QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN
TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật
Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Giao
thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13/11/2008;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập,
phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày
11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP
ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể
phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày
01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị
định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BGTVT-BKHĐT
ngày 17/01/2012 của liên Bộ Giao thông vận tải - Kế hoạch và Đầu tư
hướng dẫn nội dung, trình tự lập quy hoạch tổng thể phát triển giao
thông vận tải cấp tỉnh;
Căn cứ Văn bản số 8181/BGTVT-KHĐT ngày
25/6/2015 của Bộ Giao thông vận tải về việc tham gia ý kiến thẩm định đồ án Quy
hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến
năm 2030;
Căn cứ Kết luận số 748-KL/TU ngày 18/5/2015
của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đồ án “Quy hoạch phát triển giao thông vận tải
tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;
Căn cứ Nghị quyết số 78/2015/NQ-HĐND ngày
27/7/2015 của HĐND tỉnh Bình Thuận khóa IX, kỳ họp thứ 11 về Quy hoạch phát
triển giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số
40/2012/QĐ-UBND ngày 27/9/2012 của UBND tỉnh Bình Thuận ban hành quy
định trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng
thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển ngành, lĩnh
vực và sản phẩm chủ yếu cấp tỉnh;
Căn cứ Quyết định số 1070/QĐ-UBND ngày
15/5/2013 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc phê duyệt đề cương, dự toán lập Quy
hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến
năm 2030;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông
vận tải tại Tờ trình số 2646/TTr-SGTVT ngày 14/8/2015 về việc phê duyệt Quy
hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến
năm 2030,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận
tải tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với các nội dung chủ
yếu như sau:
I. Quan điểm quy hoạch:
1. Phát triển giao thông vận tải là động
lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng,
thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập nhanh hơn với khu
vực, với cả nước; cần được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện và
xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vận tải phải đi trước một bước để thúc đẩy
các mặt của tỉnh phát triển nhanh và bền vững hơn.
2. Phát triển
giao thông vận tải phải phù hợp với chiến lược phát triển giao thông vận tải cả
nước và các quy hoạch chuyên ngành về giao thông vận tải; phù hợp với quy hoạch
tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và định hướng phát triển các ngành của
tỉnh, nhằm mục đích khai thác tốt và hợp lý mọi tiềm năng, thế mạnh của địa
phương.
3. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
vận tải phải theo hướng hiện đại, gắn với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học,
vật liệu mới, công nghệ mới... để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, trước
hết là vận tải đường bộ, đường biển, đường hàng không, nhằm đáp ứng yêu cầu
phát triển kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh, hạn chế tai nạn giao thông và giảm
thiểu tác động môi trường trong quá trình khai thác vận hành.
II. Mục tiêu phát triển:
1. Mục tiêu chung:
Từng bước xây dựng hệ thống giao thông
vận tải thống nhất, hiện đại, đồng bộ và liên hoàn, đảm bảo lưu
thông nhanh chóng, thuận tiện, an toàn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển
ngày càng tăng và đa dạng; phục vụ chiến lược phát triển về kinh tế
- xã hội của tỉnh, đảm bảo an ninh quốc phòng địa phương.
2. Mục tiêu cụ thể:
2.1. Về quy hoạch đường bộ:
a) Đến năm 2020:
- Quốc lộ: Đạt tiêu chuẩn đường cấp
I, tối thiểu đạt cấp III, nhựa hóa 100% theo Quy hoạch đã được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt;
- Đường tỉnh lộ: Nhựa hóa 100%
các tuyến đường hiện hữu, đạt từ cấp II - III, tối thiểu là cấp IV, chú ý
đúng mức đến các tuyến đường ven biển và hệ thống cầu để đảm bảo
lưu thông thông suốt;
- Đường huyện lộ: Nhựa hóa 100% các
tuyến đường hiện hữu, trong đó các tuyến đường huyện chủ yếu đạt cấp đường tối
thiểu là cấp V;
- Đường giao thông nông thôn: Có 65
xã đạt chuẩn tiêu chí giao thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;
- Giao thông đô thị: Xây dựng, cải
tạo, nâng cấp các đường phố chính tại thành phố Phan Thiết và các thị xã, thị
trấn trong tỉnh theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đường đô thị, chú ý đầu tư đồng
bộ hệ thống cấp thoát nước, cây xanh, cải tạo nút giao thông và hệ
thống đèn tín hiệu... Phấn đấu quỹ đất dành cho giao thông đô thị đạt
15-25% diện tích đô thị;
- Đảm
bảo mỗi huyện, thị xã, thành phố có tối thiểu 1 bến xe đạt yêu cầu
theo quy chuẩn quy định để đảm bảo tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển
hàng hóa của nhân dân.
b) Tầm nhìn đến năm 2030: Tiếp
tục hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, 100% xã đạt chuẩn tiêu chí giao thông
theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; hoàn thiện và phát triển hệ thống
đường tỉnh và đường huyện, đảm bảo đúng cấp tiêu chuẩn và đầu tư mở mới
một số tuyến đường nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chỉnh
trang đô thị.
2.2.
Về quy hoạch đường sắt, đường biển, đường sông, đường hàng không: Đảm
bảo thực hiện theo đúng các Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt.
2.3. Thúc đẩy phát triển
mạnh công nghiệp giao thông vận tải: Khuyến khích các thành phần kinh
tế tham gia đầu tư mở rộng, nâng cấp, hình thành một số cơ sở sửa
chữa, đóng mới phương tiện vận tải, cung cấp các dịch vụ kỹ thuật
cho ngành.
III. Nội dung Quy hoạch phát triển
giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
1. Quy hoạch mạng lưới đường bộ:
1.1. Cập nhật quy hoạch các tuyến quốc
lộ: Tuân thủ theo Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 của Thủ tướng Chính
phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường
bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đồng thời đảm bảo phù hợp
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận thời kỳ đến năm
2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 120/2009/QĐ-TTg
ngày 06/9/2009.
- Quốc lộ 1: Nâng cấp, mở rộng toàn tuyến
đi qua địa phận tỉnh đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp II, III (đoạn
Km1589+300 đến Km1720+800 đạt cấp II, đoạn Km1720+800 - Km1770+734 đạt cấp
III). Xây dựng cục bộ một số đoạn đường gom của tuyến đi qua địa phận tỉnh
Bình Thuận từ Km1589 +300 đến Km1770+734 nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ
Quốc lộ 1 (dọc hai bên), quy mô đầu tư 2 làn xe;
- Quốc lộ 28: Tiếp tục đầu tư mở rộng,
nâng cấp hoàn thiện xây dựng đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III. Xây dựng
cục bộ một số đoạn đường gom của tuyến đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận nằm
ngoài hành lang an toàn đường bộ (dọc hai bên), qui mô đầu tư 2 làn xe;
- Quốc lộ
55: Giai đoạn đến năm 2020, hoàn thiện nâng cấp đạt tối thiểu đường cấp III; giai
đoạn đến năm 2030 hoàn thành nâng cấp toàn tuyến đạt tối thiểu đường cấp II -
III. Xây dựng cục bộ một số đoạn đường gom của tuyến đi qua địa phận tỉnh Bình
Thuận nằm ngoài hành lang an toàn đường bộ (dọc hai bên), quy mô đầu tư 2 làn
xe;
- Quốc lộ 28B: Giai đoạn đến năm 2020,
đầu tư nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe; giai đoạn đến năm 2030,
tuỳ theo tình hình cụ thể sẽ tiếp tục nâng cấp một số đoạn đạt tiêu chuẩn đường
cấp II;
- Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông:
Tuân thủ theo Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 21/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông. Trong đó:
+ Đoạn Dầu Giây - Phan Thiết: Tổng chiều
dài 98,7km, cấp đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h; quy mô hoàn
chỉnh 6 làn xe, giai đoạn 1 xây dựng 4 làn xe; bề rộng nền đường hoàn chỉnh (33
- 35)m, mặt đường (22,5 - 27,5)m;
+ Đoạn Phan Thiết - Nha Trang: Tổng chiều
dài 226km, quy mô đầu tư (4 - 6 làn xe), thời gian xây dựng đến năm 2020.
- Nâng cấp đường tỉnh lên thành Quốc lộ:
Quy hoạch nâng cấp đường ĐT.766, đường ĐT.717 lên thành Quốc lộ.
1.2. Quy hoạch trục đường bộ ven biển:
Tuân thủ theo đúng quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam đã được Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 18/01/2010.
1.3. Quy hoạch hệ thống đường tỉnh: Phấn
đấu đến năm 2020, toàn hệ thống đường tỉnh được đưa vào cấp hạng kỹ thuật phù
hợp, kết cấu mặt đường được thảm bê tông nhựa, láng nhựa hoặc bê tông xi măng
100%. Xây dựng một số tuyến vào các khu công nghiệp, khu du lịch trọng điểm của
tỉnh; cải tạo, mở rộng các tuyến đường ở những khu vực cần thiết, bảo đảm phù
hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội.
1.4. Quy
hoạch hệ thống đường huyện: Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, đầu tư nâng cấp
các tuyến đường huyện hiện hữu đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp V.
1.5. Hệ thống đường đô thị: Trong
thời gian tới, đầu tư nhựa hóa và xây dựng vỉa hè, trồng cây xanh và dải phân
cách, trong đó phối hợp đồng bộ với các ngành khác như điện, nước để tạo thành
hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện, phát triển bền vững; các tuyến đường đô thị
đầu tư mới phải bố trí đất dự phòng.
1.6.
Quy hoạch hệ thống đường xã: Các tuyến đường trục chính xã ngoài khu vực đô
thị, thị tứ xem xét nâng cấp đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp A. Quy hoạch
dự kiến vào năm 2020, chiều dài hệ thống đường xã tăng lên từ 18 - 23% so với
hiện nay (tổng số km đường xã tăng thêm khoảng 499km,
tổng vốn đầu tư khoảng 250 tỷ đồng).
1.7. Quy hoạch hệ thống đường trong thành
phố Phan Thiết: Nâng cấp, cải tạo hệ thống đường hiện có, phấn đấu đến
năm 2020 tỷ lệ mặt đường nội thành được thảm bê tông nhựa đạt trên 95%. Trong
giai đoạn từ nay đến năm 2020, cùng với quá trình làm mới, cải tạo nâng cấp
các tuyến đường hiện hữu; cải tạo các nút giao thông, lắp đặt hệ thống tín hiệu
điều khiển giao thông để tăng cường hơn nữa sự bảo đảm trật tự an toàn giao thông
đô thị thì nhất thiết phải mở rộng, nối dài, làm mới thêm các trục đường quan trọng,
từ đó sẽ hình thành được mạng lưới giao thông liên hoàn, kết nối đồng bộ, với
các trục giao thông chính sau:
- Trục dọc:
+ Trục thứ nhất: Trục đường Trường Chinh
(Quốc lộ 1) là trục đối ngoại chính của thành phố Phan Thiết theo trục Bắc -
Nam;
+ Trục thứ hai: Trục đường Trần Quý Cáp,
Trần Hưng Đạo, đường 19-4 là trục dọc trung tâm thành phố Phan Thiết. Mở rộng
đường Trương Văn Ly phục vụ kết nối sân bay Căng Êsepic vào khu vực nội thành;
+ Trục thứ ba: Trục đường Tôn Đức Thắng
có vai trò chia sẻ lượng giao thông trên trục chính đường Trần Hưng Đạo, đi qua
trung tâm khu Bắc Phan Thiết, đồng thời giữ vai trò kết nối cảng vận tải Phan
Thiết với đường Quốc lộ 1;
+ Trục thứ tư: Trục ven biển quốc gia
(ĐT.716, ĐT.706B, ĐT.719, ĐT.719B, đường Thủ Khoa Huân) là động lực thúc đẩy phát
triển du lịch của Phan Thiết, mở ra triển vọng khai thác quỹ đất. Đồng thời đây
cũng là tuyến kết nối Phan Thiết và khu vực lân cận với sân bay Phan Thiết sau
này.
- Trục ngang: Gồm các trục đường Nguyễn
Tất Thành, Lê Duẩn, Hùng Vương, Trần Phú, cầu và đường Nguyễn Văn Linh, Từ Văn
Tư, Hải Thượng Lãn Ông, trục đường ven sông Cà Ty giữ vai trò trung tâm
thành phố Phan Thiết với đường Quốc lộ 1 và đường ven biển (du lịch) quốc gia.
* Quy mô đầu tư các tuyến đường,
đoạn đường qua địa bàn thành phố Phan Thiết thực hiện theo Quy hoạch
xây dựng đô thị thành phố Phan Thiết đã được cấp có thẩm quyền phê
duyệt và có cân nhắc phân kỳ đầu tư hợp lý theo khả năng cân đối của ngân sách.
1.8. Mạng lưới đường bộ sau quy hoạch:
Nếu thực hiện theo đúng lộ trình của đồ án quy hoạch thì hệ thống đường bộ của
tỉnh sẽ được cải thiện rõ rệt. Tổng chiều dài của hệ thống đường bộ tăng thêm
1.713,25km; mật độ đường tăng từ 0,68km/km2 lên 0,89 km/km2
và 4,42 km/1.000 người lên 4,95km/1.000 người. Hoàn chỉnh các trục dọc,
trục ngang kết nối giao thông thông suốt, liên hoàn, tạo động lực thúc đẩy
kinh tế phát triển, cải thiện đáng kể nhu cầu đi lại, an sinh xã hội, chỉnh
trang đô thị và an ninh quốc phòng của địa phương.
1.9. Công
tác duy tu, bảo dưỡng đường bộ: Công tác duy tu, bảo trì đường bộ tuân thủ theo
đúng các quy định của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải về quy định quản lý và
bảo trì đường bộ; đổi mới trong quản lý điều hành, thực hiện quản lý
và bảo dưỡng thường xuyên đường bộ theo đề án đã được Bộ Giao thông
vận tải phê duyệt.
2. Quy hoạch mạng lưới đường sắt:
Tuân thủ theo Quyết định số 214/QĐ-TTg ngày 10/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ
về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường
sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và Quyết định số 1436/QĐ-TTg
ngày 10/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể
phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn
đến năm 2030.
Quy hoạch một hệ thống đường sắt phục
vụ khai thác bôxit chạy qua địa phận tỉnh Bình Thuận đến cảng biển Vĩnh Tân. Mở
mới một số tuyến nhánh vào các khu công nghiệp lớn kết nối với hệ thống đường sắt
quốc gia và hệ thống cảng biển; đặc biệt, tại khu vực cảng Vĩnh Tân cần được
đầu tư hệ thống tàu điện để phục vụ nhu cầu đi lại.
3. Quy hoạch mạng lưới đường biển:
Quy hoạch theo hướng đa mục tiêu vừa tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã
hội các vùng ven biển, khai thác tiềm năng kinh tế biển, vừa là nơi tránh trú
bão an toàn cho tàu thuyền trong khu vực.
- Hệ thống cảng biển: Tuân thủ Quy hoạch
được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày
24/6/2014 điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm
2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, Cảng Bình Thuận là cảng tổng hợp địa
phương (Loại II) sẽ kết nối đồng bộ với hệ thống cảng biển trên toàn quốc, đảm
bảo thông qua toàn bộ hàng hóa xuất, nhập khẩu của tỉnh, nhất là hàng hóa của
các khu công nghiệp và giao lưu giữa các vùng, miền trong cả nước bằng đường
biển, theo quy hoạch phát triển gồm các bến cảng sau:
+ Bến cảng Phan Thiết là bến cảng
tổng hợp cho tàu trọng tải từ 2.000 đến 3.000 tấn;
+ Bến cảng Phú Quý (huyện đảo Phú Quý)
là bến cảng tổng hợp địa phương cho tàu trọng tải 2.000 tấn;
+ Bến cảng Vĩnh Tân là bến cảng chuyên
dùng của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, nơi tiếp nhận trung chuyển than cung ứng
cho một số nhà máy nhiệt điện sẽ xây dựng ở Nam Trung Bộ và có thể ở đồng bằng
sông Cửu Long; tiếp nhận tàu chở hàng rời chuyên dùng trọng tải từ 30.000 đến
200.000 tấn. Bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân nằm ngoài Trung tâm Điện lực
Vĩnh Tân tiếp nhận tàu có trọng tải đến 30.000 tấn;
+ Bến cảng Sơn Mỹ là bến cảng chuyên dùng
cho khí hóa lỏng, phục vụ cụm kho khí thiên nhiên hóa lỏng, Trung tâm nhiệt
điện Sơn Mỹ; tiếp nhận tàu trọng tải từ 30.000 đến 100.000 tấn;
+ Bến cảng Sông Dinh (thị xã La
Gi): Thực hiện các thủ tục, hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ
sung vào Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam theo quy định
và triển khai đầu tư xây dựng.
- Hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa
bằng đường biển: Tập trung phát triển năng lực vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu;
vận tải tuyến ven biển Bắc - Nam; vận tải hàng hóa và hành khách từ
đất liền ra các đảo xa bờ. Đẩy mạnh phát triển chuỗi sản phẩm vận tải và du
lịch đường biển, nâng cao năng lực tiếp nhận tàu chở khách du lịch đồng thời
tăng cường khả năng kết nối thuận tiện đến các điểm du lịch trên đất liền. Trong
đó cần tập trung:
+ Tuyến vận tải ven biển kết nối Bình
Thuận với các tỉnh từ Quảng Ninh tới Kiên Giang: Tập trung phát triển kết nối các
phương thức vận tải giữa hệ thống cảng biển với bến cảng thủy nội địa, nhằm nâng
cao năng lực vận tải, nâng cao hiệu quả kinh tế (do vận chuyển được khối lượng
hàng hóa lớn với cự ly vận chuyển xa,
cước phí vận chuyển thấp); giảm tải cho đường bộ, giảm tai nạn giao thông; tăng
nguồn thu cho ngân sách nhà nước từ nguồn thu phí, lệ phí, bảo đảm an ninh quốc
phòng;
+ Tuyến đường biển Phan Thiết - Phú Quý:
Nâng cao năng lực vận tải của đội tàu biển trên tuyến, trước mắt hoàn thành
đóng mới 01 tàu khách tuyến Phan Thiết - Phú Quý, đồng thời xã hội hóa kêu gọi
đầu tư nâng cấp về chất lượng, số lượng đội tàu hiện có, nhằm đáp ứng nhu cầu
vận tải hàng hóa, hành khách giữa đảo và đất liền và đảm bảo an ninh quốc phòng;
+ Quy hoạch cảng du thuyền: Để tạo điều
kiện thuận lợi phát triển ngành du lịch, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế du
lịch biển, quy hoạch cảng du thuyền tại khu vực phường Mũi Né, Hàm Tiến, khu
vực cửa sông Cà Ty và một số khu vực khác khi điều kiện cho phép;
+ Quy hoạch khai thác thủy phi cơ: Kêu
gọi đầu tư khai thác thủy phi cơ phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh với vị trí
cất hạ cánh trên vùng biển ven bờ khu vực Hàm Tiến, Mũi Né, Đồi Dương và Bàu
Trắng.
4. Quy hoạch hệ thống giao thông đường
thủy nội địa: Thực hiện theo Quyết định số 13/2008/QĐ-BGTVT ngày 06/8/2008 của
Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể
phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020.
5. Quy hoạch phát triển giao thông vận
tải hàng không: Tuân thủ theo Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 08/01/2009 của Thủ
tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng
không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
- Đầu tư xây dựng mới sân bay Phan Thiết,
tại xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết theo quy hoạch được Bộ Giao thông vận
tải phê duyệt tại Quyết định số 3216/QĐ-BGTVT ngày 16/10/2013 quy hoạch sân bay
Phan Thiết giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 là sân bay dân sự
cấp 4C - sân bay quân sự cấp I:
+ Đến năm 2020: Xây dựng 01 đường cất
hạ cánh vật liệu 2.400m x 45m, 01 đường cất hạ cánh bằng đất 2.400m x 100m phục
vụ máy bay quân sự trong tình huống khẩn cấp; nhà ga hành khách diện tích
5.000m2, công suất phục vụ 300 hành khách/giờ cao điểm; diện tích sử
dụng đất 360,33ha;
+ Đến năm 2030: Kéo dài đường cất hạ cánh
đạt kích thước 3.050m x 45m; nhà ga hành khách diện tích 10.000m2, công
suất phục vụ 500 hành khách/giờ cao điểm; diện tích sử dụng đất 543ha.
- Nâng cấp sân bay Phú Quý đạt cấp 3,
với chức năng lưỡng dụng để phục vụ phát triển kinh tế (du lịch, dịch vụ dầu khí,
tìm kiếm cứu hộ cứu nạn) và quốc phòng;
- Xây dựng nâng cấp, mở rộng sân bay Căng
Êsepic phục vụ nhu cầu quốc phòng tìm kiếm cứu nạn.
6. Quy hoạch cảng nội địa ICD: Bám
sát tiêu chí lập quy hoạch cảng cạn đã được xác định tại Quyết
định số 47/2014/QĐ-TTg ngày 27/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ để bố
trí quỹ đất phù hợp và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự kiến
thành lập một cảng nội địa ICD tại huyện Hàm Thuận Nam với quy mô 142.686 m2,
chức năng chính là điểm thông quan nội địa (ICD) phục vụ công tác xuất
nhập khẩu thông qua các cảng phía Nam.
7. Quy hoạch phát triển hệ thống vận tải:
7.1. Quy hoạch phát triển các phương thức
vận tải:
- Vận tải đường hàng không: Thực hiện
theo Quyết định số 3216/QĐ-BGTVT ngày 16/10/2013 của Bộ Giao thông vận tải về việc
phê duyệt quy hoạch sân bay Phan Thiết giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến
năm 2030 là sân bay dân sự cấp 4C - sân bay quân sự cấp I;
- Vận tải đường thủy: Nâng cấp, đầu tư
có chiều sâu và phát huy hiệu quả đội tàu vận tải hàng hóa, hành khách nối từ
đất liền ra đảo Phú Quý và vận tải ven biển đến các tỉnh lân cận;
- Vận tải đường bộ:
+ Phương tiện vận tải: Tập trung phát
triển các loại phương tiện mới phù hợp với mạng lưới hạ tầng giao thông hiện
có; thực hiện tốt công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới để đảm bảo an
toàn vận tải;
+ Vận tải hành khách cố định: Phát triển
kết nối đến các xã vùng sâu, vùng xa đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của người
dân địa phương;
+ Về vận tải hành khách công cộng bằng
xe buýt: Thực hiện theo Quyết định số 2049/QĐ-UBND ngày 18/10/2012 của UBND
tỉnh Bình Thuận về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công
cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Bình
Thuận. Theo đó, đến năm 2020 ngoài 09 tuyến đang hoạt động khai thác, quy hoạch
mở mới thêm 07 tuyến để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân;
+ Vận tải hành khách bằng xe taxi: Thực
hiện theo Quyết định số 723/QĐ-UBND ngày 05/03/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình
Thuận về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi
trên địa bàn tỉnh Bình Thuận từ năm 2014 đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm
2030;
+ Vận tải hành khách bằng xe 04 bánh
có động cơ: Có chính sách quan tâm, đầu tư hệ thống xe 04 bánh chạy bằng năng
lượng điện hoặc chạy bằng động cơ xăng phục vụ tại các khu đô thị, khu du
lịch trên địa bàn tỉnh khi có nhu cầu và trong điều kiện cho phép.
7.2. Quy hoạch phát triển các công trình
phục vụ vận tải đường bộ:
- Bến xe khách: Tiếp tục đầu tư nâng cấp
10 bến xe khách hiện hữu và đầu tư mới 03 bến xe khách trên địa bàn tỉnh nhằm
phục vụ nhu cầu vận tải nội tỉnh và liên tỉnh. Cụ thể:
+ Bến xe loại 2: Bắc Phan Thiết và
Hàm Tân;
+ Bến xe loại 3: Nam Phan Thiết, La Gi,
Đức Linh, Tánh Linh và Mũi Né;
+ Bến xe loại 4: Phan Rí, Liên Hương,
Bắc Bình, Bắc Ruộng, Đa Mi và Hàm Thuận Nam.
- Bến xe tải: Quy hoạch xây dựng mới 02
bến xe tải:
+ Bến xe tải Liên Hương: Nằm trong bến
xe khách Liên Hương (sau khi mở rộng);
+ Bến xe tải Phan Thiết: Nằm trong bến
xe khách trung tâm của tỉnh (quy hoạch gần ga Phan Thiết).
- Trạm dừng
nghỉ: Thực hiện theo Quyết định số 2799/QĐ-UBND ngày 25/8/2014 của UBND tỉnh
Bình Thuận về việc phê duyệt vị trí các điểm dừng xe đón, trả khách trên tuyến
cố định trên các quốc lộ và tỉnh lộ thuộc địa bàn tỉnh Bình Thuận;
- Quy hoạch trung tâm đào tạo, sát
hạch lái xe: Thực hiện theo Văn bản số 3229/UBND-ĐTQH ngày 14/8/2013 của UBND
tỉnh Bình Thuận về việc Quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch
lái xe cơ giới đường bộ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Theo đó:
+ Về cơ sở đào tạo: Ngoài số lượng các
cơ sở đào tạo đang hoạt động và đã có chấp thuận chủ trương, quy hoạch phát triển
bổ sung thêm gồm 03 cơ sở đào tạo lái xe hạng A1 (tại thành phố Phan Thiết,
thị xã La Gi và huyện Hàm Tân); 02 cơ sở đào tạo lái xe ô tô hạng B1, B2,
C (huyện Tuy Phong và Đức Linh); nâng cấp 02 cơ sở đào tạo lái xe ô tô để bổ
sung thêm đào tạo hạng E;
+ Về Trung tâm sát hạch lái xe: Ngoài
số lượng Trung tâm đang hoạt động và đã có chấp thuận chủ trương, quy hoạch phát
triển bổ sung thêm 02 Trung tâm Sát hạch lái xe loại 3 (thành phố Phan Thiết
và thị xã La Gi) và nâng cấp Trung tâm Sát hạch lái xe loại 2 thành Trung
tâm Sát hạch lái xe loại 1.
- Quy hoạch Trung tâm Đăng kiểm xe cơ
giới: Đầu tư lắp đặt thêm 01 dây chuyền theo quy hoạch của ngành tại thành phố
Phan Thiết và quy hoạch mới thêm 03 Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tại huyện
Hàm Thuận Nam, thị xã La Gi và huyện Phú Quý.
7.3. Quy hoạch công nghiệp giao thông
vận tải:
- Cơ khí chế tạo: Tập trung củng cố, nâng
cấp các cơ sở hiện có; đầu tư thay thế những thiết bị cũ bằng thiết bị tiên
tiến, hiện đại… Tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề cho lao động công nghiệp tại
địa phương;
- Kiểm định xe cơ giới: Đảm bảo đủ năng
lực hoạt động phục vụ nhu cầu kiểm định phương tiện vận tải đường bộ và xe máy
phục vụ thi công công trình trên địa bàn tỉnh;
- Công nghiệp vật liệu xây dựng giao thông
vận tải: Phát triển cả về số lượng, chất lượng và chủng loại; đáp ứng được cơ
bản nhu cầu tại chỗ, các khu vực lân cận, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững,
cảnh quan môi trường và phục vụ cho công tác quản lý ngành trên địa bàn trong
thời gian tới;
- Cơ sở dạy nghề: Hình thành các trung
tâm phục vụ cho đào tạo nguồn nhân lực điều khiển phương tiện vận tải đường
bộ, bảo dưỡng sửa chữa các loại phương tiện cơ giới và đào tạo công nhân kỹ
thuật cho xây dựng công trình giao thông.
IV. Nhu cầu vốn đầu tư và phân kỳ đầu
tư:
Tổng mức vốn đầu tư cho toàn hệ thống
giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận đến năm 2030 ước khoảng 59.341 tỷ đồng (chưa
bao gồm mức đầu tư xây dựng đường cao tốc qua địa phận tỉnh). Trong đó:
- Giai đoạn từ 2014 - 2015: Tổng số vốn
đầu tư ước khoảng 11.398 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách Trung ương 6.639
tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 725 tỷ đồng, vốn vay tín dụng ưu
đãi 384 tỷ đồng, vốn xã hội hóa 3.650 tỷ đồng;
- Giai đoạn từ 2016 - 2020: Tổng số vốn
đầu tư ước khoảng 19.121 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách Trung ương 10.938
tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 1.885 tỷ đồng, vốn vay tín dụng ưu
đãi 1.942 tỷ đồng, vốn xã hội hóa 4.356 tỷ đồng;
- Giai đoạn từ 2021 - 2030: Tổng số vốn
đầu tư ước khoảng 28.822 tỷ đồng, trong đó: Vốn ngân sách Trung ương 17.924
tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 2.541 tỷ đồng, vốn vay tín dụng ưu
đãi 4.484 tỷ đồng, vốn xã hội hóa 3.873 tỷ đồng;
Cơ cấu nguồn vốn như sau: Ngân sách Trung
ương 35.501 tỷ đồng (chiếm 59,83%), nguồn vốn ngân sách địa phương 5.152 tỷ
đồng (chiếm 8,68%), nguồn vốn vay tín dụng 6.810 tỷ đồng (chiếm 11,48%), các
nguồn vốn xã hội hóa 11.878 tỷ đồng (chiếm 20,02%).
V. Cơ chế chính sách và giải pháp thực
hiện:
1. Giải pháp thực hiện và chính
sách quản lý Quy hoạch:
- Trên cơ sở nội dung Quy hoạch được phê
duyệt, Sở Giao thông vận tải tổ chức xây dựng kế hoạch cụ thể, xác
định rõ từng công trình, phần việc; công bố công khai quy hoạch; giành
quỹ đất hợp lý để mở rộng, nâng cấp các công trình giao thông theo
quy hoạch;
- Có chính sách ưu tiên, tập trung đầu
tư các công trình giao thông vào những khu vực và vào những vùng trọng điểm
để phát huy ngay hiệu quả kinh tế - xã hội, tránh đầu tư dàn trải; đồng thời,
chú ý đầu tư các công trình giao thông ở vùng sâu, vùng xa đảm bảo
giao thông thông suốt, thuận tiện an toàn;
- Phát triển giao thông vận tải
phải trên cơ sở huy động tốt nguồn lực của các thành phần kinh tế;
ngoài nguồn lực từ ngân sách nhà nước (Trung ương và địa phương), quan
tâm thực hiện tốt việc huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp, tổ chức
kinh tế và trong nhân dân; vốn hợp tác khác trong và ngoài nước... để
đầu tư phát triển giao thông vận tải. Có cơ chế chính sách phù hợp
để thu hút đầu tư hạ tầng giao thông, phương tiện vận tải và thực hiện
tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tạo điều kiện đẩy nhanh tiến
độ thi công các công trình.
2. Giải pháp hội nhập kinh tế
quốc tế: Với mục tiêu xây dựng và phát triển tỉnh Bình Thuận trở thành
trung tâm năng lượng, trung tâm chế biến quặng sa khoáng ti tan, trung tâm du
lịch - thể thao biển; cần có những giải pháp hiệu quả, kịp thời để đáp ứng được
yêu cầu phát triển của tỉnh như: Phát triển hạ tầng giao thông đối ngoại, phát
triển phương tiện vận tải, chất lượng dịch vụ và công nghệ xếp dỡ đồng bộ, có
tiêu chuẩn phù hợp với các nước trong khu vực và quốc tế. Hình thành các tập
đoàn đủ mạnh để có thể hội nhập và cạnh tranh; sử dụng các dây chuyền sản xuất
vật liệu xây dựng, cấu kiện thành phẩm, bán thành phẩm hiện đại, nâng cao
trình độ công nhân lành nghề, cán bộ quản lý trong sản xuất công nghiệp, thi
công các công trình giao thông vận tải.
3. Các giải pháp thu hút vốn:
- Tranh thủ nguồn vốn đầu tư từ Trung
ương và nguồn ngân sách địa phương. Cụ thể: Vốn Trung ương hỗ trợ có mục
tiêu, trái phiếu Chính phủ, vốn vay tín dụng ưu đãi, vốn ngân sách tập
trung của tỉnh, vốn vượt thu xổ số kiến thiết, ...;
- Vốn từ nguồn khai thác quỹ
đất;
- Huy động từ các nguồn vốn
viện trợ từ nước ngoài, các chương trình, dự án ODA;
- Thu hút nguồn vốn đầu tư từ các doanh
nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân thông qua các hình thức hợp tác đầu tư, trước
hết tập trung phát triển phương tiện vận tải và xây dựng kết cấu hạ
tầng giao thông;
- Thu hút nguồn vốn xây dựng các tuyến
giao thông huyết mạch theo hình thức đối tác công tư (PPP) như các dự án BOT,
BT, BTO;
- Đối với phát triển giao thông
nông thôn: Khuyến khích đầu tư xây dựng theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà
nước hỗ trợ”, tranh thủ các nguồn vốn từ các dự án thuộc chương trình mục
tiêu quốc gia về phát triển nông thôn mới.
4. Chính sách quản lý nhà nước
về giao thông vận tải:
4.1. Phát triển giao thông vận tải theo
Quy hoạch:
Căn cứ chiến lược, quy hoạch phát triển
chuyên ngành giao thông vận tải được Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch tổng thể
phát triển giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm
2030 được UBND tỉnh phê duyệt, Sở Giao thông vận tải tổ chức xây dựng kế
hoạch ngắn hạn và trung hạn cho việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông
vận tải trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo các dự án đầu tư, cải tạo nâng cấp các
tuyến đường, công trình phục vụ vận tải phù hợp với quy hoạch được phê duyệt và
Luật Đầu tư công; triển khai có hiệu quả đề án Phát triển giao thông nông thôn trên
địa bàn các huyện, thị xã để đảm bảo khả năng nối kết và giao thông thông suốt
từ tỉnh đến huyện, từ huyện đến xã; phục vụ có hiệu quả cho sự phát triển kinh
tế - xã hội của tỉnh.
Ưu tiên tập trung đầu tư các công trình
giao thông ở những khu vực và những vùng trọng điểm để phát huy ngay hiệu
quả kinh tế - xã hội, tránh đầu tư dàn trải; đồng thời, chú ý đầu tư các
công trình giao thông ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo đảm bảo giao thông
thông suốt, thuận tiện, an toàn.
4.2. Các giải pháp, chính sách đổi mới
tổ chức quản lý, cải cách hành chính:
Sắp xếp lại các đơn vị quản lý theo mô
hình chức năng, tách chức năng quản lý Nhà nước với quản lý sản xuất kinh doanh,
tinh gọn bộ máy quản lý. Đẩy mạnh chương trình cổ phần hóa, thực hiện chủ
trương giao, bán, khoán kinh doanh và cho thuê doanh nghiệp Nhà nước. Khuyến
khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các dịch vụ công như xây dựng
và bảo trì cơ sở hạ tầng giao thông, môi trường giao thông đô thị.
4.3. Ứng dụng khoa học kỹ thuật:
Triển khai áp dụng các quy trình quy phạm
trong xây dựng, quản lý bảo trì công trình giao thông; khuyến khích áp dụng
công nghệ, vật liệu mới vào xây dựng; áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý,
điều hành; xây dựng các trung tâm kiểm định, quản lý chất lượng công trình.
4.4. Chính sách phát triển nguồn nhân
lực:
Thực hiện chương trình đào tạo và đào
tạo lại để nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân lành
nghề. Áp dụng chế độ tuyển dụng công khai thông qua thi tuyển, thử việc.
4.5. Chính sách phát triển vận tải:
- Kêu gọi xã hội hóa để đầu tư
xây dựng hệ thống bến xe, trạm dừng nghỉ, trung tâm kiểm định xe cơ giới,
trung tâm đào tạo sát hạch lái xe, trung tâm sửa chữa bảo trì xe..;
- Tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh,
bình đẳng giữa các doanh nghiệp, khuyến khích mọi thành phần kinh tế và cá
nhân tham gia đầu tư đổi mới và hiện đại hóa các phương tiện vận tải
đảm bảo tiện nghi, an toàn và bảo vệ môi trường; nâng cao tiêu chuẩn
kỹ thuật về an toàn, xây dựng hệ thống giá cước hợp lý;
- Phát triển đa dạng các dịch vụ vận tải,
đảm bảo nhanh chóng, an toàn, tiện lợi, tiết kiệm chi phí xã hội;
- Chính sách hỗ trợ, ưu tiên phát triển
vận tải hành khách công cộng. Ưu tiên phát triển vận tải đa phương thức và dịch
vụ logistic.
Điều 2. Tổ chức
thực hiện quy hoạch
1. Sở Giao thông vận tải chủ trì phối
hợp các sở ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã La Gi, thành phố Phan Thiết
triển khai công bố công khai Quy hoạch và quản lý, thực hiện Quy hoạch theo quy
định hiện hành của Nhà nước. Trong quá trình thực hiện cần tiến hành xem xét,
đánh giá để kịp thời điều chỉnh bổ sung cho phù hợp cho yêu cầu phát triển của
từng giai đoạn quy hoạch.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính,
Sở Giao thông vận tải và các ngành liên quan xác định nguồn vốn đầu tư, xây
dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để quy hoạch được triển khai đồng bộ, đúng
tiến độ.
3. UBND các huyện, thị xã La Gi, thành
phố Phan Thiết căn cứ cấp đường của các tuyến đường thuộc địa bàn quản lý theo
quy hoạch được duyệt, phối hợp với các sở ngành, đơn vị có liên quan tổ chức
thực hiện công tác quản lý hành lang an toàn và quản lý kết cấu hạ tầng giao
thông đường bộ theo quy định hiện hành của pháp luật.
Điều 3. Quyết định này có hiệu
lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 5196 QĐ/CT-UBBT ngày 17/12/2004 của
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển Giao thông
vận tải tỉnh Bình Thuận (giai đoạn 2004 - 2010 và định hướng đến năm 2020).
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch
và Đầu tư, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở
Xây dựng, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố, thủ trưởng các cơ quan,
đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.