Quyết định 205/2003/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện" tại thành phố Hồ Chí Minh do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 205/2003/QĐ-TTg
Ngày ban hành 02/10/2003
Ngày có hiệu lực 21/10/2003
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Gia Khiêm
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 205/2003/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 205/2003/QĐ-TTG NGÀY 02 THÁNG 10 NĂM 2003 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "TỔ CHỨC QUẢN LÝ, DẠY NGHỀ VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN" TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Phòng, chống ma tuý ngày 22 tháng 12 năm 2000;
Căn cứ Nghị quyết số 16/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003 của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác trực thuộc Trung ương;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đề án "Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện" của thành phố Hồ Chí Minh (kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm tổ chức thực hiện thí điểm Đề án; hàng năm tổ chức sơ kết đánh giá tình hình thực hiện Đề án và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Đề án theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình đồng thời có biện pháp giúp thành phố Hồ Chí Minh tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, chính sách và các vấn đề liên quan; định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Đề án của thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

MỤC LỤC

I

 

Sự cần thiết phải tiếp tục tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện

3

 

1

Khái quát thực trạng tệ nạn nghiện ma tuý tại thành phố Hồ Chí Minh

3

 

2

Một số kết quả bước đầu trong công tác phòng, chống ma tuý và cai nghiện, phục hồi của thành phố thời gian qua

3

 

3

Những khó khăn, tồn tại trong công tác phòng, chống ma tuý tại thành phố Hồ Chí Minh

5

 

4

Từ thực tiễn hoạt động cai nghiện phục hồi và phòng, chống tái nghiện, thành phố Hồ Chí Minh rút ra một số nhận xét

6

II

 

Nội dung đề án

7

A

 

Mục tiêu của Đề án

7

B

 

Tổng quan về phương thức giải quyết, bố trí đối với người sau cai nghiện

7

 

1

Nguyên tắc chung

7

 

2

Đối tượng áp dụng

7

 

3

Thời gian áp dụng

8

 

4

Các phương thức bố trí người sau cai nghiên

8

 

5

Những trường hợp xem xét cho về gia đình

8

C

 

Các phương thức giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện

9

 

1

Làm việc tại các cụm công nghiệp đặc biệt

9

 

2

Làm việc và định cư cơ sở cai nghiện

11

 

3

Làm việc tại các Đội, Tổng đội lao động tình nguyện có tính cơ động

13

 

4

Làm việc tại các Hợp tác xã, các cơ sở sản xuất do gia đình người sau cai nghiện và các tổ chức hoặc cá nhân thuộc các thành phần kinh tế thành lập.

13

D

 

Tổ chức dạy văn hoá, dạy nghề cho người sau cai nghiện

15

 

1

Dạy văn hoá

15

 

2

Dạy nghề

15

E

 

Các chế độ, chính sách đối với người sau cai nghiện

16

 

1

Chế độ quản lý người sau cai nghiện

16

 

2

Chính sách đối với người sau cai nghiện

17

 

3

Khen thưởng và kỷ luật

17

III

 

Giải pháp và tổ chức thực hiện

18

A

 

Các giải pháp

18

 

1

Vốn đầu tư

18

 

2

Chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư sản xuất

19

 

3

Về công tác cán bộ

20

 

4

Về quản lý trật tự trị an tại các cơ sở giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện

21

 

5

Về kiểm tra các cơ sở quản lý người sau cai nghiện

22

 

6

Về những vấn đề khác

22

B

 

Về tổ chức thực hiện Đề án

22

IV

 

Thời gian và tiến độ thực hiện

23

V

 

Kết luận và kiến nghị

23

 

1

Dự báo thuận lợi và khó khăn phát sinh

23

 

2

Kết luận và kiến nghị

25

 

 

Phạm Gia Khiêm

(Đã ký)

 

ĐỀ ÁN

TỔ CHỨC QUẢN LÝ, DẠY NGHỀ VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 205/2003/QĐ-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ)

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI TIẾP TỤC TỔ CHỨC QUẢN LÝ, DẠY NGHỀ VÀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI SAU CAI NGHIỆN

1. Khái quát thực trạng tệ nạn nghiện ma tuý tại thành phố Hồ Chí Minh:

Trong những năm gần đây, tệ nạn nghiện ma túy ở Việt Nam, đặc biệt là tại thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng gia tăng nhanh. Theo số liệu của các cơ quan chức năng của thành phố, đầu năm 1996, thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 5.300 người nghiện ma tuý. Đến 15 tháng 6 năm 2002, kết quả điều tra từ thực tiễn cho thấy số người nghiện tăng lên hơn 24.000 người và hiện nay lên đến khoảng 30.000 người. Đáng lo ngại hơn là ma tuý tổng hợp có tính gây nghiện nhanh và độc hại cao đã xuất hiện tại thành phố trong vài năm gần đây cùng với việc sử dụng ma tuý qua đường tiêm chích đã tăng sự lây nhiễm HIV/AIDS. Tệ nạn nghiện ma tuý gia tăng tạo ra sự bất an trong đời sống xã hội, nhân dân lo lắng, ảnh hưởng đến công cuộc xây dựng và phát triển thành phố; đồng thời ma tuý còn gây tác hại xấu cho sức khoẻ, đặc biệt là trong thanh thiếu niên nghiện hút, chích, ảnh hưởng tới giống nòi dân tộc, để lại hậu quả nghiêm trọng cho các thế hệ mai sau.

2. Một số kết quả bước đầu trong công tác phòng, chống ma tuý và cai nghiện, phục hồi của thành phố thời gian qua:

Ý thức được hiểm hoạ ma tuý, Đảng bộ và chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã khẩn trương thực thi hàng loạt biện pháp mang tính chất cấp bách và lâu dài để phòng, chống tệ nạn ma tuý. Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ VII đã đề ra Chương trình mục tiêu 3 giảm: giảm ma tuý, giảm mại dâm và giảm tội phạm. Ngày 23 tháng 7 năm 2001, Uỷ ban nhân dân thành phố đã ra Quyết định số 62/2001/QĐ-UB ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu 3 giảm giai đoạn 2001 - 2005; trong đó có mục tiêu tập trung quản lý 17.000 người nghiện để chữa trị, phục hồi sức khoẻ, nhân cách...

Sau hơn 01 năm rưỡi thực hiện, với sự chỉ đạo kiên quyết của Thành uỷ và ủy ban nhân dân thành phố, sự nỗ lực của các sở - ngành, quận - huyện, các trường và trung tâm cai nghiện, thành phố đã kiềm chế, chuyển hoá được nhiều địa bàn, tụ điểm phức tạp về ma tuý. Hiện nay, thành phố có 5.004/13.778 tổ dân phố (36,32%), 200 khu phố không có người nghiện ma tuý. Trong 2 năm 2001 - 2002, thành phố đã đầu tư trên 300 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp, mở rộng và xây mới 16 trường, trung tâm giáo dục để tập trung chữa trị, giáo dục, phục hồi nhân cách cho hơn 20.000 người nghiện ma tuý; đang thi công xây dựng mới Trung tâm cai nghiện trọng điểm của thành phố, Trung tâm giáo dục, dạy nghề Phụ nữ 2, Trung tâm giáo dục dạy nghề Bình Triệu 2 tại huyện Phước Long, tỉnh Bình Phước... để nâng sức chứa lên 30.000 học viên cai nghiện vào cuối năm 2003 với tổng diện tích 2.896,36 ha. Hiện nay, thành phố đang tập trung quản lý gần 25.000 người nghiện tại các trường, trung tâm. Việc đưa một số lượng lớn người vào cai nghiện tập trung trong thời gian qua đã đem lại hiệu quả to lớn trên nhiều lĩnh vực: kéo giảm gần 10% số vụ phạm pháp hình sự, triệt phá được nhiều tổ chức vận chuyển, mua bán ma tuý với số lượng lớn, ngăn chặn sự lây lan trong cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh; thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố; đồng thời đem lại niềm tin cho hàng chục ngàn gia đình có con em nghiện ma tuý, tạo được sự đồng thuận cả trong cán bộ và nhân dân thành phố.

Hưởng ứng Chương trình mục tiêu 3 giảm, nhiều tổ chức và cá nhân trong thành phố còn tích cực góp phần vào các hoạt động thăm hỏi, giao lưu, động viên, liên kết đầu tư tổ chức dạy nghề, giải quyết việc làm cho các em học viên cai nghiện. Tổng giá trị đầu tư trang thiết bị dạy nghề, sản xuất từ tất cả các nguồn lực mang tính xã hội hoá nói trên là gần 3 tỷ đồng và tổng giá trị quà tặng trên 1 tỷ đồng. Tại các trường, Trung tâm cai nghiện của thành phố, ngoài yếu tố cơ sở vật chất được thành phố đầu tư xây dựng, nâng cấp trở nên khang trang, sạch đẹp, tương đối đầy đủ tiện nghi, học viên còn được học tập văn hoá, học nghề, được tham gia nhiều loại hình vui chơi giải trí mang tính giáo dục và thẩm mỹ, được tiếp xúc, gặp gỡ với nhiều đoàn của các quận - huyện, sở - ngành, mặt trận, tôn giáo, đoàn thể các cấp, qua đó, được động viên và cảm nhận được sự gần gũi chăm sóc của chính quyền và của cộng đồng đối với mình, từ đó phần lớn tỏ ra yên tâm, cố gắng rèn luyện, học tập, lao động sản xuất, chấp hành tốt quy định của cơ sở cai nghiện, số vi phạm kỷ luật rất ít.

Học viên cai nghiện được tổ chức tham gia lao động sản xuất bằng nhiều hình thức tuỳ theo tình trạng sức khoẻ và khả năng. Lao động vừa được coi là liệu pháp điều trị cai nghiện vừa giúp các em góp phần cải thiện bữa ăn, giảm được một phần chi phí từ ngân sách và đóng góp từ gia đình.

Hiện nay, 16 trường, trung tâm của thành phố đã tự túc được 100% rau xanh, 70 - 80% thực phẩm. Bước đầu, thu nhập từ lao động của học viên còn thấp, chỉ bằng 1/4 - 1/2 người lao động bình thường nhưng đang có xu hướng ngày càng tăng (bình quân là 100.000 đồng - 150.000 đồng/tháng) do nỗ lực tìm kiếm việc làm phù hợp với học viên của các trường, trung tâm cai nghiện. Các trường, trung tâm cũng đã hình thành 9 Đội học viên tình nguyện với tổng số 1.772 học viên được bố trí tham gia lao động sản xuất ở nhiều loại hình: thêu, may, đan mây tre lá; sản xuất hàng gia dụng, thủ công mỹ nghệ; chế biến cà phê, hạt điều, đậu nành, bột mỳ...; trồng cây công nghiệp, cây ăn trái, trồng rừng; chăn nuôi gia súc, gia cầm; sản xuất vật liệu xây dựng (đá, gạch); tham gia một số công trình xây dựng cấp thành phố như nâng cấp mở rộng tuyến đường rừng Sác - Cần Giờ, ĐT 750 trên 30 km từ thuỷ điện Thác Mơ vào Trung tâm cai nghiện trọng điểm của thành phố ở tỉnh Bình Phước.

3. Những khó khăn, tồn tại trong công tác phòng, chống ma tuý tại thành phố Hồ Chí Minh:

Qua thống kê, phân loại số người nghiện đang được chữa trị, giáo dục tại các trường, trung tâm cai nghiện cho thấy đa số còn rất trẻ: dưới 18 tuổi chiếm tỷ lệ 7,22%; từ 18 - 25 tuổi chiếm 50,65%; từ 26 - 30 tuổi chiếm 29,58%; từ 31 - 40 chiếm 10,45%; trên 40 tuổi chiếm 2,10%; trình độ học vấn thấp (11,52% bị mù chữ, 30,16% cấp I, 41,93% cấp II); số có nghề nghiệp chuyên môn rất ít (khoảng 9%), trong đó chủ yếu là đào tạo theo lối kèm cặp, số đã được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ từ công nhân kỹ thuật tới đại học rất thấp, chỉ chiếm 1,58%. Trong số người đang cai nghiện, chỉ có 4,91% là công nhân, viên chức, số còn lại không có nghề nghiệp, việc làm trước khi vào cai nghiện (52,55%) hoặc đang đi học (3,11%) hay tuy có việc làm nhưng là lao động phổ thông, không ổn định (39,39%). Đây là nhóm có nguy cơ tái nghiện cao do hầu hết không có nghề nghiệp, không có việc làm, dễ bị lôi kéo vào việc sử dụng ma tuý, buôn bán ma tuý khi trở về địa bàn dân cư còn nhiều phức tạp, vì tệ nạn mua bán ma tuý tại thành phố tuy đã giảm nhưng chưa dứt hẳn.

[...]