Quyết định 16/QĐ-BTC năm 2024 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Tài chính doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính

Số hiệu 16/QĐ-BTC
Ngày ban hành 04/01/2024
Ngày có hiệu lực 04/01/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Hồ Đức Phớc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 04 tháng 01 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 14/2023/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Cục Tài chính doanh nghiệp là đơn vị thuộc Bộ Tài chính, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước về tài chính doanh nghiệp, bao gồm cả tài chính doanh nghiệp đối với hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và đầu tư ra nước ngoài (trừ đầu tư gián tiếp); tài chính kinh tế tập thể, hợp tác xã; tài chính phục vụ chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành doanh nghiệp, cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp và phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Cục Tài chính doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ

1. Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật về:

a) Cơ chế, chính sách về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước;

b) Quy định tiêu chí, phương thức đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và xếp loại đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; cơ chế quản lý, giám sát hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; cơ chế giám sát về tài chính đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước;

c) Cơ chế, chính sách về tài chính phục vụ chuyển đổi sở hữu, sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành doanh nghiệp, cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập;

d) Cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí khác hỗ trợ cho doanh nghiệp theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

đ) Cơ chế quản lý tài chính đối với hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; cơ chế, chính sách về tài chính phục vụ chính sách phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

e) Cơ chế tài chính cho việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi và sự nghiệp khác theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

g) Cơ chế, chính sách khác về tài chính doanh nghiệp theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

h) Tổng hợp, tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính tham gia ý kiến với các bộ, ngành, cơ quan khác ở trung ương và địa phương đối với các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách khác liên quan đến tài chính doanh nghiệp; doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; kinh tế tập thể, hợp tác xã và hoạt động đầu tư nước ngoài.

2. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các cơ chế, chính sách quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản 1 Điều này.

3. Chủ trì báo cáo Bộ hoặc trình Bộ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp:

a) Xây dựng, báo cáo Bộ trình Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp khác theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính;

b) Cho ý kiến cụ thể về báo cáo tài chính của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ;

c) Thực hiện việc giám sát tình hình đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp của các cơ quan đại diện chủ sở hữu theo quy định;

d) Theo dõi, giám sát tình hình quản lý, sử dụng vốn, tài sản và phân tích, cảnh báo các doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn tài chính và đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước bao gồm: Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước theo quy định pháp luật; kiến nghị, đề xuất giải pháp với cơ quan đại diện chủ sở hữu về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

4. Tham mưu báo cáo Bộ trong việc phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng Bộ Tài chính:

a) Có ý kiến bằng văn bản theo đề nghị của cơ quan đại diện chủ sở hữu về:

[...]