp vụ, năng lực sở trường mà người lao động có được trong quá trình làm việc, lao động ở nước ngoài; trình độ kỹ năng làm việc, nguyện vọng việc làm và thu nhập của người lao động chưa tương xứng với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong nước; nhiều lao động gặp khó khăn trong làm quen, hội nhập lại với môi trường làm việc trong nước; ngoài việc khó tìm việc làm phù hợp thì mức lương, thu nhập từ việc làm trong nước cũng còn kém hấp dẫn; nhận thức, kiến thức, việc tiếp cận thông tin của một bộ phận người lao động về đầu tư khởi nghiệp còn hạn chế ….

[...]