Quyết định 239/QĐ-UBND năm 2023 về Đề án đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng thủy lợi, đê điều phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Số hiệu 239/QĐ-UBND
Ngày ban hành 05/04/2023
Ngày có hiệu lực 05/04/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Đặng Văn Minh
Lĩnh vực Thương mại,Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 239/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 05 tháng 4 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ĐỒNG BỘ, HIỆN ĐẠI KẾT CẤU HẠ TẦNG THỦY LỢI, ĐÊ ĐIỀU PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP VÀ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI ĐẾN NĂM 2025, TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19/6/2017;

Căn cứ Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết một số Điều của Luật Thủy lợi;

Căn cứ Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 24/8/2021 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ tư, khóa XX về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tạo động lực cho phát triển;

Căn cứ Nghị quyết số 11/2015/NQ-HĐND ngày 20/7/2015 của HĐND tỉnh Khóa XI Kỳ họp thứ 16 về việc thông qua Quy hoạch thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND ngày 30/9/2022 của HĐND tỉnh Khóa XIII Kỳ họp thứ 10 về việc thông qua Điều chỉnh Quy hoạch thủy lợi tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 78/NQ-HĐND ngày 12/10/2021 của HĐND tỉnh Khóa XIII Kỳ họp thứ 4 về Đề án Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tạo động lực cho phát triển, giai đoạn 2021-2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 586/TTr-NNPTNT-TL ngày 22/02/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng thủy lợi, đê điều phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nh
ận:
- Như Điều 3;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT.PCT UBND tỉnh;
- VPUB: PCVP, các Phòng n/cứu, CB-TH;
- Lưu: VT, KTN(tnh156).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đặng Văn Minh

 

ĐỀ ÁN

ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN ĐỒNG BỘ, HIỆN ĐẠI KẾT CẤU HẠ TẦNG THỦY LỢI, ĐÊ ĐIỀU PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP VÀ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI ĐẾN NĂM 2025, TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 239/QĐ-UBND ngày 05/4/2023 của UBND tỉnh)

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Thực trạng hạ tầng thủy lợi và kết quả đầu tư kết cấu hạ tầng thủy lợi giai đoạn 2015-2020:

a) Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 796 công trình đầu mối thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác (Gồm 125 hồ chứa nước, 523 đập dâng, 10 đập/cống ngăn mặn và 138 trạm bơm) và tổng chiều dài hệ thống kênh mương 4.275 km (gồm: Kênh loại I, loại II dài 1.224 km; kênh loại III dài 3.051 km). Tổng năng lực tưới thiết kế của 796 công trình là 88.607 ha, năng lực tưới thực tế là 58.203 ha, đạt 65,7% so với năng lực thiết kế.

- Về công trình đầu mối hồ chứa nước: Có 03 hồ chứa có dung tích trên 10 triệu m3, 15 hồ có dung tích từ (1÷10) triệu m3, số còn lại có dung tích dưới 1 triệu m3; phần lớn các hồ chứa nước được xây dựng từ thập niên 90 trở về trước, từ năm 2000 đến nay đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp 68 hồ, còn 28 hồ chưa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, đang bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm năng lực theo thiết kế và an toàn công trình;

- Về hiện trạng kênh mương: Tổng chiều dài kênh đã kiên cố hóa là 2.278 km/4.275 km (chiếm tỷ lệ 53,3%); kênh mương chưa được kiên cố hóa khoảng 1.996 km (chiếm tỷ lệ 46,7%) là kênh đất bị sạt lở, bồi lắng, công trình trên kênh hư hỏng không bảo đảm tải nước tưới, cử tri đã nhiều lần phản ảnh;

- Về tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển: Hầu hết trên tất cả các sông, suối, bờ biển trên địa bàn tỉnh đều có nguy cơ sạt lở; tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển hiện nay diễn ra khá phức tạp, tốc độ sạt lở bờ biển bình quân từ 5-10 m/năm, có vùng lên đến hơn 30 m/năm; toàn tỉnh có khoảng 253 khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 217,3 km (gồm 199,7 km bờ sông và 17,6 km bờ biển), nhiều vị trí sạt lở cần thiết phải đầu tư kiên cố hóa. Hiện trạng toàn tỉnh có: 72,7 km đê (11,85 km đê sông; 60,8 km đê biển, đê cửa sông, đê ngăn mặn); 69,9 km kè (kè sông 61,0 km, kè biển 8,9 km) và 5,3 km kè mỏ hàn.

b) Tổng kinh phí đầu tư kết cấu hạ tầng thủy lợi giai đoạn 2015-2020 khoảng 4.626.377 triệu đồng, gồm:

- Đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp 135 công trình đầu mối thủy lợi (gồm 36 hồ chứa nước; 91 công trình là đập dâng, đập ngăn mặn; 08 trạm bơm) với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1.052.492 triệu đồng;

[...]