Quyết định 2388/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng đô thị đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do tỉnh Bình Dương ban hành

Số hiệu 2388/QĐ-UBND
Ngày ban hành 05/08/2008
Ngày có hiệu lực 05/08/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Nguyễn Hoàng Sơn
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2388/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 05 tháng 8 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG ĐÔ THỊ BÌNH DƯƠNG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

UỶ BAN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/01/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 07/2008/TT-BXD ngày 07/4/2008 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 03/2008/QĐ-BXD ngày 31/3/2008 của Bộ Xây dựng về Ban hành quy định nội dung thể hiện bản vẽ, thuyết minh đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 81/2007/QĐ-TTg ngày 05/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 589/2008/QĐ-TTg ngày 20/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch xây dựng Vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Nghị quyết số 04/2008/NQ-HĐND7 ngày 22/7/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh,

Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gồm những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm và mục tiêu:

a) Quan điểm:

- Các đô thị của tỉnh phải được phát triển trong mối liên kết với hệ thống đô thị trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhằm khai thác được các thế mạnh về hệ thống giao thông, vận tải, sân bay, bến cảng, dịch vụ tài chính, ngân hàng, đào tạo… để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;

- Phát triển và phân bổ hợp lý các đô thị trên địa bàn toàn tỉnh gắn với đô thị trung tâm sẽ hình thành tại Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương; kết hợp chặt chẽ giữa cải tạo, chỉnh trang các đô thị cũ và quy hoạch xây dựng các đô thị mới, phát triển và phân bổ hợp lý các đô thị sinh thái dọc các trục lộ chính và các tuyến ven sông; phát triển đô thị phải gắn kết hài hòa với phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường, kết hợp chặt chẽ với quá trình đô thị hóa nông thôn và xây dựng nông thôn mới;

- Phát triển đô thị phải chú trọng xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, cơ cấu chức năng trong đô thị được phân bổ hợp lý; bảo vệ các vùng cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ an ninh- quốc phòng và an sinh xã hội; áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào cải tạo, xây dựng đô thị;

- Phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, phù hợp với đặc điểm, truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa của Bình Dương.

b) Mục tiêu:

- Xây dựng tỉnh Bình Dương theo hướng phát triển bền vững, văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc; cân đối hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; đảm bảo có sự kết nối giữa đô thị cũ và các đô thị mới một cách có hệ thống, đồng bộ; đạt các tiêu chí đô thị loại I; có đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực phía Nam và cả nước; liên kết với các tỉnh trong vùng thành phố Hồ Chí Minh, từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ khu vực Đông Nam Á.

- Phấn đấu phát triển hệ thống đô thị của tỉnh theo quy hoạch các đơn vị hành chính, cụ thể là:

Đến năm 2010, tỉnh Bình Dương gồm 1 thành phố, 2 thị xã, 4 huyện; với 27 phường, 10 thị trấn và 64 xã;

Đến năm 2015, tỉnh Bình Dương gồm 1 thành phố, 5 thị xã, 4 huyện; với 49 phường, 11 thị trấn và 51 xã;

Đến năm 2020 tỉnh Bình Dương đạt tiêu chí đô thị loại I và chuyển thành đô thị Bình Dương trực thuộc Trung ương với 6 quận, 4 huyện; gồm 60 phường 13 thị trấn và 40 xã.

2. Phạm vi và ranh giới lập quy hoạch chung xây dựng:

a) Phạm vi nghiên cứu:

Phạm vi nghiên cứu bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính tỉnh Bình Dương và các tỉnh xung quanh, gồm: thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Phước và tỉnh Tây Ninh; với diện tích khoảng 21.572 km2.

b) Ranh giới:

[...]