Quyết định 22/2005/QĐ-UB thành lập Ban quản lý Dự án phân cấp giảm nghèo tỉnh Quảng Bình

Số hiệu 22/2005/QĐ-UB
Ngày ban hành 12/04/2005
Ngày có hiệu lực 22/04/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Phan Lâm Phương
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/2005/QĐ-UB

Đồng Hới, ngày 12 tháng 4 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V THÀNH LẬP BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN PHÂN CẤP GIẢM NGHÈO TỈNH QUẢNG BÌNH

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

- Căn cứ Hiệp định vay vốn cho Dự án phân cấp giảm nghèo tỉnh Quảng Bình và tỉnh Hà Giang do Chính phủ Việt Nam và Tổ chức IFAD ký ngày 15/02/2005;

- Căn cứ Thông báo kết luận số 1303/TB-UB ngày 04/04/2005 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tại phiên họp Thường vụ Tỉnh uỷ lần thứ 91;

- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Bình tại Công Văn số 283/SNV ngày 05/4/2005,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: - Thành lập Ban quản lý Dự án phân cấp giảm nghèo trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình kể từ ngày ký quyết định.

- Ban quản lý Dự án là đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và ban chỉ đạo Dự án tỉnh về công tác quản lý, thực thi tổng thể Dự án theo nội dung Hiệp định đã được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với tổ chức IFAD và các tổ chức đồng tài trợ khác; đồng thời thực hiện đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và quy chế tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo Dự án tỉnh.

- Ban quản lý Dự án tỉnh có tư cách pháp nhân, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng Thương mại trên địa bàn tỉnh để hoạt động.

- Văn phòng của Ban quản lý Dự án tỉnh đặt tại Thành phố Đồng Hới - tỉnh Quảng Bình.

Điều 2: Nhiệm vụ:

1. Tổng hợp kế hoạch công tác, kế hoạch ngân sách 5 năm, hàng năm, hàng quý của Ban hỗ trợ Dự án ngành, Ban chỉ đạo Dự án từ cấp huyện đến cấp xã, báo cáo Ban chỉ đạo Dự án tỉnh thông qua để trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt trước khi trình Bộ kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các tổ chức tài trợ và các tổ chức giám sát Dự án; căn cứ kế hoạch công tác và kế hoạch ngân sách được duyệt, lập tiến độ thực thi Dự án và kiểm tra, đôn đốc các Ban hỗ trợ Dự án ngành, Ban quản lý Dự án cấp huyện, cấp xã triển khai thực hiện đúng kế hoạch và tiến độ đã đề ra.

2. Chủ trì lập kế hoạch đấu thầu và tổ chức đấu thầu các dịch vụ tư vấn và mua sắm phương tiện, thiết bị cho toàn bộ Dự án theo kế hoạch hàng năm, đúng quy định của tổ chức tài trợ và phù hợp với các quy định về đấu thầu của Nhà nước;

Căn cứ các quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của Uỷ ban nhân dân tỉnh để tiến hành ký kết các hợp đồng tư vấn và mua sắm phương tiện, thiết bị; thực hiện các thủ tục ứng vốn, nghiệm thu, thanh quyết toán hợp đồng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

3. Chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng đúng mục đích các nguồn vốn cấp cho Dự án thông qua các tài khoản của Dự án, đảm bảo nguyên tắc quản lý tài chính hiện hành và phù hợp với nội dung Hiệp định đã được ký kết với các tổ chức tài trợ; căn cứ kế hoạch công tác và ngân sách hàng năm để phân bổ cho các Ban hỗ trợ dự án ngành và Ban quản lý Dự án cấp huyện, cấp xã theo nội dung công việc được phân cấp và theo tiến độ đề ra; chịu trách nhiệm điều phối có hiệu quả và hợp lý các nguồn vốn tài trợ, vốn đối ứng trong quá trình thực thi Dự án; hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra các Ban hỗ trợ Dự án ngành, Ban quản lý dự án cấp dưới thực hiện đúng chế độ kế toán, báo cáo tài chính theo đúng quy định.

4. Chịu trách nhiệm chuẩn bị đơn rút vốn bổ sung tài khoản đặc biệt, công văn đề nghị rút vốn và các thủ tục cần thiết để trình Bộ Tài chính ký gửi các tổ chức tài trợ; lập báo cáo hàng tháng, hàng, quý, năm về tình hình sử dụng vốn, lập bảng kê số dư tài khoản để báo cáo Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Ngân hàng chính sách Xã hội tỉnh; cung cấp số liệu, chứng từ có liên quan cho các đoàn thanh tra, kiểm tra của Nhà nước và các tổ chức tài trợ; chuẩn bị đầy đủ hồ sơ kế toán và thực hiện tốt công tác kiểm toán định kỳ theo quy định của Nhà nước và các tổ chức tài trợ.

5. Chỉ đạo hướng dẫn hoặc chủ trì tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng, hội thảo, tham quan, học tập nghiên cứu... để triển khai các hoạt động phần mềm của Dự án một cách có hiệu quả; căn cứ vào thiết kế và phân kỳ hoạt động của Dự án để bố trí nguồn vốn của các hoạt động trên cho các ngành, địa phương thực hiện đúng nội dung và tiến độ.

6. Thiết lập hệ thống kiểm soát và đánh giá từ cấp tỉnh đến cấp thôn, bản, trên cơ sở khung quản lý hệ thống kết quả của IFAD, dựa trên các mức giám sát: đầu vào - đầu ra - kết quả - tác động; xây dựng các mẫu biểu tiêu chuẩn để tiến hành các cuộc đánh giá tác động, các báo cáo định kỳ; hướng dẫn cách sử dụng các biểu mẫu cho cán bộ giám sát, đánh giá và cán bộ quản lý Dự án các cấp; các biểu mẫu báo cáo được đưa vào máy tính qua hệ thống mạng máy tính nội bộ; đề xuất biện pháp kiểm soát và đánh giá, phương pháp nghiệp vụ nhằm kiểm tra toàn bộ hoạt động của Dự án đảm bảo theo đúng quy định của Nhà nước và phù hợp với các quy định của các tổ chức tài trợ; đánh giá khách quan các kết quả trực hiện Dự án trên các phương diện kinh tế, kỹ thuật, quản lý, hiệu quả và tác động; phát hiện kịp thời các vấn đề bất hợp lý và đề xuất bổ sung, điều chỉnh và xử lý nhằm hoàn thiện quá trình vận hành, thực thi Dự án.

Điều 3: Cơ cấu tổ chức:

a. Lãnh đạo Ban quản lý Dự án tỉnh

- Ban quản lý Dự án tỉnh có Giám đốc, 01 đến 02 Phó Giám đốc, Giám đốc trước mắt do Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư kiêm, khi Dự án đã đi vào hoạt động ổn định thì bổ nhiệm Giám đốc hoạt động chuyên trách.

- Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật... Giám đốc và Phó Giám đốc được thực hiện theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ hiện hành.

b. Bộ máy giúp việc:

- Trợ lý Giám đốc kiêm phiên dịch: 01 người

- Các Điều phối viên: 04 người

- Phòng kế toán: 03 người

[...]