Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 2347/QĐ-UBND năm 2013 duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2013 - 2020

Số hiệu 2347/QĐ-UBND
Ngày ban hành 19/09/2013
Ngày có hiệu lực 19/09/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Chu Ngọc Anh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2347/QĐ-UBND

 Phú Thọ, ngày 19 tháng 9 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V DUYỆT QUY HOẠCH BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG ĐẶC DỤNG TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2013 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03/12/2004;

Căn cứ Nghị định của Chính phủ: Số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 quy định về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;

Căn cứ Thông tư số 78/2011/TT-BNNPTNT ngày 11/11/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định chi tiết thi hành Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;

Căn cứ Quyết định số 18/2011/QĐ-UBND ngày 30/8/2011 của UBND tỉnh về việc duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Văn bản số 1107/TCLN-BTTN ngày 22/7/2013 của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) về việc góp ý Quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2013 - 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 145/TTr-SNN-LN ngày 21/8/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2013 - 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

I- QUAN ĐIỂM.

- Quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng phải phù hợp với: Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2020; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ đến năm 2020; quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 - 2020; các quy hoạch chuyên ngành của tỉnh đã phê duyệt và các quy định hiện hành.

- Quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng phải đảm bảo tính thống nhất, khoa học trong mọi hoạt động của các khu rừng đặc dụng, không gây tác động tiêu cực đối với tài nguyên thiên nhiên và tính đa dạng sinh học của các hệ sinh thái tự nhiên.

- Phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng phải dựa trên cơ sở bảo vệ toàn vẹn các di tích lịch sử, văn hóa, phát huy truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc địa phương.

- Bảo tồn và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

II- MỤC TIÊU.

1. Mục tiêu chung.

- Xác định rõ phạm vi, quy mô diện tích và nội dung nhiệm vụ hoạt động các khu rừng đặc dụng nhằm bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2013 - 2020 theo đúng quy định.

- Bảo tồn các hệ sinh thái rừng hiện có, bảo tồn nguồn gen đặc hữu, quý, hiếm và tính đa dạng sinh học của rừng, đồng thời khai thác lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên rừng, giá trị di tích lịch sử, văn hóa bản địa và các nguồn lực để phát triển du lịch, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

2. Mục tiêu cụ thể.

a) Bảo tồn thiên nhiên: Bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái rừng hiện có trong Vườn quốc gia Xuân Sơn, khu rừng cảnh quan Núi Nả, rừng lịch sử văn hóa huyện Yên Lập và Rừng quốc gia Đền Hùng. Tập trung bảo tồn 71 loài thực vật và 52 loài động vật đặc hữu, quý hiếm; bảo tồn các giá trị lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh thông qua các chương trình, dự án ưu tiên trên cơ sở đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường giai đoạn 2013 - 2020.

b) Bảo tồn kết hợp với nghiên cứu khoa học.

- Bảo tồn Rừng quốc gia Đền Hùng, khu rừng lịch sử văn hóa huyện Yên Lập kết hợp với nghiên cứu khoa học về văn hóa lịch sử. Nghiên cứu thực nghiệm lâm sinh, nghiên cứu tăng trưởng rừng qua các hệ thống ô định vị sinh thái,...

- Nghiên cứu tập đoàn cây trồng mọc nhanh và cây trồng bản địa, công nghệ trồng, phục hồi, làm giàu, cải tạo và quản lý bền vững rừng tự nhiên, rừng trồng và nông lâm kết hợp.

c) Phát triển rừng.

- Tập trung trồng mới rừng tại Vườn quốc gia Xuân Sơn với tổng diện tích 596,5 ha; trồng rừng thay thế bằng cây bản địa 198,7 ha tại Khu rừng cảnh quan Núi Nả, Khu rừng văn hóa lịch sử huyện Yên Lập và Khu rừng quốc gia Đền Hùng; khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên bình quân 1.141 ha/năm; bảo vệ rừng bình quân 15.182 ha/năm.

[...]