Quyết định 24/2008/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên Hải Trung bộ đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 24/2008/QĐ-TTg
Ngày ban hành 05/02/2008
Ngày có hiệu lực 29/02/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 24/2008/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 02 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI ĐỐI VỚI CÁC TỈNH VÙNG BẮC TRUNG BỘ VÀ DUYÊN HẢI TRUNG BỘ ĐẾN NĂM 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 8409/TTr-BKH ngày 15 tháng 11 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 (gồm các tỉnh, thành phố ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận), với nội dung chủ yếu sau:

1. Một số mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của Vùng:

- Tốc độ tăng trưởng GDP đạt bình quân hàng năm 10 - 11%;

- Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 5 tỷ USD, bình quân tăng 22 - 23%/năm;

- Giải quyết việc làm cho khoảng 2,5 - 3 triệu lao động;

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo 30 - 35%;

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 12% (theo chuẩn mới);

- Tỷ lệ dân dùng nước sạch ở thành phố 95%; ở nông thôn 75%;

- Nâng độ che phủ của rừng đạt 44 - 45% diện tích tự nhiên; bảo đảm môi trường sinh thái, phát triển bền vững.

2. Nhiệm vụ trọng tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực chủ yếu.

a) Ngành công nghiệp:

Ưu tiên đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp chính như: chế biến nông, lâm, thủy sản; vật liệu xây dựng; dệt may, da giầy; luyện cán thép; chế tạo cơ khí; đóng tàu biển tải trọng lớn; lọc hóa dầu; bột giấy và giấy,…

Tập trung đầu tư một số dự án trọng điểm trong thời kỳ 2006 - 2010 như: nâng cấp, xây dựng mới các nhà máy chế biến nông, lâm, hải sản; mở rộng các nhà máy sản xuất xi măng hiện có, xây dựng một số nhà máy xi măng công suất 1,4 triệu tấn/năm, đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1.200MW, khai thác sắt Thạch Khê, nhà máy luyện cán thép Vũng Áng và Dung Quất, nhà máy lọc hóa dầu ở Dung Quất và Nghi Sơn, nhà máy sản xuất bột giấy và giấy ở Thanh Hóa,….

Các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch, huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng các khu kinh tế, các khu công nghiệp hiện có, phát triển một số khu cụm công nghiệp cần thiết để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trên địa bàn.

b) Ngành dịch vụ:

Bổ sung quy hoạch, đầu tư xây dựng các cơ sở dịch vụ thương mại như trung tâm thương mại, trung tâm hội chợ triển lãm, siêu thị theo hướng hiện đại, văn minh và có hệ thống từ tỉnh, huyện, trung tâm cụm xã; phát triển mạng lưới chợ nông thôn miền núi, ven biển, hải đảo, tạo thuận lợi cho việc mua bán, trao đổi hàng hóa của đồng bào các dân tộc ở khu vực đặc biệt khó khăn.

Phát triển các khu kinh tế cửa khẩu đồng bộ với hệ thống giao thông hai bên biên giới; ưu tiên đầu tư khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo để mở rộng giao lưu buôn bán, phát triển du lịch, tăng cường dịch vụ với các nước trong khu vực.

Tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Vùng bảo đảm đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu vào thị trường khu vực và thế giới như thủy hải sản, tinh bột sắn, chè, cà phê, đồ gỗ, sản phẩm dệt may, vật liệu xây dựng, khoáng sản.

Đầu tư nâng cao năng lực dịch vụ vận tải hàng hóa, hành khách bằng các phương thức đường bộ, đường sắt, đường biển, hàng không; phát triển các cơ sở dịch vụ tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin theo hướng đồng bộ, hiện đại; xây dựng công nghệ thông tin thành ngành công nghiệp mũi nhọn của Vùng.

Phát triển ngành du lịch dựa trên cơ sở khai thác các tiềm năng, lợi thế của Vùng như du lịch biển, nghỉ dưỡng, thăm quan các di sản thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hóa; ưu tiên đầu tư phát triển du lịch theo tuyến hành lang Đông - Tây, tham gia du lịch tiểu vùng sông Mê Kông.

c) Ngành nông lâm ngư nghiệp:

- Về nông nghiệp: các địa phương tiếp tục nghiên cứu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả trên mỗi ha canh tác, đa dạng hóa cây trồng, bảo đảm an toàn sản xuất, phòng tránh thiên tai. ổn định diện tích trồng lúa 1,2 triệu ha, phát triển một số cây công nghiệp ngắn ngày như mía, lạc, thuốc lá; cây công nghiệp dài ngày như điều, cà phê, dừa, cao su, chè, hồ tiêu và cây ăn quả thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, ưu tiên sản xuất nông nghiệp cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

Tập trung xây dựng một số công trình thuỷ lợi: Cửa Đạt, Bản Mồng, Ngàn Trươi, Sông Nghèn, Tả Trạch, Rào Quán, Định Bình.

[...]