Quyết định 23/2012/QĐ-UBND sửa đổi “Quy định phân cấp và ủy quyền quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên”
Số hiệu | 23/2012/QĐ-UBND |
Ngày ban hành | 10/10/2012 |
Ngày có hiệu lực | 20/10/2012 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Điện Biên |
Người ký | Mùa A Sơn |
Lĩnh vực | Tài chính nhà nước,Xây dựng - Đô thị |
ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/2012/QĐ-UBND |
Điện Biên, ngày 10 tháng 10 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA “QUY ĐỊNH PHÂN CẤP VÀ ỦY QUYỀN QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH TỪ NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản Quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003; Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 29/11/2005;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản ngày 19/6/2009;
Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 07/5/2010 của Chính phủ về hợp đồng xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng xây dựng công trình; Nghị định số 49/2008/NĐ-CP ngày 28/4/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu theo Luật Xây dựng; Căn cứ Nghị định số 68/2012/NĐ-CP ngày 12/9/2012 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu theo Luật Xây dựng;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 914/TTr-KHĐT ngày 01/10/2012 và đề nghị của Sở Tư Pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định phân cấp và ủy quyền quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên” ban hành kèm theo của Quyết định 20/2010/QĐ- UBND ngày 30/9/2010 của UBND tỉnh, cụ thể như sau:
1. Sửa đổi Điều 2. Đối tượng áp dụng như sau:
“Các công trình, dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Điện Biên, bao gồm: Vốn đầu tư xây dựng trong cân đối ngân sách địa phương (gồm vốn xây dựng cơ bản tập trung và đầu tư từ nguồn sử dụng đất), vốn xổ số kiến thiết, vốn vay tín dụng ưu đãi, vốn dự án giảm nghèo do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ, vốn đầu tư phát triển thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, trừ các dự án đầu tư thuộc dự án thành phần số 1 (nội dung hỗ trợ cơ sở hạ tầng các huyện nghèo) của Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững".
2. Sửa đổi Khoản 1, Điều 5. Về kế hoạch đầu tư như sau:
“1. Các nguồn vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách tỉnh được phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện phân bổ chi tiết bao gồm: Vốn đầu tư phát triển thuộc Dự án 2 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình 135 giai đoạn III); vốn đầu tư phát triển thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia khác theo quy định quản lý của từng chương trình (nếu có)”.
3. Sửa đổi Điểm c, Khoản 1, Điều 7. Thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình như sau:
“c) Trước khi phê duyệt dự án đầu tư, các cơ quan, đơn vị được phân cấp, ủy quyền phê duyệt đầu tư có trách nhiệm gửi Báo cáo đề nghị thẩm định nguồn vốn và phần vốn thực hiện dự án (theo mẫu hướng dẫn tại văn bản 7356/BKHĐT-TH ngày 28/10/2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ NSNN và TPCP) kèm theo văn bản thẩm định dự án của cơ quan chuyên môn, hồ sơ dự án về sở Kế hoạch và Đầu tư (02 bộ), Sở Tài chính (01 bộ) lấy ý kiến thỏa thuận về qui mô, nguồn vốn và khả năng cân đối phân bổ vốn của dự án trước khi phê duyệt.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ (theo dấu công văn đến) Sở Tài chính có trách nhiệm chuyển kết quả tham gia thẩm định về cơ quan chủ trì thẩm định (Sở Kế hoạch và Đầu tư); Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể
từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ (theo dấu công văn đến) sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm trả lời cơ quan, đơn vị đề nghị thẩm định theo quy định.”
5. Bổ sung Điều 13a. Về tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng (trên cơ sở quy định tại Điều 69 Luật Xây dựng và Điều 26 Nghị định 48/2010/NĐ-CP về hợp đồng xây dựng) cụ thể như sau:
1. Đối với dự án đầu tư có diện tích chiếm đất tập trung hoặc dự án có thời gian thực hiện hợp đồng của gói thầu xây lắp dưới 12 tháng: Việc giải phóng mặt bằng xây dựng phải được lập thành phương án; phương án giải phóng mặt bằng xây dựng được thể hiện trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình và được phê duyệt đồng thời với Báo cáo kinh tế kỹ thuật (đối với dự án thực hiện phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật) hoặc được phê duyệt đồng thời với phê duyệt Thiết kế bản vẽ thi công - Tổng dự toán xây dựng công trình. Chủ đầu tư phải chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công cho nhà thầu trước khi ký hợp đồng xây dựng.
2. Đối với những dự án thi công theo tuyến có diện tích chiếm đất lớn (giao thông, thủy lợi), thời gian thực hiện hợp đồng xây dựng từ 12 tháng đến dưới 24 tháng:
a) Phương án giải phóng mặt bằng xây dựng phải được thể hiện trong tổng mức đầu tư của dự án đầu tư xây dựng công trình và được phê duyệt đồng thời với phê duyệt Thiết kế bản vẽ thi công - Tổng dự toán xây dựng công trình;
b) Chủ đầu tư phải chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng thi công trong phạm vi thực hiện 12 tháng đầu của gói thầu (theo hồ sơ trúng thầu được chấp thuận) cho nhà thầu xây lắp trước khi ký kết hợp đồng xây dựng;