Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 2128/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 2128/QĐ-UBND
Ngày ban hành 04/10/2016
Ngày có hiệu lực 04/10/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Nguyễn Văn Phóng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2128/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 04 tháng 10 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO HIỆU QUẢ THU GOM, VẬN CHUYỂN, XỬ LÝ RÁC THẢI SINH HOẠT NÔNG THÔN TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2016-2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: Số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn; số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu;

Căn cứ Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 862/TTr-STNMT ngày 20/9/ 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2016-2020 bao gồm các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường. Triển khai tổng hợp các biện pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn; đẩy mạnh xã hội hóa thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt; huy động tối đa mọi nguồn lực, tăng cường đầu tư cho công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Hạn chế sự gia tăng ô nhiễm môi trường nông thôn tỉnh Hưng Yên, tạo cảnh quan môi trường sống xanh - sạch - đẹp, bảo vệ sức khỏe người dân, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững và xây dựng nông thôn mới.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020

- 80% rác thải sinh hoạt nông thôn được thu gom, vận chuyển, xử lý.

- 50% số hộ gia đình trên địa bàn tỉnh thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình.

II. NHIỆM VỤ

1. Thành lập tổ, đội vệ sinh môi trường thực hiện công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại 38 thôn, khu dân cư hiện chưa có tổ, đội vệ sinh môi trường; 100% số xã, thị trấn thành lập Hợp tác xã dịch vụ môi trường hoặc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp kiêm dịch vụ môi trường. Tại các huyện, thành lập Công ty TNHH, đơn vị thực hiện công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.

2. Trang bị 3.150 xe thu gom vận chuyển rác thải cho các tổ, đội vệ sinh môi trường, Hợp tác xã làm dịch vụ môi trường. Lắp đặt 4.000 thùng đựng rác ở nơi tập trung dân cư, khu vực công cộng, khu vui chơi, chợ, di tích….

3. Xây dựng 273 điểm tập kết rác thải quy mô thôn, liên thôn hoặc xã, thị trấn.

4. Xây dựng, lắp đặt 10 lò đốt rác thải sinh hoạt tại các huyện, thành phố.

5. Đẩy mạnh thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình.

6. Tổ chức thực hiện tốt tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

7. Mở rộng, xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung theo quy hoạch của tỉnh: Khu xử lý chất thải thành phố Hưng Yên, Khu xử lý chất thải Đại Đồng, Khu xử lý chất thải xã Vũ Xá.

8. Kiểm tra, rà soát các điểm tồn đọng rác thải sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn các huyện; tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về quản lý chất thải, không để phát sinh mới các điểm tồn đọng rác thải trên địa bàn.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác tuyên truyền và chỉ đạo của chính quyền các cấp

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các tầng lớp nhân dân, khuyến khích tham gia vào các hoạt động phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, hạn chế sử dụng túi ni lông, không đổ rác bừa bãi, phân loại rác thải kết hợp với xử lý rác thải hữu cơ làm phân vi sinh tại hộ gia đình, nộp phí vệ sinh đầy đủ, đổ rác thải đúng giờ, đúng nơi quy định, tạo điều kiện tối đa cho phương tiện, người thực hiện thu gom; phát hành các tờ rơi, ấn phẩm tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; xây dựng và tuyên truyền nhân rộng các mô hình hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường. Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các mô hình thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh, kịp thời sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình.

[...]