Quyết định 208/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 208/QĐ-TTg
Ngày ban hành 14/02/2011
Ngày có hiệu lực 14/02/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Gia Khiêm
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 208/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC NGOẠI GIAO VĂN HÓA ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt “Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020” kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, QHQT (5b)

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Gia Khiêm

 

CHIẾN LƯỢC

NGOẠI GIAO VĂN HÓA ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành theo Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ)

PHẦN MỞ ĐẦU

Với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, ngoại giao văn hóa ngày càng được sử dụng rộng rãi với nhiều hình thức phong phú và có vai trò quan trọng hơn trong nền ngoại giao của mỗi quốc gia bởi sức lan tỏa mạnh mẽ của văn hóa có tác dụng to lớn trong việc xây dựng lòng tin, giúp làm sâu sắc và thắt chặt hơn các mối quan hệ chính trị và kinh tế giữa các quốc gia.

Trong thập niên đầu thế kỷ 21, với sự phát triển mạnh mẽ của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, với sự hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, chúng ta đã và đang phát huy sức mạnh của văn hóa trong đối ngoại nhằm thực hiện thắng lợi chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Ngoại giao văn hóa của Việt Nam được xác định là việc triển khai các hoạt động văn hóa do Nhà nước làm chủ đạo nhằm đạt được những mục tiêu chính trị, kinh tế, văn hóa phù hợp với yêu cầu chung của công tác đối ngoại. Nội hàm của ngoại giao văn hóa bao gồm năm hoạt động chính là mở đường, khai thông quan hệ với các nước và khu vực chưa có nhiều quan hệ với ta; xúc tiến, tăng cường và làm sâu sắc hiểu biết với các quốc gia; quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trên trường quốc tế; vận động để Việt Nam có nhiều di sản được UNESCO công nhận và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong 5 năm qua, công tác ngoại giao văn hóa ngày càng được quan tâm hơn theo tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và mở rộng quan hệ trên các lĩnh vực đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Trong bối cảnh từ nay đến năm 2020, công tác này cần được tổ chức thực hiện một cách có hệ thống với trọng tâm, trọng điểm rõ ràng hơn để đóng góp hiệu quả hơn vào chiến lược ngoại giao toàn diện, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Việc xây dựng Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020 nhằm xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu để phát triển ngoại giao văn hóa thành một trụ cột quan trọng của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của Việt Nam, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

I. THỰC TRẠNG NGOẠI GIAO VĂN HÓA TRONG THỜI GIAN QUA

1. Về nhận thức:

Nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương trong và ngoài nước về sự cần thiết và tầm quan trọng của công tác ngoại giao văn hóa đã được tăng cường. Ngoại giao văn hóa bước đầu được các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các tầng lớp xã hội quan tâm và tham gia tích cực.

Nhận thức về vai trò, trách nhiệm của tổ chức xã hội và doanh nghiệp trong việc triển khai ngoại giao văn hóa cũng được chú trọng bước đầu. Những hoạt động quảng bá hình ảnh, giao lưu văn hóa, các chương trình biểu diễn nghệ thuật ở trong và ngoài nước, các hoạt động hội nghị, hội thảo cũng nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của nhiều tầng lớp xã hội và các doanh nghiệp, qua đó tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động ngoại giao văn hóa.

2. Sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan đến hoạt động ngoại giao văn hóa:

Sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương để triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa ngày càng hiệu quả hơn. Một số Bộ, cơ quan có liên quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam … đã ký kết thỏa thuận hợp tác, qua đó xác định rõ các cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp trong việc triển khai công tác này ở trong và ngoài nước. Các địa phương trong cả nước cũng tích cực phát huy vai trò trong công tác quảng bá hình ảnh địa phương, thông qua việc tổ chức các lễ hội, sự kiện văn hóa tại địa phương mình và tích cực xây dựng hồ sơ đệ trình công nhận các danh hiệu văn hóa quốc tế.

3. Một số kết quả triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa cụ thể:

Hoạt động ngoại giao văn hóa bước đầu gắn kết với ngoại giao chính trị, nhân các chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao nhằm tăng cường hiểu biết giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế như việc tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, biểu diễn Nhã nhạc Cung đình Huế, các ngày văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, các triển lãm nhạc cụ, tranh ảnh giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam … đồng thời qua đó giới thiệu về tiềm năng kinh tế, du lịch, là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư và thương mại.

Hoạt động ngoại giao văn hóa đã góp phần tích cực vận động các danh hiệu văn hóa thế giới như Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa Thế giới, Ca trù, Quan họ là Di sản văn hóa phi vật thể…; hỗ trợ các địa phương tổ chức các chương trình văn hóa như các lễ hội văn hóa, du lịch, ẩm thực, các cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế …

Thông qua các hoạt động ngoại giao văn hóa, các giá trị, tinh hoa văn hóa và tri thức của các nước trên thế giới đã được tiếp thu có chọn lọc nhằm góp phần làm phong phú nền văn hóa của Việt Nam và nâng cao chất lượng đời sống tinh thần nhân dân, đồng thời chuyển tải nhiều ý tưởng và chương trình lớn của Liên Hợp quốc và UNESCO vào nhiều chương trình hành động quốc gia như xây dựng “xã hội học tập”, “xã hội thông tin”, “giáo dục cho mọi người”…

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ