Quyết định 231/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2011 - 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành

Số hiệu 231/QĐ-UBND
Ngày ban hành 13/03/2012
Ngày có hiệu lực 13/03/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Yên Bái
Người ký Phạm Duy Cường
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 231/QĐ-UBND

Yên Bái, ngày 13 tháng 3 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC TỈNH YÊN BÁI, GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Giáo dục năm 2005; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009;

Căn cứ Luật Dạy nghề số 76/2006/QH11 ngày 29/11/2006;

Căn cứ Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011- 2020;

Căn cứ Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006, Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái thời kỳ 2006- 2020;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII;

Căn cứ Nghị quyết số 25- NQ/TU ngày 22/12/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 - 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 04/TTr-SKHĐT ngày 13/01/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2011 - 2020, với các nội dung chủ yếu như sau:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC

1. Quan điểm

a) Phát triển nguồn nhân lực là nhân tố quyết định thành công của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; làm cho nguồn nhân lực trở thành nền tảng và lợi thế quan trọng nhất để phát triển bền vững, hội nhập quốc tế và ổn định xã hội. Cần huy động sức mạnh toàn xã hội vào việc phát triển nguồn nhân lực; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của nhà trường, doanh nghiệp, gia đình và cộng đồng;

b) Phát triển nguồn nhân lực một cách toàn diện cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu lao động và về trí lực, thể lực, tâm lực phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh;

c) Phát triển nguồn nhân lực phải thực hiện đồng bộ giữa giáo dục phổ thông, đào tạo nghề với đổi mới đào tạo, thu hút, tuyển dụng, sử dụng và đánh giá nhân lực; có chính sách và giải pháp phát huy tiềm năng của người lao động, tạo động lực kích thích tính tích cực, năng động, sáng tạo. Chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho các ngành, lĩnh vực then chốt mà tỉnh có thế mạnh;

d) Phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình lâu dài từ chiến lược, chính sách và cơ chế triển khai, có lộ trình và bước đi thích hợp.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát

Tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh và đất nước; Chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông, lâm nghiệp sang công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; khai thác các tiềm năng thế mạnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố vững chắc quốc phòng an ninh, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và giảm nghèo bền vững.

2.2. Mục tiêu cụ thể

2.2.1. Tập trung nâng cao trình độ học vấn, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp, nông thôn, tăng nhanh tỷ trọng lao động trong công nghiệp dịch vụ

a) Đến năm 2015:

- Tỷ lệ lao động có trình độ học vấn bậc trung học cơ sở đạt 40,7%; bậc trung học phổ thông đạt 23,2%;

[...]