Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 2066/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án Quản lý chất thải rắn và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến 2030

Số hiệu 2066/QĐ-UBND
Ngày ban hành 22/08/2023
Ngày có hiệu lực 22/08/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Người ký Nguyễn Công Vinh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2066/QĐ-UBND

Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 22 tháng 8 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN VÀ PHÂN LOẠI CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TẠI NGUỒN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 05 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn;

Căn cứ Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam;

Căn cứ Quyết định 450/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030;

Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Kế hoạch số 1847-KH/BCSĐ ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh về Kế hoạch triển khai Chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 316/TTr-STNMT ngày 21 tháng 6 năm 2023 và chỉnh sửa, bổ sung tại văn bản số 5120/STNMT-QLMT ngày 07 tháng 8 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Quản lý chất thải rắn và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến 2030” (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chính sau:

1. Sự cần thiết

Ngày 17/11/2020, Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, Kỳ họp thứ 10 thông qua Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022; trong đó, có đưa ra nhiều quy định mới liên quan đến quản lý chất thải rắn cụ thể tại Chương VI, riêng quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Điều 75 có quy định chất thải rắn sinh hoạt được phân loại theo nguyên tắc thành 03 loại là chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác và giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể nhóm chất thải rắn sinh hoạt khác và chất thải cồng kềnh; có chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, lộ trình thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024; tại Điều 79 có đưa ra quy định về nguyên tắc thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt được tính dựa trên khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh và đã được phân loại theo quy định. Cụ thể, chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại theo quy định không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý, trường hợp không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác, lộ trình thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024.

Ngoài ra, tại Kết luận số 1122/KL-UBKHCNMT15 ngày 30/12/2022 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt” đã có chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và đề nghị UBND các tỉnh, thành phố xây dựng “Đề án tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đến năm 2025 phù hợp với Chiến lược BVMT quốc gia và lộ trình hạn chế xử lý CTRSH bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp”.

Về lợi ích kinh tế xã hội và môi trường, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là một trong những giải pháp quan trọng góp phần vào việc giải quyết những vấn đề môi trường do chất thải rắn gây ra, cụ thể: Phân loại các thành phần trong chất thải rắn sinh hoạt thành những phần riêng biệt, có thể tái chế, tái sử dụng; thu gom được các loại chất thải nguy hại có lẫn trong chất thải rắn sinh hoạt; thực hiện thu phí xử lý và bán nguyên liệu tái chế, dần dẫn đến việc cân bằng thu chi trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt; giảm bớt khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải chôn lấp ở các bãi chôn lấp hợp vệ sinh, xử lý bằng phương pháp đốt; góp phần giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, từng bước thực hiện nền kinh tế tuần hoàn; giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình xử lý chất thải.

Theo số liệu thống kê năm 2022, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thu gom, xử lý trung bình khoảng 950 tấn/ngày. Dự báo đến năm 2025, khối lượng phát sinh khoảng 1.590 tấn/ngày. Chất thải rắn sinh hoạt tại địa phương hầu như chưa được phân loại hoặc được phân loại nhưng chưa có giải pháp thu gom, vận chuyển, xử lý phù hợp nên hiệu quả còn chưa cao.

Với thực trạng nêu trên và để thực hiện các đề nghị của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội khóa XV; đồng thời, để thực hiện yêu cầu công tác quản lý chất thải rắn và công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định của pháp luật, việc xây dựng Đề án quản lý chất thải rắn và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh là cần thiết.

2. Quan điểm

a) Phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và các chủ trương của Chính phủ tại Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn; Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1316/QĐ-TTg ngày 22/07/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kết luận số 1122/KL-UBKHCNMT15 ngày 30/12/2022 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội khóa XV; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 33-CT/TU ngày 04/04/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025;

b) Phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân;

c) Chất thải rắn phải được quản lý trong toàn bộ quá trình phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy;

d) Chất thải rắn phát sinh phải được quản lý theo hướng coi là tài nguyên, được phân loại, thu gom phù hợp với công nghệ xử lý được lựa chọn; khuyến khích xử lý chất thải thành nguyên liệu, nhiên liệu, các sản phẩm thân thiện môi trường, xử lý chất thải kết hợp với thu hồi năng lượng, tiết kiệm đất đai và phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương;

đ) Hướng đến thực hiện xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng từ quá trình xử lý chất thải; áp dụng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, thân thiện môi trường, kỹ thuật hiện có tốt nhất nhằm giảm thiểu, kiểm soát chất thải thứ cấp phát sinh, hạn chế tối đa lượng chất thải rắn phải chôn lấp; khuyến khích đồng xử lý chất thải, sử dụng chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu thay thế.

[...]