Quyết định 2370/QĐ-BGTVT năm 2016 phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Nam Trung bộ (Nhóm 4) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 2370/QĐ-BGTVT
Ngày ban hành 29/07/2016
Ngày có hiệu lực 29/07/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Trương Quang Nghĩa
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2370/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 29 tháng 7 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT NHÓM CẢNG BIỂN NAM TRUNG BỘ (NHÓM 4) GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 năm 2014;

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét tờ trình số 4854/TTr-CHHVN ngày 25 tháng 11 năm 2015; Văn bản số 2547/CHHVN-KHĐT ngày 23 tháng 6 năm 2016 của Cục Hàng hải Việt Nam tiếp thu, giải trình các ý kiến của thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch kèm theo hồ sơ quy hoạch; Biên bản Hội đồng thẩm định ngày 09 tháng 6 năm 2016 tại cuộc họp thẩm định điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển Nam Trung bộ (Nhóm 4) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Thường trực Hội đồng thẩm định và Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển Nam Trung bộ (Nhóm 4) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu như sau:

I. Phạm vi quy hoạch

- Phạm vi quy hoạch là các cảng biển thuộc các tỉnh ven biển khu vực Nam Trung bộ: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

- Phạm vi phục vụ: bao gồm các tỉnh trên, các tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng), một số tỉnh phía Nam nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (Lào) và phía Bắc của Vương quốc Campuchia (Campuchia).

II. Quan điểm và mục tiêu phát triển

1. Quan điểm phát triển

- Chú trọng phát triển các cảng tổng hợp, chuyên dùng cho tàu biển trọng tải lớn tại khu vực Quy Nhơn, Vân Phong và Cam Ranh tạo động lực thúc đẩy kinh tế khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

- Tiếp tục kêu gọi đầu tư phát triển cảng biển Vân Phong, trước mắt thúc đẩy phát triển khu kinh tế Vân Phong. Nghiên cứu áp dụng cơ chế thí điểm đặc thù thu hút các hãng tàu lớn các nhà đầu tư khai thác cảng để từng bước hình thành cảng trung chuyển quốc tế tại Vân Phong khi có điều kiện.

- Phát triển cảng chuyên dùng gắn với khu kinh tế, các trung tâm công nghiệp trong khu vực như các Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, Điện nguyên tử Ninh Thuận và khai thác bauxit - alumin tại Tây Nguyên vừa mang tính chất phục vụ vừa tạo động lực thúc đẩy các dịch vụ liên quan phát triển.

- Tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển phù hợp, ổn định các bến phao, điểm chuyển tải hàng hóa trên quan điểm không làm ảnh hưởng đến các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội khác, thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, nhằm giảm chi phí đầu tư, chi phí vận tải đường biển, góp phần giảm áp lực vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông trên đường bộ.

- Cỡ tàu theo quy hoạch (tấn trọng tải) để làm cơ sở đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng công cộng cảng biển, không là cơ sở để không cho phép tàu có trọng tải lớn hơn hành hải trên luồng và ra, vào cảng. Các tàu có trọng tải lớn hơn nhưng có thông số kỹ thuật phù hợp với khả năng tiếp nhận của cầu cảng, phù hợp chuẩn tắc kỹ thuật của luồng tàu (bề rộng, chiều sâu, tĩnh không...), đảm bảo điều kiện an toàn đều được cấp phép ra, vào cảng.

- Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp cầu bến phải gắn liền với đầu tư xây dựng các công trình phụ trợ (kho hàng, bãi...) và đầu tư trang thiết bị bốc dỡ đồng bộ, phù hợp với cỡ tàu tiếp nhận, đảm bảo công suất thiết kế của cảng.

2. Mục tiêu, định hướng phát triển

a) Mục tiêu chung

- Hình thành các cảng tổng hợp, đầu mối đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường biển của địa phương trong khu vực, tạo kết nối với cảng cửa ngõ quốc tế, trung chuyển quốc tế của quốc gia; là cơ sở để phát triển cân đối, đồng bộ giữa các cảng biển và cơ sở hạ tầng liên quan, kết nối với vùng hấp dẫn của cảng; là động lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh của từng địa phương, của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực liên quan.

- Đáp ứng nhu cầu vận tải nhập nguyên, nhiên vật liệu và xuất sản phẩm phục vụ các cơ sở công nghiệp luyện kim, hóa dầu, khai khoáng… góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của các địa phương trong khu vực.

b) Mục tiêu cụ thể

[...]