Quyết định 1968/QĐ-BTC năm 2021 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Thuế doanh nghiệp lớn trực thuộc Tổng cục Thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 1968/QĐ-BTC
Ngày ban hành 08/10/2021
Ngày có hiệu lực 08/10/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Hồ Đức Phớc
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Bộ máy hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1968/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC THUẾ DOANH NGHIỆP LỚN TRỰC THUỘC TỔNG CỤC THUẾ

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 15/2021/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Cục Thuế doanh nghiệp lớn là đơn vị thuộc Tổng cục Thuế, có chức năng tham mưu, giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thực hiện quản lý nhà nước về thuế đối với người nộp thuế được xác định là doanh nghiệp lớn (sau đây gọi là doanh nghiệp lớn) và theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo đối với các khoản thu ngân sách nhà nước được giao theo quy định. Quản lý thuế trực tiếp đối với các doanh nghiệp theo phân công của cấp có thẩm quyền, phù hợp với quy định của Luật Quản lý thuế, các Luật thuế và các quy định pháp luật có liên quan.

2. Cục Thuế doanh nghiệp lớn có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được cấp mã cơ quan quản lý thu theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn

1. Tham mưu, giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thực hiện quản lý nhà nước về thuế đối với doanh nghiệp lớn và theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo đối với các khoản thu ngân sách nhà nước được giao theo quy định:

a) Xây dựng chương trình, kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm về quản lý thuế với doanh nghiệp lớn;

b) Xây dựng các tiêu chí xác định doanh nghiệp lớn; xây dựng danh sách các doanh nghiệp lớn thuộc phạm vi quản lý thuế trực tiếp của Cục Thuế doanh nghiệp lớn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

c) Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với doanh nghiệp lớn theo phân công của cấp có thẩm quyền. Tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách thuế, quản lý thuế đối với các doanh nghiệp lớn trên phạm vi cả nước.

d) Tham mưu hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan thuế các cấp thực hiện các quy định về chính sách thuế, quản lý thuế đối với doanh nghiệp lớn và các đơn vị thành viên trực thuộc của doanh nghiệp lớn hoạt động trên phạm vi cả nước và địa bàn thuộc phạm vi quản lý theo phân công của cấp có thẩm quyền.

đ) Tổng hợp, phân tích, đánh giá các chỉ tiêu về quản lý thuế, đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với doanh nghiệp lớn. Tham mưu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về thuế; các quy định, quy trình quản lý thuế; các vướng mắc phát sinh, vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết của Cục Thuế doanh nghiệp lớn.

e) Phối hợp xây dựng, áp dụng quy trình quản lý rủi ro trong quản lý thuế đối với doanh nghiệp lớn.

g) Phối hợp thực hiện quản lý thuế theo phân công của Tổng cục Thuế đối với các doanh nghiệp lớn thuộc phạm vi quản lý trực tiếp của Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: được phân quyền khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu của Tổng cục Thuế để phục vụ công tác theo dõi, phân tích, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và các chỉ tiêu quản lý thuế đối với doanh nghiệp lớn; hướng dẫn, giải quyết vướng mắc về việc áp dụng chính sách pháp luật về thuế; thanh tra - kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế. Phối hợp với các tổ chức, đơn vị có liên quan để tham mưu lập, giao nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước hàng năm đối với các Cục Thuế địa phương trên cơ sở các thông tin quản lý thuế doanh nghiệp lớn.

h) Phối hợp quản lý thuế đối với các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định.

i) Tham mưu chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, tổng hợp báo cáo đối với các khoản thu thuộc ngân sách nhà nước gồm: lợi nhuận còn lại, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; khoản chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước; các khoản phí, lệ phí thuộc ngân sách trung ương.

2. Quản lý thuế trực tiếp đối với các doanh nghiệp lớn theo phân công của Bộ Tài chính, phù hợp với quy định của Luật Quản lý thuế, các Luật thuế và quy định pháp luật có liên quan (trừ các khoản thu người nộp thuế nộp theo thông báo của cơ quan thuế địa phương tại địa bàn nơi có đất, nước, khoáng sản thuộc đối tượng chịu thuế gồm: thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp, tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền sử dụng đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tiền sử dụng khu vực biển; lệ phí trước bạ), cụ thể:

a) Thực hiện công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế; đăng ký thuế, khai thuế, khấu trừ thuế, nộp thuế, miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế; gia hạn thuế, bù trừ thuế, hoàn trả tiền thuế nộp thừa; kế toán thuế, thống kê thuế; quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; thanh tra, kiểm tra thuế; giải quyết khiếu nại về thuế.

b) Trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc về chính sách thuế và quản lý thuế đối với doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý thuế trực tiếp.

c) Xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước được giao hàng năm theo quy định.

d) Theo dõi, tổng hợp, phân tích, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước; tham mưu, phối hợp đề xuất các giải pháp đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước được giao của Cục Thuế doanh nghiệp lớn theo quy định.

[...]