Kế hoạch 149/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chỉ thị 09-CT/TW về thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả lao động nước ngoài tại Việt Nam do tỉnh Hưng Yên ban hành

Số hiệu 149/KH-UBND
Ngày ban hành 06/09/2022
Ngày có hiệu lực 06/09/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Nguyễn Duy Hưng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 149/KH-UBND

Hưng Yên, ngày 06 tháng 9 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 09-CT/TW NGÀY 09/9/2021 CỦA BAN BÍ THƯ VỀ THU HÚT, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG HIỆU QUẢ LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Căn cứ Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 09/9/2021 của Ban Bí thư về thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả lao động nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 09-CT/TW);

Thực hiện Kế hoạch số 47-KH/TU ngày 03/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 09/9/2021 của Ban Bí thư về thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả lao động nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là Kế hoạch số 47-KH/TU).

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về công tác quản lý lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh, triển khai kịp thời có hiệu quả Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 09/9/2021 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 47-KH/TU ngày 03/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

2. Tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ pháp luật về quản lý lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính và phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế.

3. Thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lao động nước ngoài trong bối cảnh tình hình mới, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại trên thế giới vào tỉnh Hưng Yên, phát triển tích cực thị trường lao động trong tỉnh, nâng cao chất lượng, năng suất lao động nguồn nhân lực, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

4. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động nước ngoài, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển giao khoa học, công nghệ, chuyên môn kỹ thuật cho lao động trong tỉnh.

5. Xác định các nhiệm vụ chủ yếu, cụ thể đối với các ngành bảo đảm thực hiện đúng tinh thần tại Chỉ thị số Chỉ thị số 09-CT/TW và phù hợp với tỉnh tại địa phương. Các nhiệm vụ cần được triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm gắn với chế độ báo cáo định kỳ.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Tăng cường sự lãnh đạo của chính quyền các cấp để nâng cao nhân thức về thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả lao động nước ngoài tại Việt Nam

a) Tổ chức quán triệt các văn bản của Trung ương và của tỉnh đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc thu hút, quản lý, sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam; thực hiện nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền, vận động người lao động nước ngoài và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quản lý, sử dụng lao động nước ngoài thực hiện tốt pháp luật lao động và các quy định về quản lý sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam.

b) Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lao động nước ngoài, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy, phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tỉnh, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

2. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả lao động nước ngoài tại Việt Nam

a) Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng hiệu quả lao động nước ngoài.

b) Chú trọng công tác đào tạo, chuyển giao kiến thức, kỹ năng, khoa học - công nghệ cho lao động trong tỉnh để từng bước đảm nhận, thay thế các vị trí cần thu hút, sử dụng lao động nước ngoài.

c) Bảo đảm yêu cầu thu hút có chọn lọc lao động nước ngoài là chuyên gia, nhà quản lý giỏi, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao mà tỉnh thực sự có nhu cầu và người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được (trừ việc phải thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia), đồng thời quản lý, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả lực lượng này.

d) Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về thu hút, quản lý và sử dụng lao động nước ngoài đặc thù trên địa bàn tỉnh, bảo đảm điều chỉnh đầy đủ các đối tượng, loại hình làm việc của lao động nước ngoài. Quy định cụ thể cơ chế, chính sách, điều kiện, tiêu chuẩn thu hút, tuyển chọn được lao động nước ngoài đúng đối tượng, mục đích sử dụng, phát huy cao nhất lực lượng này góp phần nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

e) Chủ động dự báo, kịp thời thông tin về nhu cầu số lượng, chất lượng lao động nước ngoài cần thu hút, sử dụng đối với các ngành, lĩnh vực. Chú trọng đầu tư, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại trong công tác quản lý lao động nước ngoài; sớm thực hiện các quy định về việc kết nối, chia sẻ, liên thông đồng bộ dữ liệu lao động nước ngoài giữa các cơ quan: Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND tỉnh và các ngành, địa phương liên quan, bảo đảm yêu cầu quản lý hiệu quả lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh.

f) Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh; tăng cường phối hợp chặt chẽ, phân công, phân cấp, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, địa phương liên quan, nhất là người đứng đầu đối với công tác thu hút, quản lý và sử dụng lao động nước ngoài trong tất cả các khâu, từ xác định nhu cầu, thẩm định, cấp phép lao động, quản lý nhập cảnh, cư trú đến xuất cảnh, bảo đảm việc thu hút, quản lý và sử dụng lao động nước ngoài thực hiện hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng theo quy định của pháp luật.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, tập huấn pháp luật lao động trong đó có pháp luật về quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam cho các đối tượng với hình thức đa dạng, phong phú; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh hướng dẫn, tuyên truyền quy định về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam trên địa bàn tỉnh;

b) Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của tỉnh liên quan đến hoạt động thu hút, quản lý và sử dụng lao động nước ngoài trên địa bàn tỉnh theo hướng bám sát tình hình thực tiễn sử dụng lao động nước ngoài của doanh nghiệp, phù hợp, thống nhất với quy định của pháp luật cấp trên, đảm bảo yêu cầu thu hút có chọn lọc lao động nước ngoài là những chuyên gia, nhà quản lý giỏi, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được;

c) Chủ trì, xây dựng quy chế phối hợp về quản lý lao động nước ngoài tại địa phương, ngăn chặn triệt để tình trạng người nước ngoài vào tỉnh làm việc không đúng mục đích gây mất an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương;

d) Thực hiện tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa, cắt giảm thời hạn giải quyết đối với các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý lao động nước ngoài thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát theo kế hoạch đối với việc thực hiện quy định pháp luật về quản lý người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh; Thực hiện việc cấp, cấp lại, gia hạn thu hồi, giấy phép lao động, xác nhận người lao động không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trên địa bàn tỉnh;

[...]