ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 241/QĐ-UBND
|
Thừa Thiên Huế,
ngày 22 tháng 01 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐĂNG KÝ
BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM BẰNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, TÀI SẢN GẮN LIỀN VỚI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Nghị định số
99/2022/NĐ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2022 của Chính phủ về đăng ký biện
pháp bảo đảm;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Tư pháp tại Tờ trình số 04/TTr-STP ngày 08 tháng 01 năm 2024
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước về đăng ký
biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn
tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 2. Hiệu
lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số
2960/QĐ-UBND ngày 20 tháng 11
năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành
Quy chế phối hợp trong quản lý nhà
nước về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với
đất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 3. Tổ
chức thực hiện
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân
tỉnh; Giám đốc các Sở: Tư pháp, Tài
Nguyên và Môi trường, Nội vụ,
Tài chính; Giám đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế;
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tư pháp;
- Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- UBND tỉnh: CT, các PCT;
- Các thành viên UBND tỉnh;
- Báo Thừa Thiên Huế;
- Cổng Thông tin Điện tử tỉnh;
- VPUBND tỉnh: các PCVP, các CV;
- Lưu VT, CCHC.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thanh Bình
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP TRONG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ ĐĂNG KÝ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM
BẰNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, TÀI SẢN GẮN LIỀN VỚI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN
HUẾ
(Kèm theo Quyết định số 241/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2024 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
1. Quy chế này quy định nguyên
tắc, nội dung và trách nhiệm phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về đăng
ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa
bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
2. Những nội dung không quy định
tại Quy chế này được thực hiện theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Các tổ chức, cá nhân có liên
quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ trong công tác quản lý nhà nước về đăng ký
biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (Viết tắt là
đăng ký biện pháp bảo đảm) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 3. Mục
đích, yêu cầu của hoạt động phối hợp
1. Bảo đảm tuân thủ pháp luật,
thống nhất và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với hoạt động
đăng ký biện pháp bảo đảm.
2. Kịp thời phối hợp giải quyết
các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ đăng ký
biện pháp bảo đảm.
3. Phân định rõ trách nhiệm của
từng tổ chức, cá nhân trong quan hệ phối hợp, đảm bảo sự phù hợp với chức năng,
nhiệm vụ của mỗi tổ chức, cá nhân.
Điều 4.
Nguyên tắc phối hợp
1. Xác định trách nhiệm của cơ
quan, đơn vị chủ trì và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị phối hợp trong thực hiện
công tác quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm.
2. Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất,
chặt chẽ, kịp thời, công khai, minh bạch.
3. Việc phối hợp được thực hiện
trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị theo quy định
của pháp luật, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, đơn vị khác.
Điều 5. Nội
dung phối hợp
1. Rà soát các quy định của
pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.
2. Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp
vụ về đăng ký biện pháp bảo đảm tại địa phương.
3. Hướng dẫn, tuyên truyền, phổ
biến pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.
4. Tổ chức triển khai xây dựng
cơ sở dữ liệu đất đai để tạo cơ sở cho việc thực hiện đăng ký trực tuyến biện
pháp bảo đảm tại địa phương.
5. Kiểm tra công tác đăng ký biện
pháp bảo đảm tại Văn phòng đăng ký đất đai theo thẩm quyền.
6. Thống kê, báo cáo định kỳ, đột
xuất theo yêu cầu về công tác đăng ký biện pháp bảo đảm.
7. Kinh phí, nguồn nhân lực,
trang thiết bị cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đăng ký, quản lý nhà nước về
đăng ký biện pháp bảo đảm.
8. Chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt
động liên quan đến đăng ký biện pháp bảo đảm.
Điều 6.
Hình thức phối hợp
1. Trao đổi ý kiến bằng văn bản;
cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến công tác đăng ký biện pháp bảo đảm
theo yêu cầu của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp.
2. Tổ chức họp, hội nghị.
3. Các hình thức phù hợp khác
theo quy định của pháp luật.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ TRÁCH
NHIỆM PHỐI HỢP
Điều 7. Rà
soát văn bản quy phạm pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm
1. Sở Tư pháp chủ trì, đôn đốc,
hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp
luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh về đăng ký biện pháp bảo đảm để
tổng hợp tham mưu cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ
theo quy định.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật
của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh có liên quan đến đăng ký biện pháp
bảo đảm gửi Sở Tư pháp tổng hợp, tham mưu cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ
sung, thay thế hoặc bãi bỏ theo quy định.
Điều 8. Bồi
dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về đăng ký biện pháp bảo đảm
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ
trì, phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về đăng ký
biện pháp bảo đảm tại địa phương.
Điều 9. Hướng
dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm
Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với
Sở Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Thừa
Thiên Huế và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ
biến pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm trên địa bàn tỉnh.
Điều 10.
Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai để tạo cơ sở cho việc thực hiện đăng ký trực tuyến
biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa
phương
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ
trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai xây dựng cơ sở dữ
liệu đất đai để tạo cơ sở cho việc thực hiện đăng ký trực tuyến biện pháp bảo đảm
bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại địa phương.
Điều 11.
Kiểm tra, thanh tra công tác đăng ký biện pháp bảo đảm tại Văn phòng
đăng ký đất đai theo thẩm quyền
1. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp
với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện kiểm tra công tác đăng ký biện pháp bảo
đảm tại Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh và các Chi nhánh.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
chủ trì thực hiện thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm theo
thẩm quyền về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Điều 12.
Thống kê, báo cáo về công tác đăng ký biện pháp bảo đảm
Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ
trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện chế độ báo cáo Bộ Tư
pháp; Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định
của pháp luật về thống kê và các báo cáo khác theo yêu cầu của cơ quan có thẩm
quyền.
Điều 13.
Kinh phí, nguồn nhân lực, trang thiết bị cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đăng
ký, quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm
1. Trên cơ sở các chính sách,
pháp luật của Đảng và Nhà nước, Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên
và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án tự chủ của Văn
phòng đăng ký đất đai về nguồn nhân lực để phục vụ cho hoạt động đăng ký, quản
lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm trên địa bàn tỉnh.
2. Trên cơ sở các chính sách,
pháp luật của Đảng và Nhà nước, căn cứ nhu cầu kinh phí của các cơ quan, đơn vị
có liên quan và căn cứ khả năng ngân sách,
Sở Tài chính tham mưu Ủy ban
nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện các nội dung về quản lý nhà nước về
đăng ký biện pháp bảo đảm trên địa bàn tỉnh theo Luật Ngân sách Nhà nước và
theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
Điều 14.
Chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động liên quan đến đăng ký biện pháp bảo đảm
1. Sở Tư pháp có trách nhiệm chỉ
đạo, hướng dẫn các tổ chức hành nghề công chứng, Phòng Tư pháp thực hiện đúng
quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan
đến tài sản bảo đảm, đồng thời chia sẻ thông tin về tình trạng pháp lý của tài
sản bảo đảm đã được công chứng, chứng thực giữa các tổ chức hành nghề công chứng.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
có trách nhiệm hướng dẫn, quản lý nghiệp vụ đăng ký biện pháp bảo đảm là quyền
sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; chỉ đạo, hướng dẫn Văn phòng đăng ký đất
đai tỉnh và các Chi nhánh thực hiện đúng quy định của pháp luật về đăng ký biện
pháp bảo đảm; cung cấp thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm theo đề nghị của
các tổ chức hành nghề công chứng và các cơ quan khác.
3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên
và Môi trường hướng dẫn các tổ chức tín dụng thuộc phạm vi quản lý thực hiện
nghiêm túc các quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm và đăng ký biện pháp
bảo đảm.
4. Căn cứ tình hình thực tế tại
địa phương, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế và các cơ quan, đơn vị
liên quan tổ chức họp nhằm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát
sinh trong quá trình đăng ký biện pháp bảo đảm.
Chương
III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 15. Tổ
chức thực hiện
1. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp
với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện Quy chế này.
2. Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và
Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế và các cơ
quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm chủ trì, phối hợp thực hiện các nội dung
theo Quy chế này.
3. Trong quá trình triển khai
thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, các tổ chức, cá nhân kịp thời phản
ánh về Sở Tư pháp hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.