Quyết định 2220/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án "Nâng cao đời sống công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2022-2026"

Số hiệu 2220/QĐ-UBND
Ngày ban hành 22/11/2022
Ngày có hiệu lực 22/11/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Vũ Chí Giang
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2220/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 22 tháng 11 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “NÂNG CAO ĐỜI SỐNG CÔNG NHÂN, NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG CÁC KHU, CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC, GIAI ĐOẠN 2022 - 2026”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung ngày 22/11/2019;

Căn cứ Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống cho công nhân lao động;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025;

Căn cứ Quyết định số 529-QĐ/TU ngày 11/01/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị;

Theo đề nghị của Liên đoàn Lao động tỉnh tại Tờ trình số 23/TTr-LĐLĐ ngày 07/11/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Nâng cao đời sống công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2022 - 2026”(có Đề án kèm Quyết định này).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh; Các tổ chức đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Chí Giang

 

ĐỀ ÁN

NÂNG CAO ĐỜI SỐNG CÔNG NHÂN, NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG CÁC KHU, CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2022 – 2026
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2220/QĐ-UBND ngày 22 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Là một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng Bắc Bộ, Vĩnh Phúc được tái lập với xuất phát điểm là nền kinh tế quy mô nhỏ, chủ yếu dựa vào nông nghiệp, mức sống của người dân thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao phải nhận hỗ trợ từ ngân sách Trung ương. Trước thực trạng đó, mục tiêu xuyên suốt và nhất quán trong các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh từ khi tái lập tỉnh đến nay là lựa chọn con đường đổi mới để phát triển, ngay từ Đại hội XII (1997) đã xác định: Tập trung phát triển công nghiệp, coi công nghiệp là nền tảng, động lực để phát triển; nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tăng cường cải thiện môi trường đầu tư; huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Sau 25 năm tái lập, tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đáng ghi nhận: Tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh giai đoạn 2016 - 2021 ước đạt 7,1%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước; năm 2021, tuy chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song GRDP của tỉnh vẫn tăng 8,02% so với năm 2020, đứng thứ 9 cả nước, ước đạt 136, 2 nghìn tỷ đồng (theo giá hiện hành), đưa giá trị GRDP bình quân đầu người lên 114,2 7 triệu đồng/người (tăng 8,8 triệu đồng/người, tương đương tăng 8,30% so với năm 2020); Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 32.000 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Năm 2021, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 63,74%, ngành dịch vụ chiếm 28,43%, ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 7,83%.

Đóng góp vào sự phát triển vượt bậc về kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc trong những năm qua có vai trò to lớn của đội ngũ công nhân lao động, đặc biệt là đội ngũ công nhân lao động trong các khu, cụm công nghiệp. Số liệu thống kê cho thấy công nhân lao động (CNLĐ) trong các khu, cụm công nghiệp đang đóng góp trên 70% tổng thu ngân sách của tỉnh.

Mặc dù trong những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều Nghị quyết, cơ chế, chính sách quan tâm nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của CNLĐ. Tuy vậy, đời sống của CNLĐ, nhất là CNLĐ trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản còn nhiều khó khăn, tiền lương và thu nhập chưa đáp ứng được các nhu cầu tối thiểu của cuộc sống; CNLĐ phải trang trải nhiều các khoản tiền như: thuê nhà, điện, nước, đi lại, nuôi con, học phí…trong khi giá xăng và chi phí tiêu dùng, sinh hoạt hàng ngày đều tăng cao…nhu cầu về nhà ở, các dịch vụ công cho CNLĐ, trường học cho con CNLĐ là rất lớn…Sau hơn hai năm chịu sự tác động của dịch bệnh Covid-19, đời sống của một bộ phận công nhân càng khó khăn hơn.

Trong thời gian tới, số lượng CNLĐ trong các khu, cụm công nghiệp tiếp tục tăng, theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 phấn đấu mỗi năm thu hút từ 16.000 đến 20.000 CNLĐ, dự kiến đến năm 2030 khoảng 450 nghìn CNLĐ. Do vậy, nếu không ban hành cơ chế chính sách để quan tâm, chăm lo cho CNLĐ, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ không cạnh tranh được với các địa phương khác về thu hút nguồn nhân lực và người lao động, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Do đó, Đề án “Nâng cao đời sống công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2022 - 2026” là hết sức cần thiết, để làm căn cứ xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách của tỉnh góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

II. CÁC CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Căn cứ chính trị - pháp lý

1.1. Văn bản của Đảng

[...]