Quyết định 23/2006/QĐ-UBND ban hành Chương trình hành động về các giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2006 do tỉnh Bình Thuận ban hành

Số hiệu 23/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 27/03/2006
Ngày có hiệu lực 06/04/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Huỳnh Tấn Thành
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : 23/2006/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 27 tháng 3 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA UBND TỈNH VỀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI NĂM 2006

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị quyết số 01/2006/NQ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2006;

Căn cứ Nghị quyết số 37/2005/NQ-HĐVIII về nhiệm vụ năm 2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng UBND tỉnh và Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của UBND Tỉnh về các giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2006.

Điều 2. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

CỦA UBND TỈNH VỀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI NĂM 2006
(Ban hành kèm theo Quyết định số 23/ 2006/QĐ-UBND ngày 27/ 3/2006 của UBND tỉnh)

A. NỘI DUNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG:

I. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt 7 nhiệm vụ trọng tâm:

1. Về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi:

a. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp cùng với UBND các huyện, thị xã, thành phố, các Sở, ngành có liên quan xây dựng các giải pháp triển khai thực hiện tốt kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong đó cụ thể khoanh vùng chuyển đổi cây gì, con gì cho thật hợp lý; giảm dần và đi đến ổn định diện tích canh tác lúa ở các nơi chủ động nước, chuyển một số diện tích cây trồng sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao; tập trung phát triển mạnh các cây con có lợi thế của tỉnh và của vùng.

Tập trung rà soát quy hoạch ngành nông nghiệp, trong đó đề xuất những lĩnh vực nào cần phải làm lại quy hoạch, gắn với chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng.

b. Tập trung phát triển mạnh các con nuôi chủ yếu như heo, bò, dê, cừu. Trong đó chỉ đạo phát triển đàn heo nái, đẩy nhanh tiến độ sind hóa đàn bò trong nhân dân để dần tiến tới bảo đảm đàn heo, bò thịt có chất lượng cao; phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch. Quy hoạch phát triển hình thành các trang trại, tập đoàn nuôi heo, nuôi bò công nghiệp có quy mô lớn. Phát triển đàn dê, cừu thông qua chương trình khuyến nông để hướng dẫn cho nhân dân kỹ thuật chăn nuôi đàn giống dê, cừu.

Thực hiện hỗ trợ kỹ thuật trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò cho nông dân, thu hẹp dần hình thức chăn nuôi tự phát lệ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên.

c. Trong công tác giống: tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng giống của các Trung tâm Giống cây trồng Vật nuôi của tỉnh. Thực hiện tốt chương trình hợp tác về nông nghiệp giữa ngành nông nghiệp tỉnh với ngành nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh. Thực hiện các giải pháp tích cực để thúc đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa công tác giống thông qua việc mở rộng công tác khuyến nông tới cơ sở, chuyển giao kỹ thuật cho người sản xuất, cho lao động nông thôn, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ giá giống cây trồng vật nuôi.

d. Xây dựng kế hoạch cụ thể về cây trồng, mùa vụ trên từng vùng để đối phó với hạn hán và dịch bệnh, chú ý không để dịch cúm gia cầm xuất hiện trên địa bàn Tỉnh, tích cực chuẩn bị thật chắc chắn nguồn lực hỗ trợ khi cần thiết. Rà soát quy hoạch, tổ chức lại các cơ sở chăn nuôi, phát triển các cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung gắn với kiểm soát chặt chẽ thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm.

e. Thực hiện tốt kế hoạch đầu tư các công trình thủy lợi, đẩy nhanh tiến độ các công trình trạm bơm để sớm phát huy tác dụng. Hoàn chỉnh hồ sơ các dự án nối mạng chuyển nước trong hệ thống thủy lợi toàn tỉnh, hệ thống chuyển nước khu Lê Hồng Phong, thúc đẩy tiến trình các dự án hồ Sông Móng, hồ Sông Dinh III.

f. Quy hoạch ổn định lâm phận 3 loại rừng, tăng diện tích rừng sản xuất gắn với sắp xếp đổi mới các lâm trường, ban quản lý rừng theo Nghị định 200/2004/CP của Chính phủ. Phát triển trồng rừng sản xuất, vùng nguyên liệu rừng gắn với các cơ sở chế biến; có kế hoạch đảm bảo nhu cầu gỗ cho sữa chữa tàu thuyền, đồ gỗ gia dụng và xây dựng. Tiếp tục trồng và bảo vệ rừng phòng hộ, đặc dụng theo dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.

2. Về phát triển kinh tế thủy sản:

a. Chuyển đổi nghề, nâng cao chất lượng hải sản đánh bắt: Ngành thủy sản phối hợp cùng với UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các giải pháp khuyến khích, động viên ngư dân chuyển đổi nghề theo hướng đẩy mạnh đánh bắt xa bờ khai thác các loại hải sản có giá trị kinh tế cao. Phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu hải sản trong dự báo các thông tin về ngư trường hải sản cung cấp cho ngư dân đánh bắt. Khuyến khích đầu tư hệ thống bảo quản sản phẩm đúng tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ngay trên tàu; có kế hoạch cụ thể hỗ trợ đầu tư cải hoán hệ thống bảo quản sản phẩm cho các tàu thuyền khai thác từ 90CV trở lên (kế hoạch hỗ trợ đối với từng chiếc một).

[...]