Công văn 8283/BNN-VPĐP năm 2018 về hướng dẫn nội dung thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 8283/BNN-VPĐP
Ngày ban hành 23/10/2018
Ngày có hiệu lực 23/10/2018
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Trần Thanh Nam
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ NÔNG THÔN
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8283/BNN-VPĐP
V/v hướng dẫn nội dung thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2018

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia (tại Công văn số 521/VPCP-NN ngày 15/01/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc ban hành nội dung trọng tâm xây dựng xã đạt chun nông thôn mới nâng cao, điều kiện, tiêu chí xét, công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2018-2020, định hướng chỉ đạo xây dựng tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nội dung thực hiện kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới như sau:

1. Quan điểm chỉ đạo

a) Đối với các huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, tập trung rà soát, chỉ đạo thực hiện để đáp ứng đầy đủ yêu cầu về số xã đạt chuẩn, mức đạt chuẩn các tiêu chí huyện nông thôn mới (theo quy định tại Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 của Thủ tưng Chính phủ).

b) Các huyện sau khi đã đáp ng đầy đủ yêu cầu, quy định về tiêu chí tại Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đi sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển bền vững.

c) Trung ương ban hành nội dung định hướng duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tiêu chí, chỉ tiêu phấn đấu cụ thể đến năm 2020 và những năm tiếp theo đối với các huyện trên địa bàn cho phù hợp với điều kiện thực tế, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

2. Mục tiêu, yêu cầu

a) Mục tiêu: Duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, để đảm bảo xây dựng nông thôn mới là quá trình thường xuyên, liên tục, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, hướng tới phát triển nông thôn bền vững.

b) Yêu cầu:

- Xác định rõ nội dung công việc, giải pháp, lộ trình thực hiện và phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong tổ chức thực hiện kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với huyện đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

- Việc nâng cao chất lượng các tiêu chí phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu của cộng đồng, người dân.

- Tiếp tục phát huy hiệu quả thực hiện phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" bằng các chương trình hành động cụ thể ở từng địa phương.

3. Nội dung trọng tâm

a) Nội dung ưu tiên thực hiện:

(1) Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn:

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội theo hưng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu chủ động phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Thực hiện quản lý, sử dụng, duy tu, bảo trì, nâng cấp đảm bảo hiệu quả sử dụng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội đã được đầu tư.

(2) Phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân:

- Nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.

- Củng cố, hoàn thiện, nâng cấp các vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo quy mô lớn cấp huyện và liên xã.

- Có kế hoạch triển khai Chương trình OCOP.

- Đối với các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện:

+ Tiếp tục chỉ đạo nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực của huyện đảm bảo giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích cao hơn bình quân của tỉnh tối thiểu 10%;

+ Thực hiện tổ chức sản xuất tốt theo hướng trang trại, hợp tác xã; gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch trải nghiệm, dịch vụ theo chuỗi giá trị;

+ Áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong hầu hết các khâu của quy trình sản xuất; thực hành sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn chứng nhận sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn chứng nhận được khuyến khích;

+ Đảm bảo sản xuất thân thiện với môi trường.

- Đối với huyện có tỷ trọng nông nghiệp thấp trong cơ cấu kinh tế, cần tập trung:

+ Rà soát, lựa chọn, phát triển hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, du lịch, dịch vụ trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thân thiện với môi trường và phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương;

[...]