Quyết định 20/2010/QĐ-UBND ban hành Quy định về quản lý và bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Cà Mau do Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành

Số hiệu 20/2010/QĐ-UBND
Ngày ban hành 23/09/2010
Ngày có hiệu lực 03/10/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Phạm Thành Tươi
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 20/2010/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 23 tháng 9 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chỉnh phủ về quản lý, bảo vệ động vật, thực vật rừng;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 212/TTr-SNN ngày 20/7/2010 về việc ban hành Quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Cà Mau và Báo cáo thẩm định số 122/STP ngày 12/7/2010 của Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã và danh mục động vật hoang dã cấm khai thác, săn bắt, kinh doanh, mua bán và vận chuyển trái phép trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 54/2005/QĐ-UBND ngày 07/5/2005 của UBND tỉnh về chế độ quản lý và bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Cà Mau; bãi bỏ Quyết định số 57/QĐ-UBND ngày 25/01/2006 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc Ban hành danh mục động vật hoang dã quý, hiếm trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Cà Mau và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- TT.Tỉnh ủy và TT.HĐND tỉnh (b/c);
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Như Điều 3;
- Báo, Đài, Website tỉnh (đăng, phát nội dung);
- Lãnh đạo VP.UBND tỉnh;
- CV các khối;
- Lưu: VT, Mi40/9.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Thành Tươi

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ, BẢO VỆ ĐỘNG VẬT HOANG DÃ VÀ DANH MỤC ĐỘNG VẬT HOANG DÃ CẤM KHAI THÁC, SĂN BẮT, KINH DOANH, MUA BÁN VÀ VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 20/2010/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2010 của UBND tỉnh Cà Mau)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã và danh mục cấm khai thác, săn bắt, sử dụng, mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã và sản phẩm của chúng trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ, khai thác, mua bán, vận chuyển, động vật hoang dã và sản phẩm của chúng trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Điều 3. Động vật hoang dã được quản lý, bảo vệ theo Quy định này, bao gồm: Các loài chim, thú, bò sát và lưỡng cư sống trong môi trường thiên nhiên và môi trường có kiểm soát. Động vật hoang dã được phân thành hai nhóm: Động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm và động vật hoang dã thông thường.

1. Động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm: là những loài động vật hoang dã được quy định tại Nghị định số 32/2006/ NĐ-CP của Chính phủ và trong các phụ lục của Công ước CITES.

2. Động vật hoang dã thông thường: là những loài động vật hoang dã không nằm trong danh mục của Nghị định số 32/2006/ NĐ-CP và các phụ lục của Công ước CITES.

Điều 4. Giải thích một số thuật ngữ

1. Động vật hoang dã: là các loài chim, thú, bò sát và lưỡng cư sống trong môi trường thiên nhiên và môi trường có kiểm soát.

2. Động vật hoang dã gây nuôi: là những loài chim, thú, bò sát và lưỡng cư được gây nuôi sinh trưởng, lai tạo, nhân giống cho sinh sản ra các thế hệ F1 và F2.

3. Sản phẩm từ động vật hoang dã: là sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu là động vật hoang dã hoặc bộ phận cơ thể của chúng.

4. Phụ lục của Công ước CITES bao gồm:

a) Phụ lục I: là danh mục những loài động vật, thực vật hoang dã bị đe dọa tuyệt chủng, nghiêm cấm xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật từ tự nhiên vì mục đích thương mại.

[...]