QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH, BỔ
SUNG CHÍNH SÁCH TRỢ GIÚP XÃ HỘI ĐỐI VỚI ĐỐI TƯỢNG BẢO TRỢ XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2357/QĐ-UBND ngày 02/7/2015 của Ủy ban nhân
dân tỉnh)
Chương I
NHỮNG
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Quy định
các mức trợ cấp, trợ giúp và hệ số trợ cấp xã hội hàng tháng cho các đối tượng
bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Điều 11, Thông tư liên tịch
số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 24/10/2014 của Liên Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số
136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội
đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Điều 2.
Mức chuẩn
trợ cấp, trợ giúp xã hội (sau đây gọi chung là mức chuẩn trợ giúp xã hội) hàng
tháng là 270.000 đồng (hệ số 1,0); khi Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn để xác định
mức trợ giúp xã hội hàng tháng thì mức chuẩn tại Quy định này được điều chỉnh
theo quy định của Chính phủ.
Điều 3.
Các chế độ,
chính sách trợ giúp xã hội khác ngoài trợ cấp xã hội hàng tháng đối với đối tượng
quy định tại Điều 4 Quy định này; Đối tượng trợ giúp xã hội thường xuyên; đối
tượng trợ giúp đột xuất và các đối tượng khác không quy định trong Quy định này
được thực hiện theo các quy định trước khi ban hành Nghị định số 136/2013/NĐ-CP
cho đến khi có văn bản của cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện theo mức và hệ
số tương ứng quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP.
Chương II
TRỢ
GIÚP XÃ HỘI THƯỜNG XUYÊN TẠI CỘNG ĐỒNG
Điều 4. Đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng
a. Trẻ em dưới
16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng; Người từ 16 tuổi đến 22 tuổi thuộc một trong các
trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 5 Nghị
định số 136/2013/NĐ-CP mà đang học phổ
thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất; Trẻ em bị
nhiễm HIV thuộc hộ nghèo; người bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo không còn khả năng
lao động mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp ưu đãi
người có công hàng tháng, trợ cấp hàng tháng khác; Người thuộc hộ
nghèo không có chồng hoặc không có vợ; có chồng hoặc vợ đã chết; có chồng hoặc
vợ mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang
nuôi con từ 16 tuổi đến 22 tuổi nhưng người con đó đang học phổ thông, học nghề,
trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất (sau đây gọi chung
là người đơn thân nghèo đang nuôi con).
b. Người cao
tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người
có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội
hàng tháng; Người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền
phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ
sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng.
c. Người từ
đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại Điểm a, Khoản 5, Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng
tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng thuộc
diện hộ nghèo; Trẻ em khuyết tật, người
khuyết tật thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật về
người khuyết tật thuộc diện hộ
nghèo.
Điều 5. Mức trợ cấp xã hội hàng tháng
1. Đối tượng quy định
tại Điều 4 Quy định này được trợ cấp xã hội hàng tháng với mức thấp nhất bằng mức
chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Điều 2 Quy định này nhân với hệ số tương ứng
theo quy định sau đây:
a. Hệ số 1,0 (270.000
đồng) đối với người thuộc hộ nghèo không có chồng hoặc không có vợ; có chồng
hoặc vợ đã chết; có chồng hoặc vợ mất tích theo quy định của pháp luật và đang
nuôi 01 con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi 01 con từ 16 tuổi
đến 22 tuổi nhưng người con đó đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên
nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất (sau đây gọi chung là người đơn
thân nghèo đang nuôi con); Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định
tại Điểm a, Khoản 5, Điều 5
Nghị định số 136/2013/NĐ-CP mà không
có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng, thuộc diện hộ nghèo;
b. Hệ số 1,5 (405.000
đồng) đối với trẻ em từ 04 tuổi đến
dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng; Người từ
16 tuổi đến 22 tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1, Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP mà đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp,
cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất; Người bị nhiễm HIV từ
16 tuổi trở lên thuộc hộ nghèo không
còn khả năng lao động mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm
xã hội hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng, trợ cấp hàng tháng
khác; Người cao tuổi từ
đủ 60 tuổi đến 80 tuổi thuộc hộ nghèo
không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và
quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng;
c. Hệ số 2,0 (540.000
đồng) đối với trẻ em từ 04 tuổi đến
dưới 16 tuổi bị nhiễm HIV thuộc hộ
nghèo; Người đơn thân nghèo đang nuôi từ 02 con trở lên; Người
cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền
phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang
hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng;
d. Hệ số 2,5 (675.000
đồng) đối với trẻ em dưới 04 tuổi
không có nguồn nuôi dưỡng; trẻ em dưới 04 tuổi bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo;
đ. Hệ số 3,0 (810.000
đồng) đối với người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và
quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận
vào cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng.
e. Trẻ em
khuyết tật, người khuyết tật quy định
tại Khoản 6, Điều 5, Nghị định số 136/2013/NĐ-CP thuộc diện hộ nghèo: Áp
dụng mức và hệ số trợ cấp tương ứng theo quy định tại Nghị định số
136/2013/NĐ-CP.
2. Trường
hợp đối tượng thuộc diện hưởng các mức trợ cấp xã hội khác nhau quy định tại
Khoản 2 Điều này thì chỉ được hưởng một mức cao nhất.
Chương III
CHĂM
SÓC, NUÔI DƯỠNG TẠI CỘNG ĐỒNG
Điều 6. Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp thuộc diện nhận chăm
sóc, nuôi dưỡng tạm thời tại cộng đồng bao gồm:
a. Trẻ em có cả cha,
mẹ bị chết, mất tích theo quy định của pháp luật mà không có người thân thích
chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc người thân thích không có khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng;
b. Nạn nhân của bạo
lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị
cưỡng bức lao động cần được bảo vệ khẩn cấp trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú hoặc
đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội;
c. Trẻ em, người
lang thang xin ăn trong thời gian chờ đưa về nơi cư trú hoặc đưa vào cơ sở bảo
trợ xã hội, nhà xã hội;
Điều
7. Chế độ hỗ trợ đối với đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp được nhận chăm sóc,
nuôi dưỡng tạm thời tại hộ gia đình.
1. Tiền ăn: Mức 40.000 đồng/người/ngày.
2. Chi phí điều trị trong trường hợp phải điều trị tại cơ sở
khám bệnh, chữa bệnh mà không có thẻ bảo hiểm y tế thực hiện như sau:
a. Trẻ em dưới 6 tuổi; người thuộc hộ nghèo, hộ cận
nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế -
xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; người hưởng chính sách theo quy định
của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng được hỗ trợ chi phí
khám bệnh, chữa bệnh bằng mức quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho các đối tượng tương
ứng;
b. Đối với đối tượng không thuộc diện quy định tại Điểm
a Khoản này mà không còn thân nhân được hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh bằng
mức quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho đối tượng thuộc hộ nghèo.
3. Chi phí đưa đối tượng về nơi cư trú hoặc đến cơ sở
bảo trợ xã hội, nhà xã hội: Mức chi theo giá phương tiện công cộng phổ thông áp
dụng tại địa phương. Trường hợp sử dụng phương tiện của cơ quan, đơn vị, chi
phí tính theo số km và tiêu hao nhiên liệu thực tế; trường hợp thuê xe bên
ngoài thì giá thuê xe theo hợp đồng, chứng từ, hóa đơn thực tế và phù hợp với
giá trên địa bàn cùng thời điểm.
Chương IV
CHĂM
SÓC, NUÔI DƯỠNG TẠI CƠ SỞ BẢO TRỢ XÃ HỘI, NHÀ XÃ HỘI
Điều 8. Đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo
trợ xã hội, nhà xã hội
1. Đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó
khăn bao gồm:
a. Đối tượng quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 5
Nghị định 136/2014/NĐ-CP thuộc diện khó khăn không tự lo được cuộc sống và
không có người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng;
b. Người cao tuổi thuộc diện được chăm sóc, nuôi dưỡng
tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội theo quy định của pháp luật về người cao
tuổi;
c. Trẻ em khuyết tật, người khuyết tật thuộc diện được
chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội theo quy định của
pháp luật về người khuyết tật.
2. Đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp bao gồm:
a. Nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại
tình dục; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động;
b. Trẻ em, người lang thang xin ăn trong thời gian chờ
đưa về nơi cư trú.
Điều 9. Chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội,
nhà xã hội
Đối tượng quy
định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 8 Quy định này khi sống tại cơ sở bảo trợ xã hội,
nhà xã hội được hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng theo quy định sau đây:
1. Mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng thấp nhất cho mỗi
đối tượng bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Điều 2 Quy định này nhân
với hệ số tương ứng theo quy định sau đây:
a. Hệ số 3,0
(810.000 đồng) đối với người từ 16 tuổi
đến đủ 60 tuổi; người khuyết tật đặc biệt nặng.
b. Hệ số 4,0
(1.080.000 đồng) đối với trẻ em từ 04
tuổi đến dưới 16 tuổi; người từ đủ 60 tuổi trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng
là trẻ em; người khuyết tật đặc biệt nặng là người cao tuổi.
c. Hệ số 5,0
(1.350.000 đồng) đối với trẻ em dưới
04 tuổi
2. Cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí theo quy định pháp
luật về bảo hiểm y tế;
3. Hỗ trợ chi phí mai táng khi chết với mức bằng 20 lần
mức chuẩn trợ giúp xã hội là 5.400.000 đồng/người
4. Cấp vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày:
chăn, màn, chiếu, quần áo mùa hè, quần áo mùa đông, quần áo lót, khăn mặt,
giày, dép, bàn chải đánh răng, thuốc chữa bệnh thông thường, vệ sinh cá nhân
hàng tháng đối với đối tượng nữ trong độ tuổi sinh đẻ, sách, vở, đồ dùng học tập
đối với đối tượng đang đi học và các chi phí khác theo quy định:
a. Trợ cấp vật dụng phục vụ cho sinh hoạt đời sống thường
ngày:
- Quần áo dài (pizama) : 1 bộ/năm
- Quần áo ngắn : 2 bộ/năm
- Áo lạnh : 1 chiếc/3 năm
- Quần áo đồng phục đi học : 1 bộ/năm
- Mũ len (hỗ trợ cho người cao tuổi
và trẻ em dưới 4 tuổi) : 1 cái/3 năm
- Dép : 2 đôi/năm
- Khăn mặt : 2 cái/năm
- Chiếu : 1 chiếc/năm
- Mùng : 1 cái/3 năm
- Mền đơn : 1 cái/4 năm
- Bàn chải : 3 cái/năm
- Kem đánh răng (loại 200 gram/ống) : 2 ống/năm
- Xà bông giặt : 1,5 kg/năm
- Xà bông tắm : 4 bánh/năm
- Dầu gội đầu (chai 500 ml) : 2
chai/năm
b. Trợ cấp để mua thuốc chữa bệnh thông thường bằng
10% mức chuẩn trợ cấp xã hội; riêng người nhiễm HIV/AIDS được hỗ trợ điều trị
nhiễm trùng cơ hội mức 300.000 đồng/người/năm;
c. Trợ cấp vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với đối tượng
nữ trong độ tuổi sinh đẻ bằng 15% mức chuẩn trợ cấp xã hội.
5. Trường hợp
đối tượng thuộc diện hưởng các mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng khác nhau quy
định tại Khoản 1 Điều này thì chỉ được hưởng một mức cao nhất;
6. Trường
hợp đối tượng đã được hưởng chế độ trợ cấp nuôi dưỡng
hàng tháng quy định tại Khoản 1 Điều này thì không được hưởng trợ cấp xã hội
hàng tháng quy định tại Điều 6 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP.
7. Hỗ trợ tiền ăn thêm 09 ngày lễ, tết trong năm (4
ngày Tết âm lịch, ngày 30/4, ngày 1/5, Quốc khánh 2/9, giỗ Tổ Hùng Vương và Tết
Dương lịch) cho các đối tượng được hưởng trợ cấp thường xuyên có mặt thực tế tại
các cơ sở bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, với mức hỗ trợ
bằng 25% mức chuẩn trợ cấp xã hội theo quy định của Chính phủ.
Chương V
KINH
PHÍ THỰC HIỆN
Điều 10. Kinh phí thực hiện chế độ
chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên; Kinh phí bảo đảm để chăm sóc, nuôi dưỡng
đối tượng; Kinh phí chi hoạt động thường xuyên, đầu tư xây dựng cơ bản và các
chi phí khác của cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội... thực hiện theo quy định tại
Nghị định số 136/2013/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số
29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC.
Chương VI
TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Đối tượng sống tại cộng đồng do Ủy ban nhân dân xã, phường,
thị trấn quản lý theo quy định tại Điều 11 Thông tư liên tịch số
29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 24/10/2014 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số
136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội
đối với đối tượng bảo trợ xã hội, thời gian thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm
2015.
Đối tượng quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 25 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP sống trong cơ sở bảo trợ xã hội, thời gian thực
hiện kể từ ngày ban hành
Quy định.
Điều 12. Trách nhiệm của các ngành, các cấp
1. Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:
- Chủ trì phối
hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện Quy định này;
- Tuyên truyền,
phổ biến chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội;
- Ứng dụng
công nghệ thông tin quản lý đối tượng;
- Đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ thực hiện chính sách trợ giúp xã hội;
- Kiểm tra,
thanh tra việc thực hiện các quy định tại Quy định này.
2. Sở Tài chính: Có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh bố
trí kinh phí trợ giúp xã hội cho các sở, địa phương và đơn vị theo phân cấp
ngân sách nhà nước hiện hành.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã
- Quản lý đối
tượng bảo trợ xã hội, tổ chức thực hiện chế độ trợ giúp xã hội cho các đối tượng
quy định tại Quy định này.
- Chỉ đạo
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và các phòng chức năng tại địa phương hướng
dẫn các tổ chức và cá nhân hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội.
- Chỉ đạo, kiểm
tra, thanh tra việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội ở địa phương.
4. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
- Bố trí kinh
phí bảo đảm xã hội theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.
- Thực hiện
chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng kịp thời, đúng đối tượng và thanh quyết toán
theo quy định hiện hành.
5. Các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền
hình: Tổ chức thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân thực
hiện chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội theo Quy định này.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội
chữ thập đỏ tỉnh và các tổ chức hội, đoàn thể: Tuyên truyền, vận động nhân dân,
hội viên, đoàn viên quyên góp giúp đỡ các đối tượng bảo trợ xã hội; giám sát việc
thực hiện chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội ở địa phương.
Điều 13.
Giao Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội là cơ quan đầu mối, có trách nhiệm theo dõi, tổng
hợp các vấn đề vướng mắc, phát sinh trong quá trình thực hiện các quy định này
(nếu có), kịp thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh để xem xét giải quyết theo quy định
hiện hành của Nhà nước./.