Quyết định 1980/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2011-2020

Số hiệu 1980/QĐ-UBND
Ngày ban hành 19/09/2013
Ngày có hiệu lực 19/09/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Nguyễn Minh Tiến
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1980/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 19 tháng 09 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2011 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội;

Căn cứ Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về hướng dẫn lập Quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Văn bản số 2134/BNN-TCLN ngày 27/6/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thẩm định Quy hoạch bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 97/NQ-HĐND ngày 12/07/2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang về Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2011-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 329/TT-SNN ngày 16/9/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2011-2020; với nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu

a) Về kinh tế

- Đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu tập trung ở các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên và các xã phía Nam của huyện Xín Mần đảm bảo đáp ứng nguồn nguyên liệu cho nhà máy giấy Bãi Bằng và các nhà máy chế biến lâm sản trong tỉnh.

- Xây dựng và phát triển nền lâm nghiệp sản xuất hàng hóa đa dạng với nhiều thành phần kinh tế, đáp ứng lâu dài và ổn định nhu cầu gỗ và các loại lâm sản khác cho sự phát triển kinh tế của tỉnh, đóng góp một phần trong giá trị tổng sản phẩm kinh tế quốc dân.

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, cây đa mục đích về kinh tế và phòng hộ, kết hợp với áp dụng các giải pháp lâm sinh hữu hiệu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng; rút ngắn chu kỳ kinh doanh, nâng cao giá trị thu nhập cho người dân sản xuất lâm nghiệp.

- Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng tăng giá trị rừng kinh tế, phát triển sản xuất lâm nghiệp thành một ngành quan trọng đem lại thu nhập cho người trồng rừng; nâng dần tỷ trọng giá trị dịch vụ môi trường rừng; nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm lâm nghiệp.

- Phấn đấu đến năm 2020 giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt trên 1.500 tỷ đồng/năm và chiếm trên 40% trong cơ cấu kinh tế ngành nông lâm ngư nghiệp.

b) Về môi trường

Làm tốt công tác bảo vệ rừng tự nhiên, rừng trồng (đặc dụng và phòng hộ); khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, kết hợp với trồng rừng để nâng cao chất lượng rừng đạt được độ che phủ của rừng lên 60% vào năm 2020. Đảm bảo bảo vệ môi trường sinh thái, phòng hộ đầu nguồn, hạn chế thiên tai, giảm thiểu khí phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu.

c) Về xã hội

- Tạo thêm việc làm cho khoảng 30 nghìn lao động; tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho người làm nghề rừng, đặc biệt cho đồng bào các dân tộc ít người; góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống nhân dân nông thôn miền núi đặc biệt là 4 huyện vùng cao núi đá.

- Thông qua hoạt động sản xuất lâm nghiệp, tạo môi trường đào tạo và chuyển giao công nghệ cho người dân làm nghề rừng. Nâng cao nhận thức hiểu biết về vai trò, tầm quan trọng của rừng đối với môi trường sinh thái và phát triển kinh tế xã hội của địa phương, về pháp luật và về thị trường kinh doanh.

d) Về an ninh quốc phòng

- Tạo được việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống dân cư sẽ hạn chế các tệ nạn xã hội; góp phần giữ vững an ninh và trật tự xã hội vùng cao biên giới.

- Bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn, khu vực hành lang biên giới góp phần đảm bảo khả năng phòng thủ của các khu rừng đối với an ninh quốc phòng của tỉnh và quốc gia.

2. Nhiệm vụ cụ thể

[...]